Khi Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa đến trần gian để thực hiện công cuộc cứu rỗi nhân loại và quy hướng nhân loại về cùng Thiên Chúa, thì nhân loại đang tiếp tục sống với những sắc thái và những phương thế khác nhau. Đối với dân tộc Israel, tuy vẫn tôn thờ Thiên Chúa, nhưng cũng có những phong tục tập quán và những quy định riêng tư. Lối sống chủ quan, bảo thủ, chuộng hình thức… không phù hợp với đường lối của Thiên Chúa, nên chính Chúa Giêsu đã công khai nhận xét, chỉ trích, phê phán nhiều lần trong nhiều dịp khác nhau. Chúa muốn dân Israel và các dân tộc cùng sống tốt hơn, Chúa muốn kiện toàn lề luật.
Ý nghĩa các nhân đức trụ
Các nhân đức nhân bản (Virtutes humanae), là “những thái độ vững chắc, những xu hướng kiên trì, những trọn hảo thường xuyên của lý trí và ý chí, nhằm điều khiển các hành vi, điều tiết các đam mê, và hướng dẫn nếp sống của con người cho phù hợp với lý trí và đức tin. Các nhân đức này đem lại cho con người sự thoải mái, sự tự chủ và niềm vui để sống một cuộc đời tốt lành về mặt luân lý. Người nhân đức là thực thi điều thiện cách tự nguyện” (GLHTCG 1804).
Giáo lý Hội Thánh Công giáo trình bày về bốn nhân đức chủ chốt được gọi là nhân đức trụ. Đó là nhân đức khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ.
Khôn ngoan là nhân đức giúp lý trí sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh phân định được điều thiện đích thực và lựa chọn những phương tiện thích hợp để đạt tới điều thiện đó.
Công bằng là nhân đức luân lý cốt tại một ý chí liên lỉ và vững chắc, quyết tâm trả lại những gì mình mắc nợ với Thiên Chúa và với người lân cận.
Can đảm là nhân đức luân lý giúp con người kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời. Nó củng cố sự quyết tâm chống lại các cám dỗ và vượt qua các chướng ngại trong đời sống luân lý.
Tiết độ là nhân đức luân lý giúp điều tiết sức lôi cuốn của những thú vui và giữ sự chừng mực trong việc sử dụng các của cải trần thế. Nó giúp ý chí làm chủ các bản năng và kiềm chế các ham muốn trong những giới hạn của sự lương thiện. (x. GLHTCG 1806-1809).
Các nhân đức và ân sủng của Thiên Chúa
Vẫn biết rằng con người tự mình có thể cố gắng để thực hiện các nhân đức, nhờ sự kiên tâm bền chí, nhờ tập luyện, tu luyện, nhưng các nhân đức của con người chỉ có thể được thanh luyện và nâng cao nhờ hồng ân của Thiên Chúa, tức là nhờ ân sủng (gratia / grâce / grace) đem lại sự thánh thiện, thanh cao, thoải mái và hạnh phúc cho người thực hiện.
“Con người bị tổn thương bởi tội lỗi, không thể mà giữ được sự quân bình luân lý. Ơn cứu độ của Đức Kitô đem lại cho chúng ta ân sủng cần thiết để kiên trì trong việc tìm kiếm các nhân đức. Mỗi người phải luôn cầu nguyện xin ơn soi sáng và ơn sức mạnh, luôn chạy đến với các bí tích, luôn cộng tác với Chúa Thánh Thần, nghe theo lời kêu gọi của Ngài để yêu mến điều tốt, và giữ mình khỏi điều xấu”. (GLHTCG 1811)
Sự tương quan giữa đạo và đức
Thông thường, khi nói đến đạo phải nói đến đức. Đạo tuy có tổ chức quy mô, bề thế, có khi rất lớn lao, nhưng đạo chỉ có giá trị khi chứa đựng các đức tính tốt. Cũng như con người, tuy có dáng vẻ bên ngoài bề thế mà tư cách không ra gì thì cũng chẳng có giá trị. Người ta thường nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” hoặc “xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”, ám chỉ cái quý xuất phát từ bên trong chứ không phải bề ngoài.
Đối với đạo của Chúa, việc tổ chức các cơ cấu và thực hiện cũng rất cần, nhưng không hẳn chỉ có thế. Các hình thức bên ngoài như chiêng trống, cờ quạt, đội hình, sắc phục, loa kèn, bích chương, biểu ngữ… cũng cần nhưng không phải là tất cả. Đạo chân thật đòi hỏi sự tốt lành thánh thiện phát xuất từ bên trong. Chúa Giêsu đã nói rõ giá trị của Đạo qua Tin Mừng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “ Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!”. (Mt 7,21-23)
Thực hành các nhân đức
Khi thực hành các nhân đức, người tín hữu trực tiếp thực thi lời Chúa dạy, như sống tinh thần nghèo khó, sống hiền lành, sống công chính, xót thương người, sống trong sạch, sống xây dựng hòa bình… (x. Mt 5,1-9). Hoặc Chúa đã dạy chớ trả thù, hãy yêu kẻ thù, bố thí cách kín đáo, cầu nguyện cách kín đáo, ăn chay cách kín đáo…
Người tín hữu luôn được mời gọi sống tốt để trở nên thánh thiện ngay khi còn ở trần gian. Nhưng để nên thánh, mỗi người cố gắng lập thêm công phúc. Các công phúc ấy có được là nhờ các nhân đức được xem như “tấm vé” để vào hưởng phúc trường sinh. Không thể nên thánh nếu chẳng có công phúc nào cả! Có những nhân đức lớn lao nhưng cũng có những nhân đức nhỏ bé. Nhưng chính Chúa sẽ là Đấng lượng giá cách thực hành và ban phát phần thưởng.
Nhờ thực hành các nhân đức, không ít người sẽ xa lánh hoặc vượt qua được các cơn cám dỗ. Khi sống khiêm nhường, người tín hữu tìm mọi cách tránh xa tính kiêu ngạo. Thực hành nhân đức quảng đại sẽ giúp mỗi người chế ngự thói hà tiện. Nhân đức tiết độ giúp người tín hữu giữ mình cho khỏi các thú vui dâm dục. Kềm hãm được bản tính nóng nảy, mọi người sẽ tránh được sự hờn giận; sẽ tránh được thói mê ăn uống, nhậu nhẹt nếu thực hành lối sống kiêng khem…
Hơn nữa, người tín hữu Chúa không thể sống lẻ loi một mình được mà cần sống hòa hợp với cộng đoàn dân Chúa trong Hội Thánh và sống tốt với mọi người khắp nơi. Mỗi người có thể tham gia xây dựng Hội Thánh một cách tích cực nếu có những nhân đức cần thiết như hiền lành, nhịn nhục, yêu thương, sẵn sàng tha thứ cho nhau và hợp tác với nhau cách chân thành. Nếu được như vậy, cộng đoàn mà các tín hữu tham gia sẽ trở nên phong phú, tăng trưởng và từ đó các cơ cấu sinh hoạt của Hội Thánh sẽ mạnh mẽ vươn lên.
Mt Từ Linh
Bình luận