Chỉ mất 3 năm đại hạn hán cũng đủ để phá hủy đế quốc Hittite hùng mạnh cách đây hơn 3.000 năm, mang đến bài học đắt giá trong bối cảnh thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Đế quốc Hittite nằm trong số ít những nền văn minh có sức ảnh hưởng lớn lao thời cổ đại ở phía Đông Địa Trung Hải và vùng Cận Đông. Thế nhưng, chỉ sau năm 1200 trước Công nguyên, mọi thứ bất ngờ biến mất. Đến gần đây, chẳng ai có thể biết chắc chắn chuyện gì đã xảy ra cho đế quốc Hittite, cho tới khi các nhà khoa học Mỹ công bố báo cáo gây rúng động.
Tàn tích của người Hittite |
Ngang ngửa Ai Cập cổ đại
Trong gần 500 năm, Đế quốc Hittite cai trị Anatolia (giờ là Thổ Nhĩ Kỳ) và lan tỏa sự ảnh hưởng đến Syria, Li Băng. Những vị vua của đế quốc Hittite sống trong các tòa lâu đài khổng lồ làm bằng đá, tọa lạc ở kinh đô sầm uất. Vương quốc triển khai hoạt động nông nghiệp ở quy mô lớn, với các hệ thống tưới tiêu phức tạp và những mạng lưới giao thương trải rộng, cho phép chất đầy kho bạc. Có giai đoạn thậm chí vương quốc Ai Cập cổ đại cũng phải kiêng dè sức mạnh của người Hittite.
Thế nhưng, mọi thứ đột ngột chấm dứt vào khoảng năm 1200 TCN. Thông qua các dự án khảo cổ, giới khoa học ghi nhận sự tháo chạy của người Hittite khỏi Hattusa, kinh đô và trung tâm tôn giáo của đế quốc này, khoảng năm 1200 TCN. Khi ấy, những thành viên cuối cùng của hoàng gia đã qua đời, và chẳng còn tài liệu lịch sử nào ghi nhận về giai đoạn sau đó. Hattusa bị bỏ hoang và một trận hỏa hoạn đã ngốn sạch mọi thứ còn sót lại.
Kinh đô Hattusa |
Sự biến mất đầy bí ẩn của Đế quốc Hittite cùng một số nền văn minh cổ đại khi ấy đã khép lại thời đại đồ đồng. Hãng tin AFP dẫn lời tác giả báo cáo Sturt Manning của Đại học Cornell (Mỹ) cho biết, mọi thứ sụp đổ khá nhanh chóng, như thể toàn bộ khu vực hứng chịu một sức mạnh huyền bí nào đó. Một số giả thuyết được đưa ra nhằm giải thích vận mệnh bi đát của cái gọi là “sự sụp đổ vào cuối thời đồ đồng”. Trong số này có thể kể đến những vụ tấn công của thế lực mang tên “dân tộc biển”, hoặc dịch bệnh, nạn đói, cũng như sự thay đổi khí hậu sang giai đoạn khô hạn và lạnh hơn trong vòng 300 năm.
Thế nhưng, nguyên nhân “kích hoạt” sự diệt vong của các đế quốc hùng mạnh khi ấy vẫn là điều bí ẩn. Giờ đây, đối với trường hợp của người Hittite, ít nhất câu trả lời đã được tìm thấy dựa vào kết quả phân tích các vòng cây của gỗ bách xù cổ đại.
Mối đe dọa cho sự tồn tại
Gỗ bách xù trong cuộc nghiên cứu lấy từ một trong những cấu trúc xây dựng bằng gỗ lâu đời nhất thế giới, được tìm thấy ở Gordion, kinh đô của vương quốc Phrygia cổ đại (hiện thuộc Thổ Nhĩ Kỳ). Mẫu vật được thu thập trong quá trình khai quật lăng tẩm của một vị vua hồi thập niên 1950. Thông qua việc phân tích vòng cây của gỗ bách xù, các nhà nghiên cứu có thể tái tạo điều kiện khí hậu hơn 3.000 năm trước.
Trưởng nhóm Manning cho biết : “Mối đe dọa chính cho sự phát triển của đa số thảm thực vật ở khu vực miền Trung Anatolia chính là thiếu nước”. Vòng cây hẹp phản ánh những năm khô hạn hơn, khi mà cây cối phát triển còi cọc vì nước khan hiếm. Những vòng cây của gỗ bách xù ghi nhận 3 năm liên tiếp xảy ra tình trạng tăng trưởng đặc biệt kém, từ năm 1198 đến năm 1196 TCN. Đây là chứng cứ phản ánh sự tồn tại của một trận đại hạn kéo dài, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature.
Các nhà nghiên cứu phân tích rằng nạn hạn hán gây nên tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, đặc biệt ở những khu vực nằm sâu trong lục địa của vương triều Hittite. Nạn thiếu lương thực có thể dẫn đến những bất ổn chính trị, kinh tế và xã hội, và đến cuối cùng đánh dấu chấm hết cho sự tồn tại của đế quốc Hittite. Thông qua đó, tác giả Manning cảnh báo tình trạng ấm lên toàn cầu như hiện tại đồng nghĩa với thế giới hiện đại có thể đối mặt “mối đe dọa cho sự tồn tại” kéo dài nhiều năm, tương tự như nạn hạn hán xảy ra cho người Hittite.
Bà Muge Durusu-Tanriover, nhà khảo cổ học đang công tác tại Đại học Temple ở Philadelphia (Mỹ) vốn không can dự vào cuộc nghiên cứu, gọi đây là phát hiện mang tính đột phá. “Hiện chúng ta đã biết được một sự kiện thời tiết có lẽ đã lật đổ đế quốc Hittite và đẩy người xưa đến bờ vực không thể quay lại. Vậy thì nhiều câu hỏi được đặt ra về biến đổi khí hậu đang diễn ra, cũng như mức độ ảnh hưởng của nguy cơ này cho các quốc gia, xã hội. Quan trọng hơn hết, chúng ta cần phải học hỏi được gì từ bài học của quá khứ vào thời điểm con người đang trải qua cuộc khủng hoảng khí hậu [dự kiến khắc nghiệt không kém]”, bà đưa ra lời nhận xét được đăng tải trên chuyên san Nature.
Hồng Hoang
Bình luận