Những phần của các băng tầng có thể nâng mực biển lên hàng mét trên toàn thế giới nhiều khả năng sẽ bị tan chảy nếu khí hậu tăng thêm 0,5 độ C, và con người mới nhận ra chúng trong tình trạng mong manh đến mức nào.
Nguy cơ trên, dự kiến diễn ra trong vài thế kỷ, có thể mang đến thảm họa lớn hơn nhiều so với những tính toán trước đó cho bộ phận đáng kể của dân số thế giới đang sinh sống ở các vùng duyên hải. Theo báo cáo mới, số người bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng lên sẽ tăng thêm hàng chục triệu người, trong đó có Việt Nam. Những sai lệch này đến từ việc diễn giải thiếu chính xác dữ liệu vệ tinh và thiếu các nguồn lực khoa học ở những nước đang phát triển.
Con người đã tính toán sai lầm
Kể từ năm 2000, các băng tầng ở Greenland và Nam Cực mỗi năm bị hao hụt hơn nửa ngàn tỷ tấn, tương đương mỗi giây lại có 6 hồ bơi Olympic đóng băng bị tan chảy. Những băng tầng dày nhiều km đã thay thế sông băng để trở thành nguồn lớn nhất khiến mực nước biển dâng cao. Trong vài thập niên gần nhất, tốc độ nước biển dâng đã tăng tốc gấp 3 lần nếu so với đa số thời gian trong thế kỷ 20.
Việc nước biển tăng thêm 20cm kể từ năm 1900 đã tăng mạnh uy lực và phạm vi hoạt động của những trận bão hình thành trên các đại dương. Tình trạng xâm nhập mặn cũng diễn ra sâu hơn ở các vùng đồng bằng nông nghiệp vốn trù phú, đông đúc ở châu Á và châu Phi. Cho đến nay, các mô hình khí hậu đã đánh giá thấp mức độ tan chảy của các băng tầng trong việc góp phần làm gia tăng mực nước biển trong tương lai. Lý do là đa số thời gian họ chỉ nhìn vào tác động một chiều đến từ sự gia tăng nhiệt độ trong không khí đối với băng tầng, nhưng lại bỏ quên cơ chế tương tác phức tạp giữa khí quyển, đại dương, băng tầng và tảng băng.
Khi chuyển sang sử dụng các mô hình gọi là băng tầng tích cực, đội ngũ chuyên gia Hàn Quốc và Mỹ dự báo mức độ tan chảy của những dải băng khiến mực nước biển trên toàn cầu gia tăng vào năm 2150 theo 3 kịch bản phát thải: cắt giảm sâu và nhanh chóng theo lời kêu gọi của Ủy ban LHQ về Biến đổi Khí hậu (IPCC); tiếp tục các chính sách khí hậu hiện tại; tình trạng tăng đều phát thải carbon.
Theo các chuyên gia, nếu chỉ dừng ở ngưỡng 2100 thì sẽ dẫn đến sai sót, vì các đại dương sẽ tiếp tục dâng lên hàng trăm năm nữa dù nhân loại có tăng tốc cắt giảm khí phát thải nhanh đến mức nào. Nếu nhiệt độ tăng thêm có thể giới hạn ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, sức ép đối với các băng tầng sẽ duy trì được ở mức thật thấp. Hiện nhiệt độ toàn cầu đã tăng 1,2 độ C.
Biến đổi khí hậu có thể gây những hệ quả nặng nề hơn so với ước tính lâu nay |
Sông băng “ngày tận thế”
Theo chính sách hiện tại, bao gồm những cam kết của các nước theo Thỏa thuận Paris năm 2015, Greenland và Nam Cực sẽ góp khoảng nửa mét tăng thêm cho mực nước toàn cầu. Và nếu lượng phát thải tiếp tục gia tăng, từ yếu tố con người hoặc tự nhiên, theo kịch bản xấu nhất, số băng tính toán sẽ tan chảy đủ sức nâng mực nước biển thêm 1,4m.
Tuy nhiên, có lẽ phát hiện gây sốc nhất từ báo cáo đăng trên chuyên san Nature Communications chính là lằn ranh đỏ đối với sự tan rã của những tảng băng tách khỏi thềm băng và băng tần. “Mô hình của chúng tôi tập trung vào ngưỡng nhiệt độ tăng lên 1,5 độ C và 2 độ C, với 1,8 độ C là ước tính chính xác nhất cho việc tăng tốc tình trạng tan băng và từ đó nước biển dâng cao”, AFP dẫn lời đồng tác giả Fabian Schloesser của Đại học Hawaii (Mỹ).
Từ lâu các nhà khoa học biết rằng các băng tầng Tây Nam Cực và Greenland khi cùng tan chảy có thể nâng mực nước biển lên hơn 4m. Tuy nhiên, họ vẫn chưa nắm được cái gọi là “mức tới hạn”, theo đó nếu vượt qua ngưỡng tăng nhiệt độ này thì sự tan băng hoàn toàn sẽ không thể đảo ngược. Trong một báo cáo khác, đăng trên chuyên san Nature, sông băng Thwaites “ngày tận thế” đang bị đứt gẫy theo những cách thức chưa từng phát hiện trước đó. Thwaites là một trong những sông băng di chuyển nhanh nhất khỏi lục địa Nam Cực, và đã hạo hụt 14km kể từ thập niên 1990. Đa số sông băng này chìm trong nước biển và dễ tan theo hướng không thể vãn hồi.
Kết quả phân tích trong báo cáo mới cho thấy mức độ nước biển dâng, dù 3cm hay 300cm, sẽ gây tàn phá khu vực rộng gấp đôi ước tính lâu nay. Những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là hàng chục triệu người ở vùng duyên hải Bangladesh, Pakistan, Ai Cập, Thái Lan, Nigeria và Việt Nam.
ĐỊNH NGUYỄN
Bình luận