Gần đây, cộng đồng mạng có chia sẻ một status của một cô gái sinh năm 1995 nói thật rằng do không tự tin về gương mặt mình nên khi ra đường phải trang điểm rất kỹ, những tấm hình đăng lên Facebook đều được chỉnh sửa sao cho lung linh nhất, ngay cả cái tên cũng thay đổi. Kèm theo đó, cô xin lỗi những người cô đã “lừa dối” và thú thật rằng cô ấy cũng rất mệt mỏi khi phải sống như vậy.
Bạn gái của cháu cũng nghiện “phây” nặng và suốt ngày chụp ảnh “tự sướng”. Cháu rất mệt mỏi và muốn khuyên nhủ nhưng không đủ uy tín. Mong bác sĩ có vài lời để bạn cháu hiểu ạ.
(Nguyễn Ngọc Th. - Kiên Giang)
Dường như đây cũng là câu chuyện của rất nhiều cô gái hiện nay - thích cuộc sống ảo trên mạng hơn là cuộc sống thật ngoài đời. Từ khi có các mạng xã hội và nhờ các phần mềm chỉnh sửa hình ảnh đang ngày càng hiện đại, người ta có thể tạo cho một hình ảnh khác, một nhân thân khác rực rỡ hơn thực tế. Các phụ huynh ngày nay lo sợ teen nam down gì từ trên mạng về (clip sex) và sợ teen nữ post gì lên mạng (hình ảnh nóng).
Đúng là mạng xã hội đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta: cơ hội để chia sẻ sở thích, trò chuyện (chat, voice chat), gửi thư điện tử (email), xem phim, ảnh, nhật ký điện tử (blog), trò chơi (games), quản lý thông tin, tìm kiếm thông tin và kết nối bạn bè không phân biệt không gian và thời gian... Với những tính năng tiện lợi đó, mạng xã hội đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống xã hội của hàng trăm triệu thành viên trên khắp thế giới đồng thời cũng là nơi đang nuôi dưỡng biết bao cuộc sống ảo.
Có lẽ chưa bao giờ từ “sống ảo” được nói đến nhiều như những năm gần đây, được hiểu đơn giản là cuộc sống không có thực như bên ngoài đời. Mạng xã hội có những phương tiện làm người dùng cảm thấy mình được nổi tiếng, đó chính là lượng “like” cho mỗi chia sẻ, lượng người theo dõi trang cá nhân... Ngày trước, một bạn trẻ nổi tiếng được gọi là hot boy, hot girl khi họ vừa sở hữu ngoại hình đẹp vừa năng động, học hành giỏi giang và tham gia vô số hoạt động. Nay thì chỉ cần sở hữu lượng người theo dõi trên “phây” lớn là được, đây ngày càng trở thành “tiêu chuẩn” của nhiều người trẻ. Không có gì ngạc nhiên khi đâu đâu ta cũng có thể bắt gặp những bạn dán mắt vào điện thoại di động ở quán ăn, quán cà phê, nơi công cộng, buổi họp mặt bạn bè, sinh nhật, đám cưới... Tất cả mọi cảm xúc, hoạt động, diễn biến tâm trạng, vui buồn, tức giận, phẫn nộ... đều phụ thuộc vào những gì diễn ra trên trang cá nhân.
Không ít những người để thỏa mãn cái tôi đã liên tục tự đánh bóng bản thân với những điều phù phiếm, với những bức ảnh được chỉnh sửa kỹ lưỡng. Một số gây sốc bằng những sự kiện bịa đặt nhằm câu view hoặc vội vã chia sẻ những thông tin chưa kiểm chứng. Có những bạn lợi dụng mạng Facebook để “chém gió” ngày đêm về người khác, về gia đình, về trường lớp, về thầy cô, bạn bè... với những lời nói chẳng mấy hay ho, thậm chí là xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Chưa hết, hàng triệu con vi khuẩn trên những dụng cụ điện tử có thể qua bàn tay để đi vào gây bệnh cho cơ thể.
Với vô số thời giờ dành cho cuộc sống ảo, các bạn mất đi nhận thức về thực tại, không biết định hướng cho tương lai của mình. Tiếp xúc với những thông tin, hình ảnh không lành mạnh qua những đoạn clip “nóng” trên Facebook, Youtube gây ám ảnh, kích động bản năng. Cầu nối cho bọn tội phạm công nghệ cao (lừa tiền qua mạng, đánh nhau bên ngoài do va chạm trên thế giới ảo, sử dụng chất gây nghiện, xâm hại tình dục vị thành niên, hãm hại danh dự, buôn người, đoạt mạng sống...)
Mạng xã hội không có lỗi, nó đã trở thành phương tiện để mọi người kết nối nhau, chia sẻ những thông tin bổ ích nhưng nó cũng gây nghiện, khiến những facebooker không giết người mà là... giết thời gian, cháu ạ.
THẠC SĨ- BÁC SĨ LAN HẢI
Bình luận