Nhiều tài liệu của chính phủ Mỹ, cùng các ghi chép của giới nghiên cứu và sử gia cho thấy biến đổi khí hậu nhận được sự quan tâm từ rất sớm, nhưng cho đến nay vẫn chưa có hành động thật sự mang đến bước ngoặt.
Các nhà khoa học vào cuối thập niên 1800 đã phát hiện hiệu ứng nhà kính gây nên tình trạng ấm lên toàn cầu, và khí phát thải carbon dioxide (CO2) được tạo ra qua quá trình đốt than có thể làm gia tăng hiệu ứng này. Đến thập niên 1970, các nhà nghiên cứu tiến hành đo đạc khí phát thải và cảnh báo nhiệt độ Trái đất có thể ấm lên từ 0,5 đến 5 độ C vào giữa thế kỷ 21.
50 năm sau, đại đa số các nhà khoa học nhất trí rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu đã cao hơn 1 độ C so với thời điểm cuối thập niên 1800 và gia tăng với tỷ lệ 0,2 độ C trong mỗi thập niên kể từ thập niên 1970. Dù vậy, không ít người một mực cho rằng biến đổi khí hậu là tình huống mới xảy ra gần đây.
COP27 đã qua, nhưng các nước vẫn chưa đạt được tiến triển vượt bậc để có thể hạn chế được nguy cơ đến từ biến đổi khí hậu trên toàn cầu |
Ngược dòng lịch sử
Trong hơn 150 năm, các nhà khoa học đã tìm hiểu kiến thức về biến đổi khí hậu nhờ vào các công trình từ tiền nhân. Theo tờ USA Today, vào đầu thế kỷ 14, vua Edward xứ Anh cấm đốt than vì tránh khói đen mù mịt làm ô nhiễm không khí ở London. Đến đầu thế kỷ 18, các nhà máy sử dụng than đá bắt đầu xuất hiện ở Vương quốc Anh trong giai đoạn châu Âu trải qua Cách mạng Công nghiệp. Năm 1861, nhà vật lý học Ireland John Tyndall viết rằng hơi nước và khí thải như carbon dioxide tạo ra hiệu ứng nhà kính của Trái đất, theo đó khóa chặt nhiệt lượng của Mặt trời và khiến địa cầu ấm lên.
Năm 1896, nhà khoa học Thuỵ Điển Svante Arrhenius công bố báo cáo với nội dung “sự gia tăng khí phát thải trong khí quyển sẽ khiến nhiệt độ tăng lên, đồng thời thừa nhận hành động đốt nhiên liệu hoá thạch là nguồn gốc tạo ra carbon dioxide, nhưng chưa chính thức dự báo tình trạng ấm lên toàn cầu là do con người gây ra”, theo khoa học gia trưởng Robert Rohde của tổ chức Berkeley Earth. Phải đợi đến công trình nghiên cứu sau đó, ông Arrhenius mới kết nối sự liên hệ này.
Bên cạnh đó, nhà địa chất học Mỹ Thomas Chamberlin (1843-1928) của Đại học Chicago, người nghiên cứu sông băng ở Bắc Cực, cũng viết về vai trò của CO2 trong sự điều tiết của nhiệt độ Trái đất. Đến năm 1912, một tờ báo New Zealand cảnh báo tiêu thụ than đá có thể dần dần thay đổi khí hậu. Bài viết dựa trên bài báo được tạp chí Popular Mechanics đăng tải trước đó trong năm về công trình của ông Arrhenius.
Nghị định thư Kyoto
Kỷ nguyên từ thập niên 1950 đến 1970 mang đến thêm nhiều tiến triển về dữ liệu được thu thập. Năm 1958, nhà khoa học David Keeling của Viện Scripps về Đại dương học (Mỹ) bắt đầu đo đạc trực tiếp lượng CO2 trong khí quyển tại Đài quan sát Mauna Loa ở Hawaii. 65 năm sau, mật độ CO2 trong không khí tăng từ 315,98 phần triệu lên 423,78 phần triệu, tương đương 34%. Năm 1970, nhà khí tượng học George S. Benton của Đại học Johns Hopkins viết báo cáo “CO2 và vai trò của chúng đối với biến đổi khí hậu” cho chuyên san khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences. Ông viết: “Mật độ CO2 trong không khí tăng 10% dẫn đến hậu quả là nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm khoảng 0,3 độ C. Một số địa phương có thể tăng thêm đến 3-4 độ C”.
Năm 1974, CIA công bố báo cáo ghi nhận sự bất lợi đến từ biến đổi khí hậu cho công tác tình báo của Mỹ, và kêu gọi chính phủ tăng cường nguồn lực tài chính cho nghiên cứu trong lĩnh vực này. Một năm sau, nhà hóa địa chất của Đại học Columbia (Mỹ) xuất bản báo cáo tựa đề: “Biến đổi khí hậu: Liệu chúng ta đang trên bờ vực của sự nóng lên toàn cầu rõ rệt?”. Đến cuối thập niên 1970, cụm từ “biến đổi khí hậu” bắt đầu xuất hiện thường xuyên trên các nghiên cứu học thuật, báo cáo của chính phủ Mỹ và thậm chí trên những bản tin báo chí.
Tháng 12.1980, Hiệp hội về sự tiến bộ của khoa học Mỹ hoàn thành báo cáo cho Bộ Năng lượng Mỹ với kết luận rằng mật độ CO2 gia tăng trong khí quyển có thể “vượt xa những trải nghiệm của nhân loại”. Theo đó, biến đổi khí hậu do CO2 có thể gây hạn hán, lũ lụt, dẫn đến thiếu dinh dưỡng và nạn đói. Sau một số báo cáo của chính phủ, năm 1990, Đại học Hải chiến Mỹ đệ trình kết quả nghiên cứu lên Uỷ ban Tình báo Thượng viện với nội dung lần đầu tiên thừa nhận nguy cơ biến đổi khí hậu có thể mang lại cho an ninh quốc gia của nước này.
Năm 1997, các thành viên của Công ước Khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu đã ký vào Nghị định Thư Kyoto ở Kyoto (Nhật Bản) vào tháng 12 cùng năm. Trong vòng 15 tháng kế tiếp, thêm 85 quốc gia đã ký vào nghị định này, mở đường cho các ràng buộc pháp lý buộc các nước phải thực thi việc cắt giảm khí thải nhà kính. Từ đó, mỗi năm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lại được tổ chức (COP), nhằm đánh giá công tác thực thi giữa các bên. Tuy nhiên, COP27 đã qua, nhưng các nước vẫn chưa đạt được tiến triển vượt bậc để có thể hạn chế được nguy cơ đến từ biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
HỒNG HOANG
Bình luận