Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ!

1.

Kinh nghiệm bản thân: Năm 1987 được gọi đi ban Bí tích cho một người bệnh phong sắp chết. Cách Pkeiku 10km. Bệnh nhân nằm dưới đất trong căn chòi rách nát, mỉm cười khi linh mục đến. Hai người không hề quen biết nhau. Sau đó ông đã thanh thản ra đi… Khi nhìn những căn chòi của những gia đình phong khác ở nơi đây, mình đã quyết tâm sẽ trở lại chỗ này. Sau đó thì các sơ, các giáo dân đạo đức đã xúm nhau đến. Hiện nay làng này đã hoàn toàn đổi mới: Bệnh phong cùi được chữa lành nhưng người bệnh phải chịu khuyết tật, con cái được học hành, nhà cửa đẹp, có nước sạch, có trạm xá nhỏ và có một linh mục dòng Phanxicô chăm sóc phần hồn phần xác. Đó là làng Ngõ bây giờ. Từ đó mình quyết tâm tìm cách lo cho người phong cùi. Mình mua 3 xe cứu thương cũng vì muốn người bệnh được đi xe riêng, muốn người nghèo được cứu sống. 

QH.jpg (378 KB)
Trại phong Qui Hòa

2.

 Bác sĩ Ngoạn, giám đốc trại phong Qui Hòa ở Qui Nhơn, là một người ngoại đạo. Thấy vị bác sĩ này thương yêu và chăm lo cho người nghèo dân tộc bị bệnh phong, mình cảm động. Ông gặp mình và nói mình thuyết phục người bệnh đi Qui Hòa để được chữa lành. Linh mục hoặc sơ nói là họ tin hơn. Khi đi lâu ngày, họ gởi gia đình cho các sơ! Ông còn mời các sơ chỗ mình đi học về bệnh phong để có khả năng chuyên môn mà phục vụ. Rồi còn mời mình đi Qui Hòa thăm những đồng dân tộc đang được điều trị tại đấy, nhờ đó mà mình quen biết thi sĩ Hàn Lệ Thu mà mình rất mến phục. Bây giờ hai người đã về cõi Trời. Hàn Lệ Thu nói: “Con chỉ được vui vẻ bình an trong bệnh tật khi được trở thành con Chúa”. Bác sĩ Ngoạn cũng xin được lãnh Bí tích Thanh Tẩy ở cuối đời, lấy thánh hiệu là Phanxicô Assisi. Một nữ tu đã kín đáo ban phép Thanh Tẩy cho ông. Bác sĩ Ngoạn là động lực để mình dồn sức cho anh em bệnh nhân phong. Những năm 1987-2020, đã có tới gần 3.000 lượt bệnh nhân người dân tộc đến điều trị tại Khu Điều trị Phong Qui Hòa. Người ta kể bác sĩ Ngoạn được đề nghị lãnh huân chương lao động, nhưng ông khiêm tốn  nói nên dành cho các sơ thì đúng hơn, và một bà sơ nằm trên giường bệnh đã lãnh huân chương này. Mình vô cùng cảm phục vị bác sĩ có lương tâm ngay chính.

Khi bác Ngoạn phải đi khỏi Qui Hòa thì mọi người đều tiếc! Sau bác Ngoạn thì mình cũng gặp một bác sĩ khác, coi như là “hậu duệ” của bác Ngoạn! Chỗ nào có làng phong thì có mặt vị bác sĩ trẻ này. Đi tìm từng chuyến xe chở (xe đò đâu chịu chở!), đi xin từng chiếc xe lăn, xin tiền trợ cấp, ân cần tiếp đón và tận tình chăm sóc. Vị bác sĩ này cũng là người lương. Ông nói với mình: “Mấy anh em bệnh nhân có đạo đến đây, sáng lễ chiều kinh ở tại nhà thờ khu điều trị, họ rất vui vẻ và lương thiện”. Nghe vậy mình cũng mừng. Các vị bác sĩ ngoại đạo này đã thấy quan tài nên đã đổ lệ.

