Nguồn nhân lực phục vụ nhà thờ chính là nhân tố quan trọng để một giáo xứ phát triển. Nhưng hiện nay, không ít xứ đang gặp khó khăn vì thiếu người. Sau đây là một số đề xuất của giáo dân và những cách xoay xở đã được áp dụng tại các giáo xứ nhằm giải quyết vấn đề này.
MỜI CÁC TU SĨ THAM GIA VIỆC CHUNG
Chị Kiều Thị Ngọc Diễm (Gx Tân Mai - GP Xuân Lộc): Tại nhiều nơi, nếu trong phạm vi giáo xứ có sự hiện diện của dòng tu, thì cha thường mời các tu sĩ tham gia vào công việc chung của họ đạo, thông thường là dạy giáo lý cho thiếu nhi. Rõ ràng là với nền tảng thần học, kiến thức chuyên sâu về Kinh Thánh, tín lý..., các tu sĩ có thể giúp thiếu nhi hiểu về chân lý Kitô giáo một cách đúng đắn và dễ dàng hơn. Ngoài ra, tu sĩ cũng có thể đào tạo nhân sự tại chỗ cho họ đạo hầu giải quyết tình trạng có người nhưng chưa có năng lực thực hiện tốt các hoạt động chung. Song, tôi cho rằng bài toán về nguồn nhân lực xứ đạo cần theo hướng “tinh anh” chứ không nên chỉ số đông. Đồng thời, sự sắp xếp đúng người vào đúng vị trí cũng sẽ góp phần làm cho mọi việc được trôi chảy.
MỞ RỘNG VÒNG TAY LIÊN KẾT
Bà Nguyễn Thị Xuân Dung (Gx Phanxicô Đakao - TGP.TPHCM): Để đào tạo thì nên gởi người đi học các lớp ở Trung tâm Mục vụ. Ngoài ra, học hỏi và liên kết với xứ bạn cũng là một cách hiệu quả. Mỗi xứ có một thế mạnh riêng, nếu bổ túc cho nhau thì quá tốt. Trong những thánh lễ, hoặc hoạt động dù lớn, dù nhỏ, xứ này có thể đến xứ kia để tham dự, từ đó góp nhặt được nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức hoặc nếu được, đừng ngại mời thành viên từ giáo xứ khác đến chia sẻ để cùng học hỏi. Nếu các giáo xứ có thể mở rộng vòng tay, nối kết với nhau thì không chỉ tình trạng thiếu nhân lực sẽ được giải quyết, mà còn tạo nên động lực để các giáo xứ cùng phát triển.
SAN SẺ VỚI XỨ NGHÈO
Chị Bùi Thị Mỹ Thái (Gx Thới Long Xuân - Gp Cần Thơ): Giáo xứ tôi thuộc hàng “trẻ” nhất trong hạt Cần Thơ, nên cảm nhận vấn đề nhân sự rất quan trọng. Trước đây, mọi việc từ đọc sách, giúp lễ, đàn hát, dạy giáo lý đều cần các anh chị thiện nguyện từ các xứ lớn ở Cần Thơ phụ trách, do thiếu người hoạt động. Chuyện đào tạo nhân sự tại chỗ là mối ưu tư hàng đầu của các cha và cả họ đạo. Hằng tuần, cha xứ mời giáo viên từ Cần Thơ đi gần 15km đến dạy đàn và tập hát cho các em thiếu nhi. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các thành viên giáo xứ khác mà nhiều giáo dân ở đây được học giáo lý, được rửa tội. Không dừng lại ở đó, cha còn dành thời gian để bồi dưỡng thêm kiến thức giáo lý, kỹ năng cho các giáo lý viên và nhiều chương trình sinh hoạt bổ ích.
