Đã 5 năm kể từ đại dịch Covid-19, nhân loại đang từng bước khắc phục tổn thất, trở lại nhịp sống bình thường. Hoạn nạn qua đi, nhiều người bắt đầu oán trách những sai lầm trong cách phòng chống dịch bệnh. Lúc tất cả đã thành quá khứ, người ta thường dễ dàng phán xét, kết tội và vạch lá tìm sâu, và thiếu sự thấu hiểu, đồng cảm với người trong cuộc, nhất là những người phải đưa ra quyết định quan trọng và khó khăn trước biến cố bất ngờ.
Nhà văn Lỗ Tấn có câu: “Vốn dĩ trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Kho tàng tri thức, kinh nghiệm của nhân loại cũng vậy, bao nhiêu thế hệ kiên trì quan sát, thử nghiệm, đúc rút mới có được những kiến thức phổ thông mà giờ đây hầu như ai cũng biết. Nếu nhà bác học Newton tự nhận mình thành công nhờ “đứng trên vai những người khổng lồ”, thì kẻ tiên phong chẳng có người khổng lồ nào để dựa vào. Họ như nhà thám hiểm khám phá vùng đất mới, phải tự mình đặt bước chân đầu tiên.
Kẻ tiên phong không bị gò bó trong khuôn mẫu, ngược lại họ định hình khuôn mẫu cho đời sau. Bên cạnh niềm vinh quang, kẻ tiên phong còn mang gánh nặng lớn khi dễ dàng trở thành đối tượng phán xét của người cùng thời và hậu thế.
Ngày nay, khi tìm hiểu đại dịch Cái Chết Đen, nhiều người thường cảm thán sự u mê, điên khùng của các phương pháp phòng chống dịch hạch. Dân châu Âu thời trung cổ không rõ nguyên nhân gây dịch hạch là gì, thành ra sợ hãi, buộc tội và nghi ngờ mọi thứ: người Pháp đổ lỗi cho người Anh vì hai nước có thâm thù, người Tây Ban Nha đổ cho người Ả Rập, người Đức sẵn sàng “thả trôi sông” đối tượng tình nghi gây bệnh… Giới thầy thuốc cũng bó tay, không biết làm sao trị được dịch hạch. Họ phỏng đoán người ta nhiễm bệnh vì uống phải nước bẩn, hít phải khí độc, lỡ nhìn vào bệnh nhân dịch hạch…, từ đó lập phác đồ điều trị như bắt người bệnh ngồi trên miệng cống để tống hơi độc ra ngoài, ăn bột thạch tín, chà phao câu gà lên chỗ nổi hạch, phổ biến nhất là phương pháp chích máu. Một số kẻ cơ hội còn bán bột ngọc lục bảo, bột ngọc trai cho nhà giàu với giá cao, lừa rằng loại bột đó có thể chữa dịch hạch.
Hàng trăm năm sau, dựa vào ghi chép lịch sử và khoa học tiên tiến, y học hiện đại phát hiện nguyên nhân gây bệnh dịch hạch là một loại vi khuẩn sống trên bọ chét. Theo các nhà sử học, nhiều con chuột mang bọ chét đã “di cư” từ Trung Á, Trung Quốc sang châu Âu qua tàu buôn hoặc các thương nhân trên con đường tơ lụa. Đại dịch này đã vung lưỡi hái tử thần quét sạch 30-60% dân số châu Âu trong thập niên 1340, tương đương 25-50 triệu người. Chính từ đại dịch khủng khiếp này, khái niệm cách ly ra đời.
Khi Covid-19 bùng phát, nhiều người đã vô cùng bi quan, nơm nớp sợ bi kịch Cái Chết Đen sẽ lặp lại. Sự mờ mịt ban đầu khi các nhà khoa học tìm kiếm phương thuốc trị “cô Vi” chẳng khác gì thầy thuốc châu Âu từng vất vả đối phó với dịch hạch. Trước “cô Vi”, chưa từng có dịch bệnh nào giống nó, thành ra chúng ta không có “bài học lịch sử” để đúc rút kinh nghiệm.
Ắt hẳn vài chục hoặc vài trăm năm sau, con cháu sẽ lắc đầu cảm thán cách chống Covid-19 sai lầm của chúng ta, như ta từng cười chê dân châu Âu thời trung cổ chống dịch hạch. Âu cũng là gánh nặng của những kẻ tiên phong, những người mở đường khi mặt đất chưa hề có lối đi, để thế hệ sau “đi mãi thì thành đường”.
Ngoài sự phán xét, hãy thông cảm và tri ân sự can đảm dám đột phá của những người mở đường. Bởi đúng như nhà tâm lý học Carl Jung nhận xét: “Ta không thể thay đổi bất cứ điều gì nếu không có sự hiểu biết đầu tiên. Lên án không giải phóng gì cả, nó chỉ đàn áp mà thôi”.
Ths-Bs Lan Hải
Bình luận