Ông thầy tư tế trong Tin Mừng thấy quan tài mà không đổ lệ, ông Samari ngoại đạo đã đổ lệ!

BS NGoan.jpg (37 KB)
Cố bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, nguyên Giám đốc trại phong Qui Hòa

3.

Ba cô đội gạo lên… nhà thờ cha Đông.

Hôm đó mình có cuộc gọi: Cha có phải cha Đông Gia Lai lo cho người phong cùi không? Thưa phải. Cha ơi, chúng con ba chị em “phát tâm” được 40 triệu. Cha mua giúp quà cho người phong 30 triệu, còn 10 triệu chúng con đi máy bay. Chiều thứ Sáu, cha đón chúng con ở sân bay Pleiku. Chiều Chúa nhật chúng con bay về Sài Gòn để thứ Hai tụi con làm việc. Chúng con làm mát xa trong một khách sạn. Mình cho xe đi đón như đã hẹn. Sau đó thì có ba nàng công chúa xuất hiện như ba người mẫu trong phòng mình. Chui cha! Tóc vàng có, tóc râu bắp có… Mỗi cô mặc một cái quần vô cùng thiếu vải! Tươi cười rất dễ mến! Thiệt đó. Mình đứng dậy chấp tay cúi đầu năn nỉ: Cha lạy tụi con ba đứa, đây là nhà thờ chớ không phải khách sạn! Tụi con làm ơn mặc cái gì nó dài dài chút nhé. Cười cả làng và xong ngay!

Chuyện cảm động là như thế này. Thứ Bảy xe mình chở đi hai điểm. Hôm đó mình dẫn đường. Bệnh nhân phong đi nhận quà hay dẫn con theo. Ba công chúa mát xa này lại vô cùng thương xót người phong và rất thân thiện với trẻ em… Có gì cho hết luôn!

Ngày Chúa nhật về thì bèn mượn mình 2 triệu! Ai lấy hết tiền của tụi con sao? Cha ơi, thấy tội nghiệp quá, thấy thương quá, tụi con cho họ hết tiền luôn. Tụi con mượn cha tiền để từ sân bay về nhà. Sau đó hình như trả cho mình 3 triệu. Mấy cô mát xa xinh đẹp này thấy quan tài là đổ lệ ngay.

4.  

Kể thêm một chuyện. 

Năm đó, một sơ dẫn đến nhà mình hai vợ chồng người Pháp khá trẻ và một đứa con trai 11 tuổi. Họ mới đi thăm một làng phong sát biên giới về. Mình bảo sao đang năm học lại đi du lịch vậy? Được biết vợ chồng cũng đang làm việc, nhưng mà gia đình được một bạn đi thăm làng phong này về cho coi video về những người phong. Đứa con không chịu tin là có những người như thế. Nó muốn xem tận mắt. Nhà trường đồng ý cho nghỉ để cha mẹ đưa cháu đi, với điều kiện là khi về cháu phải tường thuật chuyến đi và nói cho cho các bạn cảm tưởng của mình như thế nào. Hôm đó cha mẹ cháu nói: “Con chúng tôi vô cùng sửng sốt khi gặp những người phong vui vẻ, mặc dù họ rất tội nghiệp. Cháu đã quyết định sau này sẽ làm bác sĩ để chữa bệnh cho người nghèo. Vợ chồng chúng tôi tin rằng cháu sẽ cố gắng học để trở thành bác sĩ”. Một chuyến đi mà vợ chồng người Pháp này xem là vô cùng ích lợi cho tương lai của con trai mình. Như vậy, cháu đổ lệ vì thấy quan tài.

