Một nữ nhân viên công sở, sau thời gian dài làm việc đã quyết định xin nghỉ. Cô không ngờ là trong số các đối tác, có người để ý cô từ lâu vì sự làm việc tận tụy, quan tâm, tạo nhiều cơ hội cho họ hợp tác. Nghe tin cô chuyển việc, người này khá sốc vì nghĩ đến đoạn đường làm ăn trước mắt, có thể sẽ khó khăn hơn. Thay vì bày tỏ tình cảm trân quý người từng hợp tác lâu năm bằng những cử chỉ đẹp, ông tự đăng lên mạng xã hội tất cả các hình ảnh về người phụ nữ mà ông từng ngưỡng mộ. Ông chìm trong thế giới riêng của mình: khi thì cập nhật một trạng thái khen ngợi, lúc lại viết một câu hờn trách vu vơ… Đến lúc phát hiện sự việc, cô không thích hành vi tùy tiện của đối phương, không muốn hình ảnh mình tràn lan trên trang cá nhân của người khác. Cô liền nhắn tin yêu cầu xóa ảnh, nhắc “cựu đối tác” việc hình ảnh cá nhân của người khác mà không xin phép là vi phạm quyền riêng tư... Ông này bị “nhắc nhở” nên tự ái, lại cố tình đăng nhiều hình hơn như muốn khiêu khích. Trong lúc mất kiểm soát cảm xúc, ông đã tự biến mối quan hệ tốt đẹp trước đây thành như một sự “đối đầu”. Và trong mắt người phụ nữ, ông bỗng dưng trở thành gã quấy rối dai dẳng. Đôi lúc cô không khỏi nghĩ “có phải người này cho rằng không nhờ gì được nữa mới… ăn vạ?”.
Nhắc đến hành vi quấy rối, nhiều người nghĩ ngay đến quấy rối tình dục, tuy nhiên, phạm vi của cụm từ “quấy rối” rộng hơn nhiều. Nguyên nhân có thể đến từ sự phân biệt chủng tộc, vùng miền, màu da, tôn giáo, giới tính, tuổi tác, khiếm khuyết cơ thể… Cũng có khi động cơ quấy rối xuất phát từ tư thù cá nhân, nhu cầu giải tỏa tâm lý hoặc muốn gây chú ý với đối tượng nào đó. Hành vi quấy rối bằng lời nói, hành động... thường nhằm mục đích hạ thấp hoặc khiến người khác xấu hổ; hay cố tình khiêu khích, xâm phạm quyền riêng tư của họ. Khi những hành vi quấy rối lặp lại nhiều lần, chúng sẽ trở thành bắt nạt.
Tiếc rằng trong xã hội hiện nay, vẫn còn rất nhiều người coi nhẹ việc quấy rối, thậm chí bình thường hóa và coi như trò đùa. Đây là một trong các nguyên nhân khiến người bị quấy rối chọn cách im lặng thay vì lên tiếng. Bên cạnh đó, họ còn sợ định kiến xã hội, sợ không được tin tưởng nếu nói ra, trên hết là cảm giác tự trách. Đau lòng hơn, nạn nhân còn bị thiên hạ gán mác nhu nhược, dại dột, không biết bảo vệ bản thân…
Trong phim truyền hình “Baby Reindeer” (2024), nam chính đã xui xẻo gặp một người đàn bà bám đuôi biến thái, tất cả bắt đầu từ việc anh nổi lòng từ tâm, tặng bà ta ly nước miễn phí khi làm công việc pha chế. Sau hàng loạt sự kiện ly kỳ, nam chính mới thoát khỏi kẻ bám đuôi, trở lại cuộc sống yên ổn. Nhưng anh vẫn cảm thấy chơi vơi, bất ổn, cho rằng mình quá bao đồng nên tự rước họa. Cuối phim, anh ghé vào một quán bar, nhân viên pha chế tốt bụng đã mời anh một ly nước vì thấy anh quá u sầu, tiều tụy. Anh chợt nhận ra mình có thể sai lầm khi quá dung túng, mềm lòng với người đàn bà kia, nhưng anh không hề sai khi mời bà ta ly nước. Đó là hành động mà bất cứ người tử tế, bình thường nào cũng có thể làm. Thứ không bình thường ở đây chính là hành vi quấy rối.
Ths - Bs Lan Hải
Bình luận