Đối thoại thác ghềnh và hy vọng biển cả...

Gần ba tháng trở lại đây, dòng xe ngược xuôi trên quốc lộ 6 lên vùng Tây Bắc, mỗi khi đi ngang qua một quả đồi thuộc phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, cách Hà Nội hơn 70km, ắt hẳn ai nấy đều phải dõi mắt ngước nhìn. Trên quả đồi rộng 10.000m2, ngôi thánh đường mới của giáo xứ Hòa Bình tọa lạc uy nghi, với hai tháp chuông chót vót (cao 24m) vươn lên trời xanh!

Ngôi thánh đường mang tên “Kính Lòng Chúa Thương Xót”. Có thể nói, thánh đường này là một biểu tượng hữu hình cho sức sống ẩn tàng, bất diệt của Đức tin Công giáo cắm rễ nơi giáo phận Hưng Hóa.

Thông điệp bằng bước chân”

Đó là một buổi sáng sương mù dày đặc, nói chuyện với nhau tạo thành những làn khói lãng đãng nơi cửa miệng. Đông đảo giáo dân đổ về quảng trường rộng 6.500m2 phía trước ngôi thánh đường, bất chấp gió lạnh vùng trung du. Bên trong thánh đường - với diện tích 1.200m2, sức chứa 3.000 chỗ - cũng đã chật cứng tín hữu. Có lẽ, phải khoảng 1/4 đến 1/3 số giáo dân có mặt là thuộc về các sắc tộc thiểu số.

Một sự kiện trọng đại, hơn thế nữa, là cực kỳ hy hữu đối với một giáo phận đất rộng người thưa, đã diễn ra trong buổi sáng đầy gió, đầy sương của ngày 21.1.2015. Phái đoàn Đức Hồng y Fernando Filoni, Tổng trưởng Thánh Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, đến thăm. Cùng đi với Đức Hồng y Tổng trưởng còn có Đức TGM Leopoldo Girelli – đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Hồng y tân cử Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Đức ông Barnabe Nguyễn Văn Phương và toàn thể các Đức GM thuộc giáo tỉnh Hà Nội. Vị giám mục tiền nhiệm của giáo phận Hưng Hóa, Đức GM Antôn Vũ Huy Chương (hiện nay trông coi giáo phận Đà Lạt), cũng trở về thăm “cố hương”.

Nhà thờ Hoà Bình đón tiếp ĐHY FIloni

Đó là một buổi sáng mà tôi gặp chàng trai quắt người, đen sạm, tên là Phàng A Sò, người H’Mông. Anh đã thực hiện cuộc hành trình băng qua bao sông suối, bao thác ghềnh, từ giáo xứ Phù Yên (Sơn La) cách thành phố Sơn La 130km, đi tiếp một chặng đường dài 256km để đến thành phố Hòa Bình dự thánh lễ trọng đại hôm ấy.

Anh Phàng A Sò đón nhận đức tin Công giáo vào năm 2005, lấy tên thánh là Giuse. Gần mười năm sau, anh trở thành “người đỡ đầu” cho một số tân tòng của bản làng dự nghi thức khai tâm Kitô giáo nơi thánh đường Kính Lòng Chúa Thương Xót. Trong thánh lễ, tôi nghe các bà giáo dân thì thào với nhau rằng, “các tân tòng sướng thật, được rửa tội bởi Đức Hồng y, bởi các Đức GM toàn là những đấng cao trọng”, các bà vừa nói vừa chen nhau ngắm nhìn đầy háo hức.

Phàng A Sò rụt rè, rất kiệm lời khi nói chuyện. Hành trình đức tin của người H’Mông không nằm trong thông điệp bằng lời nói, tôi nghĩ, họ đang thực hiện thông-điệp-bằng-bước-chân.

Bước chân băng qua thác ghềnh, hẳn nhiên.

Đối thoại của thác ghềnh

Trong diễn văn phát biểu trước phái đoàn Đức Hồng y Fernando Filoni, Đức GM Gioan Maria Vũ Tất cho biết giáo phận Hưng Hóa - trải rộng trên địa bàn 10 tỉnh (Hà Tây nay thuộc về Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên) - gặp nhiều khó khăn chính trị xã hội trong nhiều thập niên : “Từ năm 2006, tại ba tỉnh miền núi Sơn La, Lai Châu, Điện Biên bắt đầu triển khai những hoạt động tôn giáo. Từ đó tới nay con số tân tòng dân tộc miền núi không ngừng gia tăng, các cộng đoàn Công giáo quy tụ được 11.000 người H’Mông, mặc dù chính quyền địa phương chưa công nhận một giáo xứ hoặc giáo họ nào”. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2015 đã có những dấu hiệu cải thiện trong quan hệ đối thoại với chính quyền tại ba tỉnh vừa nêu.