Mình ao ước cho chúng ta thấy được một bữa ăn của người nghèo, thì chúng ta sẽ bớt phung phí khi ăn uống

Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

 

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Giúp nhau đừng sợ
Giúp nhau đừng sợ
Một trong những lời khuyên bảo của Chúa Kitô dành cho các môn đệ là “anh em đừng sợ!”. Hẳn không là vô cớ khi Chúa Kitô thường lặp đi lặp lại sứ điệp: “Đừng sợ!”.
Cầu nguyện của Mẹ  và với Mẹ Mân Côi
Cầu nguyện của Mẹ và với Mẹ Mân Côi
Hằng năm, Giáo hội Việt Nam kính trọng thể Đức Maria dưới tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi. Lễ này bắt nguồn từ việc Đức Giáo Hoàng Piô V kêu gọi các tín hữu lần chuỗi Mân Côi để xin Đức Mẹ chuyển cầu cho thế giới được bình an.
Tránh xa óc cục bộ, bè phái
Tránh xa óc cục bộ, bè phái
Cần nghĩ về một khuynh hướng mà người Kitô hữu phải tránh, đó là óc cục bộ, bè phái hẹp hòi, vì nó làm đóng kín với ơn Chúa, làm nghèo chính mình và gây thiệt hại cho cộng đồng xã hội.
Giúp nhau đừng sợ
Giúp nhau đừng sợ
Một trong những lời khuyên bảo của Chúa Kitô dành cho các môn đệ là “anh em đừng sợ!”. Hẳn không là vô cớ khi Chúa Kitô thường lặp đi lặp lại sứ điệp: “Đừng sợ!”.
Cầu nguyện của Mẹ  và với Mẹ Mân Côi
Cầu nguyện của Mẹ và với Mẹ Mân Côi
Hằng năm, Giáo hội Việt Nam kính trọng thể Đức Maria dưới tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi. Lễ này bắt nguồn từ việc Đức Giáo Hoàng Piô V kêu gọi các tín hữu lần chuỗi Mân Côi để xin Đức Mẹ chuyển cầu cho thế giới được bình an.
Tránh xa óc cục bộ, bè phái
Tránh xa óc cục bộ, bè phái
Cần nghĩ về một khuynh hướng mà người Kitô hữu phải tránh, đó là óc cục bộ, bè phái hẹp hòi, vì nó làm đóng kín với ơn Chúa, làm nghèo chính mình và gây thiệt hại cho cộng đồng xã hội.
Vài kinh nghiệm truyền giáo
Vài kinh nghiệm truyền giáo
Tôi coi việc vào đạo chỉ là bước đầu, còn việc Phúc Âm hóa, thay đổi con người nên tạo vật mới, đó mới là mục đích chính yếu của việc truyền giáo.
Truyền giáo trong quyền nằng của Thánh Thần
Truyền giáo trong quyền nằng của Thánh Thần
Công đồng Vatican II, qua Hiến chế “Đến với môn dân” đã khẳng định: “Bản chất Giáo hội là truyền giáo” (AG,2). Giáo hội được thành lập để truyền giáo.
Ðời sống hài hòa
Ðời sống hài hòa
Người ta dễ có khuynh hướng giữ luật theo hình thức bên ngoài và quên mất tinh thần của luật lệ. Việc làm thế nào có được một đời sống hài hòa giữa hình thức và nội dung của lề luật là điều đáng nghĩ suy.
Cuộc chuyển hóa vật chất thành tinh thần
Cuộc chuyển hóa vật chất thành tinh thần
Đức Giêsu là tấm bánh làm cho ta sống mãi, trẻ đẹp và hạnh phúc vô cùng. Muốn đạt được điều đó, tấm bánh vật chất cần phải chuyển hóa thành thịt máu của con người thì mới làm cho sống.
Người mẹ Thánh
Người mẹ Thánh
Nhìn những bức họa vẽ Đức Mẹ Maria lên trời và các thánh, ta đều gặp thấy những khuôn mặt tươi trẻ, đẹp đẽ, trong vầng hào quang rực rỡ để diễn tả hạnh phúc thiên đàng.
Củng cố đời sống bằng các nhân đức
Củng cố đời sống bằng các nhân đức
Khi Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa đến trần gian để thực hiện công cuộc cứu rỗi nhân loại và quy hướng nhân loại về cùng Thiên Chúa, thì nhân loại đang tiếp tục sống với những sắc thái và những phương thế khác nhau.