NGUỒN LỰC TRẺ CHO TRUYỀN THÔNG XỨ ĐẠO
Anh Trần Vũ Thanh Danh (Gx Thánh Tâm - GP Xuân Lộc): Mỗi giáo xứ cần có một kênh thông tin hoặc ít nhất là bản thông tin ở nhà thờ để có thể cập nhật chương trình cũng như hoạt động của họ đạo. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có người có chuyên môn để đảm trách việc truyền thông. Đối với những xứ thiếu người, vào dịp lễ lớn thì có thể “chữa cháy” cấp bách bằng việc mời người từ giáo phận hoặc xứ bạn về giúp. Nhưng lâu dài thì cần phải có một đội ngũ thường trực. Giáo xứ nên đào tạo và bồi đắp thêm cho giới trẻ, vì đây là nhân tố rất năng động và nhạy bén với công nghệ nên sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ này.
THAY ĐỔI ĐỂ DUNG HÒA
Anh Nguyễn Mạnh Khương (Gx Mai Khôi - TGP.TPHCM): Để giải quyết vấn đề thiếu người làm việc chung cho giáo xứ, theo tôi cần phải làm một số việc để xây dựng nguồn nhân lực thật tốt như: nhiệm kỳ ban điều hành của các hội đoàn nên được kéo dài 2 đến 3 năm, để các vị trí rút được kinh nghiệm trong cách xây dựng chương trình. Sau đó, nên có những buổi ngồi lại để lắng nghe những góp ý, chia sẻ thực tế về tình trạng thiếu người nhằm đánh động tinh thần dấn thân, cộng tác liên đới nơi giới trẻ. Ngoài các mô hình thường thấy ở giáo xứ như lớp học tiếng Anh, lớp nhạc..., thì cũng nên mở một số lớp cơ bản sâu sát với nhu cầu chung như sửa điện, nước, và nhất là các lớp giáo lý dành riêng cho người trẻ. Để các lớp học kỹ năng có tính chuyên môn, nên nhờ trực tiếp những người có tay nghề đứng lớp. Việc giảng dạy theo hướng chia sẻ kinh nghiệm, hơn là dạy các bài học theo sách vở, sẽ dễ hấp dẫn người học. Nên xây dựng một số hoạt động để các bạn trẻ tự gây quỹ như làm đồ lưu niệm, bán nước trong một số chương trình văn nghệ..., để mỗi bạn thấy có trách nhiệm trong công việc chung. Đây là một số cách tôi đang áp dụng ở xứ mình. Tuy là không thực sự vẹn tròn, nhưng cũng có những chuyển biến tích cực trong việc duy trì và phát triển. Bởi một khi xã hội đang có quá nhiều điều thu hút giới trẻ hơn nhà thờ, thì những người trong ban điều hành cũng cần phải thay đổi để dung hòa được tất cả.
ĐÀO TẠO CẤP TỐC
Anh Nguyễn Chí Thắng (Gx Bình Châu - GP Long Xuyên): Giáo xứ mình ở vùng quê, nên khi học xong chương trình phổ thông thì một số bạn phải đi xa nhà, học tiếp lên cao cũng có, làm ăn cũng có. Vì thế hằng năm, giáo xứ động viên các em thiếu nhi tham gia vào nhiều hoạt động như ca đoàn, chọn những em có năng lực để tập hát bè, hát solo. Xứ mình cũng thiếu nhiều giáo lý viên (GLV). Mỗi năm có khoảng 13-15 lớp được mở ra và có khoảng từ 10-15 GLV phụ trách. Vào mỗi dịp hè, giáo hạt tổ chức khóa GLV cấp tốc, giáo xứ đều cử người đi học, để bù vào số còn thiếu. Bên cạnh đó, giáo xứ còn vận động những GLV kỳ cựu tham gia vào công tác bồi dưỡng giáo lý thiếu nhi. Huynh trưởng giáo xứ được giao cho dạy giáo lý khai tâm, để các bạn tập quen dần với công tác giảng dạy, thu được nhiều kinh nghiệm, trưởng thành hơn và trở thành đội ngũ kế thừa.
Bình luận