Ðối với các nước phát triển, thời kỳ dân số vàng (phần lớn dân cư trong độ tuổi lao động) đặc biệt quan trọng với họ, bởi lẽ đất nước sẽ tận dụng được nguồn lực tại chỗ không phải thuê mướn nhân công nước ngoài. Cũng vì vậy mà họ thường chủ động đón nhận thời điểm này để phát huy tối đa nguồn lực con người : quan tâm đến sức khỏe cộng đồng, môi trường làm việc, kỹ năng nghề nghiệp để phát huy tối đa nguồn nhân lực có sẵn. Nhờ vậy mà thời kỳ dân số vàng thường là thời điểm tăng trưởng kinh tế cao nhất của nhiều nước.
Ở Việt Nam, thời điểm đó là khoảng những năm 2010. Tuy nhiên nhìn lại quá khứ mới thấy lúc đó sức lao động nông nhàn quá dôi dư! Tỷ lệ những người trong độ tuổi lao động tham gia trực tiếp vào các dây chuyền sản xuất còn thấp vì thiếu trình độ chuyên môn và tay nghề. Từ năm 2012, theo tính toán của cơ quan chuyên môn, Việt Nam bắt đầu bước vào quá trình già hóa dân số. Dự báo đến 2035, nước ta chính thức già hóa dân số, đến 2050 sẽ có khoảng 27 triệu người cao tuổi. Khi ấy tỷ lệ người già chiếm khoảng 1/4 dân cư. Già hóa dân số sẽ dẫn đến một thực trạng là thâm hụt nguồn nhân lực lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển kinh tế đất nước. Một kịch bản khác xảy ra là sẽ phải thuê nguồn lao động nước ngoài, với giá nhân công cao hơn nguồn nhân lực trong nước, kèm theo đó là nhiều vấn đề xã hội như khác biệt văn hóa, lối sống, vấn đề định cư, xuất nhập cảnh, an ninh xã hội…
Dù vậy, cũng đừng quá bi quan nếu nhìn vào chất lượng sống của cư dân Việt hiện nay. Nhiều năm qua chúng ta đã cải thiện rất nhiều về sức khỏe và tuổi thọ với người cao tuổi. Ðiều đó cũng có nghĩa là nhiều người cao tuổi nhưng vẫn còn có thể làm việc và lao động tốt nhờ trí tuệ và thể lực. Họ vẫn có thể đóng góp nhiều cho xã hội qua sức khỏe dôi dư của mình. Nhìn sang Nhật Bản, những người lớn tuổi vẫn có thể làm những công việc nhẹ nhàng như lái taxi hoặc tư vấn chuyên môn…, vì những người già hơn người trẻ vốn sống và kinh nghiệm. Nói cách khác, họ vẫn đóng góp hữu ích vào việc tăng trưởng nguồn nhân lực của một quốc gia. Hiện nay không ít đơn vị sự nghiệp hay doanh nghiệp Việt Nam đã nhìn ra vấn đề này, đã tự tạo cho mình cơ chế riêng nhưng đúng pháp luật để tranh thủ vốn trí tuệ và kinh nghiệm của người già - điều mà lớp trẻ, tuy khỏe nhưng thường thiếu!
Có lẽ chúng ta cũng cần phải nhìn lại tư duy về người già. “Khái niệm già” không có nghĩa là chỉ có nghỉ ngơi, không còn cống hiến. Hãy coi đó cũng là một nguồn lực, có thể tham gia vào các khâu, chuỗi khác nhau của quá trình thăng tiến xã hội. Nếu mỗi đơn vị, mỗi doanh nghiệp đều có cách nghĩ như vậy, hơn 11 triệu người già hiện nay (con số đến hết năm 2018) sẽ là một nguồn lực cần khai thác và tranh thủ trước khi họ bước vào tuổi già thực sự.
Ngô Quốc Ðông
Bình luận