Trước khi có sự hiểu biết lẫn nhau, đối thoại bao giờ cũng bắt đầu từ những thác ghềnh của dị biệt. Phủ nhận sự hiện hữu của thác ghềnh, vờ như không có, cuộc đối thoại ắt dậm chân tại chỗ.

Tôi đã nhìn thấy rất nhiều người dân miền núi Tây Bắc đón nhận thác ghềnh như một sinh cảnh tự nhiên nơi đây. Đứng trước thác ghềnh, họ không chọn thái độ than thở hoặc buông xuôi. Thiên nhiên đã âm thầm truyền dạy cho con người một kinh nghiệm thiết yếu trong sinh tồn, gồm cả trong đó sự đối thoại, như vậy đấy!

Hai tháp chuông chót vót của thánh đường “Kính Lòng Chúa Thương Xót” vươn lên trời cao là một minh chứng hữu hiệu trong cuộc đối-thoại-thác-ghềnh.

2 tháp chuông gồm 6 quả, trong đó quả lớn nhất có trọng lượng là 3 tấn

Cha sở Giuse Nguyễn Trung Thoại của giáo xứ Hòa Bình cho biết: từ năm 1993, Tòa Giám mục Hưng Hóa cử ngài đến Hòa Bình tìm kiếm những giáo dân vẫn âm thầm sống Đức Tin trong gia đình để quy tụ thành cộng đoàn. Suốt bảy năm dài, công việc mục vụ cho bà con giáo dân không tìm được sự đồng thuận của chính quyền sở tại.

Để rồi, theo lời kể của vị linh mục dù tuổi đã 70 nhưng vẫn còn quắc thước: “Năm 2000, tỉnh Hòa Bình đã đồng ý cho phép về thăm mục vụ giáo dân. Hai năm sau, vào ngày 1.11.2002 được phép cử hành thánh lễ tại một nhà nguyện. Đây là thánh lễ đầu tiên ở tỉnh Hòa Bình sau 56 năm vắng bóng”.

Ngày 17.8.2012, thánh lễ đặt viên đá đầu tiên của Nhà thờ giáo xứ Hòa Bình, với sự hiện diện của Đức TGM L. Girelli - Đại diện không thường trực của Tòa thánh tại Việt Nam - và Đức GM Gioan Maria Vũ Tất.

Ngày 21.11.2014, Đức TGM Girelli, Đức GM Gioan Maria Vũ Tất đã thánh hiến ngôi thánh đường “Kính Lòng Chúa Thương Xót”.

Hy vọng của biển cả

Giáo xứ Hòa Bình có 3.500 giáo dân với 11 giáo họ. Có lẽ đây là giáo xứ rộng nhất ở Việt Nam hiện nay, vì trải dài tới 160 km thuộc 5 huyện (Kỳ Sơn, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc) và thành phố Hòa Bình.

“Một cánh đồng truyền giáo màu mỡ”, với 400-500 tân tòng mỗi năm, trong đó “có nhiều anh chị em dân tộc thiểu số là những người chân thật, đơn sơ, tốt lành, họ chỉ cần được rao giảng Lời Hằng Sống của Chúa Kitô là họ sẵn sàng đón nhận”, cha Giuse Thoại đã nói như vậy trong bài diễn văn trước Đức Hồng y Tổng trưởng.

Các thiếu nữ dân tộc cùng quan khách ngoài sân trước thánh đường “Kính Lòng Chúa Thương Xót”

Trước cộng đoàn hàng ngàn người có mặt, Đức Hồng y Tổng trưởng nhắn nhủ: “Tất cả mọi người đều đã chịu Phép Rửa, tất cả đều phải là những thừa sai, phải là những người truyền giáo trước tiên cho những người chung quanh”.

Tôi nhớ mãi những khoảnh khắc thinh lặng thiêng liêng phủ tràn nơi thánh đường giáo xứ Hòa Bình, nhớ mãi hình ảnh Phàng A Sò nghiêm trang đứng sau vài tân tòng mà anh đỡ đầu - trong số 172 tân tòng người H’Mông, Mường, Dao, Thái có mặt trong buổi sáng tuy gió lạnh se thắt da thịt nhưng trái tim lại ấm áp vô ngần.

Rồi chợt nghĩ, một khi đã trải nghiệm thông-điệp-của-thác-ghềnh, niềm vui mừng và hy vọng ắt phải đến. Hy vọng mênh mang như biển cả.

Bởi vì niềm xác tín vào Ơn Chúa quan phòng là căn tính nền tảng để mỗi người xứng đáng với ơn gọi làm Kitô hữu.

