Khi con trai út lên cấp 2, bà ngoại cháu là người cuối cùng được tôi “xóa mù” công nghệ thông tin trong gia đình. Cả nhà tôi ai cũng có một cái “a lô” cầm tay để tiện liên lạc với nhau và định kỳ “nâng cấp” khi lỗi thời. Cả nhà có thể nhắn tin gọi điện cho nhau í ới cả ngày, việc “điều binh khiển tướng” của tôi trong nhà cũng sâu sát hơn, bà xã thì bỏ hẳn mớ sổ sách ghi chép tiền hàng tiền chợ mà chuyển tất cả vào cái Smartphone, con cái ráng học tốt để nhận phần thưởng là chiếc điện thoại đời mới nhiều tính năng thú vị hơn… Hôm cả nhà đi đám cưới, tôi vừa nóng mặt vừa bẽ bàng thấy vợ cả buổi mải chụp hình tự sướng rồi đăng lên “phây” khúc khích cười, con gái thì cắm mặt vào màn hình quẹt quẹt không trả lời họ hàng hỏi thăm, con trai cũng chỉ chăm chắm vào chơi game trên điện thoại. Ðã vậy, lúc ở nhà, có khi cả hai chị em mải mê với cái điện thoại, không buồn ăn cơm. Vợ tôi có hôm lại lén đột nhập vào “di động” của tôi kiểm tra... Tôi phát điên vì cả nhà lên cơn “ngáo điện thoại”!
(Một người đàn ông giấu tên)
Chia buồn về cuộc “iPhone đại chiến” ở nhà bạn!
Ðiện thoại di động, máy tính bảng, máy tính và các công nghệ khác làm cho cuộc sống dễ dàng hơn, “đẳng cấp” hơn nhưng với cách dùng không hợp lý, nhiều người đang trở thành nô lệ của điện thoại cầm tay. Họ tự biến mình thành “sát thủ” bằng việc giết hàng loạt, giết công khai bao nhiêu thời giờ - thứ duy nhất Thượng đế công bằng chia đều cho mọi người trên khắp thế gian và bị nghiện mà không vi phạm đạo đức.
Cơn nghiện của thế kỷ 21 đang lan rộng thành “dịch” ở hầu hết các nước phát triển có tên quốc tế là “Nomophobia”, viết tắt của “no mobile phone phobia”. Trong đó, “nomo” nghĩa là “no mobile phone” (không điện thoại), còn “phobia” là thuật ngữ tâm lý học miêu tả nỗi sợ. Từ năm 2010, Bưu điện Anh đã làm một nghiên cứu mô tả nỗi sợ hãi ngày càng gia tăng trên thế giới khi không có thiết bị di động bên người. Kết quả cho thấy gần 53% người sử dụng điện thoại di động ở Anh có xu hướng “lo lắng khi điện thoại di động bị mất, hết pin, hết tiền hoặc nằm ngoài vùng phủ sóng”. Khoảng 58% đàn ông và 47% phụ nữ cảm thấy sợ hãi khi điện thoại di động bị sập nguồn.Người dùng coi đó là vật bất ly thân đến nỗi thường xuyên mang vào… nhà vệ sinh để cập nhật mạng xã hội thay vì giao tiếp thực tế với mọi người.Họ sợ điếng hồn khi nhìn thấy pin chỉ còn 1 vạch mà quên đem cục sạc bên mình, vội quay về dù bị trễ giờ khi chợt nhớ ra bỏ quên điện thoại ở nhà.
Có lẽ việc giữ liên lạc với bạn bè hoặc gia đình là nguyên nhân chính khiến họ cảm thấy vô cùng lo lắng khi không thể sử dụng điện thoại di động. Lý do nữa vì nó là “bộ nhớ” của họ để làm việc, là nhật ký mọi bí mật cá nhân có thể lọt ra ngoài ảnh hưởng đến công việc và tình cảm.
Tại Mỹ, thống kê cho thấy chứng nghiện smartphone ở đây càng trở nên trầm kha: 66% người lớn thật sự nghiện, cứ 3 người thì có 2 người ngủ cùng điện thoại, cứ 5 người có 1 người thà đi chân đất ra đường suốt một tuần chứ nhất định không rời điện thoại, 34% trả lời cuộc gọi của họ trong khi đang gặp gỡ đối tác, hơn 50% số người được phỏng vấn không bao giờ tắt điện thoại.
Anh nên đưa cả nhà vào đợt “trị liệu thanh lọc điện tử” (digital detox), cách ly người dùng với điện thoại và quen dần với việc không có “vật cưng” bên cạnh, bằng cách:
- Nói với con trai: điện thoại này trước giờ là của bố, bố tặng con vì thành tích học tập, nay kết quả của con tụt dốc, bố tạm thời thu lại cho đến khi nào thấy con xứng đáng.
- Quanh mâm cơm và khi cầu nguyện phải tắt điện thoại, người dùng đứng trước 2 lựa chọn: hoặc trò chuyện với người thân hoặc đối mặt với cô đơn.
- Bớt thời giờ nhìn màn hình, tăng tiếp xúc với người khác.
- Mỗi tháng dành vài ngày xả hơi, giải phóng khỏi công nghệ để mình được tự do.
- Khi ngủ đặt “em ấy” cách xa người 5 mét để bảo vệ não và tăng hiệu quả của chức năng báo thức.
Hãy tự răn mình: “Công nghệ chỉ là phụ tá, không phải một vị thánh để tôn sùng” như anh chàng Tim Elmore đã đề ra nguyên tắc không thể để thứ gì kiểm soát bản thân, nha bạn.
THS – BS LAN HẢI
Bình luận