Nói như lời Đức Hồng y Tổng trưởng, “Chúng ta hy vọng rằng trong tương lai cũng sẽ có những họ đạo lớn được kiến tạo... Hãy xin, hãy gõ, cửa sẽ mở. Hãy cầu nguyện một cách liên lỉ, hãy luôn xác tín rằng Chúa yêu thương từng người một trong chúng ta cách đặc biệt và mãi mãi”.

MATTHEW NGUYỄN

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Đi tìm gương mặt Giêsu trong bão lũ
Đi tìm gương mặt Giêsu trong bão lũ
Hàng loạt giáo phận trong Nam, ngoài Bắc ra thông báo kêu gọi giáo dân cầu nguyện, rộng tay góp tiền giỏ trong các ngày lễ làm thành quỹ riêng cho hoạt động cứu trợ.
Cùng nhau làm măng, giúp nhau thoát nghèo
Cùng nhau làm măng, giúp nhau thoát nghèo
Ở  xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, một nhóm chị em phụ nữ đồng bào K’Ho đã cùng nhau tạo nên một câu chuyện khởi nghiệp đầy ý nghĩa với sản phẩm măng khô mang tên “Bang Vre”.
Độc đáo miền Gia Kiệm
Độc đáo miền Gia Kiệm
Còn nhớ mấy năm trước, khi thực hiện bài về những xóm đạo ở Hố Nai (TP. Biên Hòa - Ðồng Nai), tôi không khỏi ngạc nhiên về một vùng có rất nhiều nhà thờ, với chỉ trong 4 cây số chiều dài, đếm có đến 17 xứ đạo.
Đi tìm gương mặt Giêsu trong bão lũ
Đi tìm gương mặt Giêsu trong bão lũ
Hàng loạt giáo phận trong Nam, ngoài Bắc ra thông báo kêu gọi giáo dân cầu nguyện, rộng tay góp tiền giỏ trong các ngày lễ làm thành quỹ riêng cho hoạt động cứu trợ.
Cùng nhau làm măng, giúp nhau thoát nghèo
Cùng nhau làm măng, giúp nhau thoát nghèo
Ở  xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, một nhóm chị em phụ nữ đồng bào K’Ho đã cùng nhau tạo nên một câu chuyện khởi nghiệp đầy ý nghĩa với sản phẩm măng khô mang tên “Bang Vre”.
Độc đáo miền Gia Kiệm
Độc đáo miền Gia Kiệm
Còn nhớ mấy năm trước, khi thực hiện bài về những xóm đạo ở Hố Nai (TP. Biên Hòa - Ðồng Nai), tôi không khỏi ngạc nhiên về một vùng có rất nhiều nhà thờ, với chỉ trong 4 cây số chiều dài, đếm có đến 17 xứ đạo.
Những tia sáng từ màu than đen
Những tia sáng từ màu than đen
Trong nắng chiều gay gắt, chúng tôi tìm đến nhà chị Mang Thị Chuyển, người đồng bào Raglai tại địa phương, một hình ảnh khá vui bắt gặp là các thành viên trong gia đình cùng quây quần làm bột đánh răng tại nhà, một sản phẩm từ than hoạt...
Thương nhớ những năm tháng cận kề
Thương nhớ những năm tháng cận kề
Ðó là những nỗi nhớ niềm thương của những cựu chủng sinh, tu sinh từng có thời gian cận kề chăm sóc Ðức cố Giám mục G.B Bùi Tuần. Những kỷ niệm, ký ức về ngài dường như vẫn đong đầy.
40 năm hội dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết
40 năm hội dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết
Các nữ tu hội dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết thường nhận mình là “hậu sinh” khi so với phần lớn các hội dòng Mến Thánh Giá khác trên đất Việt, vì thời gian thành lập chính thức tính đến nay mới ở tuổi 40.
Chuyện của những người chỉnh âm thanh cho nhà thờ
Chuyện của những người chỉnh âm thanh cho nhà thờ
Khi chưa có những thiết bị hiện đại như loa hay dàn chỉnh âm thanh, việc giúp cho âm thanh lan rộng, vang xa, rõ ràng trong nhà thờ… phụ thuộc rất nhiều vào sự tính toán trong xây dựng của kiến trúc sư.
Tinh thần hiệp hành ở một xứ đạo đông di dân
Tinh thần hiệp hành ở một xứ đạo đông di dân
Cùng góp sức trong các việc chung của giáo xứ một cách đầy nhiệt huyết là điều dễ nhận ra nơi các giáo dân và những hội đoàn ở đây.
Ðến Trại Gáo viếng Thánh Antôn
Ðến Trại Gáo viếng Thánh Antôn
“Ông thánh Antôn hay làm phép lạ”, là câu nói quen thuộc với nhiều người. Ngay trong lời kinh Thánh Antôn cũng nhắc đến chi tiết đặc biệt này. Có lòng mến mộ, yêu quý, cậy trông dành cho ngài cách đặc biệt, nên một số xứ đã có đền,...