Trong nhiều tác phẩm đã được công bố của Đức Phanxicô hoặc sách viết về ngài, với những tư tưởng, thông điệp về Hội Thánh, con người, nhân sinh quan sống động và sâu sắc…, tôi ấn tượng nhất là cuốn “Giáo hội mà tôi mong đợi” được ra đời cách đây 12 năm. Tác giả là cha Sparado SJ. - Giám đốc tờ La Civiltà Cattolica. Tại Việt Nam, cuốn sách được nữ tu Elizabeth Trần Thị Quỳnh Giao, dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ dịch.
Tôi tiếp cận những nội dung phong phú này lần đầu tiên khi ấn phẩm sách còn chưa ra đời, mà được đăng nhiều kỳ trên báo Công giáo và Dân tộc. Lúc ấy, còn nhớ là vào cuối năm 2015, báo đã bắt đầu cho đăng tải từng phần của bản dịch. Mỗi tuần, tôi chờ đợi bài như món ăn tinh thần không thể thiếu. Có dạo, tôi xem việc đọc các phần tiếp theo của cuốn sách như một cái cớ để chờ người đưa báo mang tới nhà. Buổi chiều, sau khi làm xong việc gia đình, ngồi ở bàn đọc sách, nhâm nhi tách cà phê và thưởng thức. Nếu phải nói về lý do thu hút tôi theo dõi các phần dịch ròng rã qua các số báo, thì có lẽ là vì cái tên cuốn sách “Giáo hội mà tôi mong đợi”. Bởi trước đó, tôi nghĩ rằng Giáo hội đã hoàn hảo với cơ cấu tổ chức, phẩm trật, việc đào tạo linh mục, tu sĩ; việc huấn luyện giáo dân và ý thức truyền giáo, cũng như sống sứ vụ này suốt theo dòng thời gian, làm một Giáo hội năng động, vừa hướng dẫn con người đào luyện chính mình trong đức tin để hướng về quê trời, vừa gắn kết với thực tại đời sống, phục vụ con người, nhất là những người bé nhỏ, nghèo khổ. Qua những biến cố lịch sử đã phát triển mạnh mẽ, gần gũi với xã hội, được quần chúng đón nhận; hơn nữa, cũng đang giúp tín hữu mình sống tốt trách nhiệm của công dân với đất nước, quê hương. Nếu có những gì “chưa tròn vành”, ắt là do điều kiện thực tế, thiếu thốn nhân lực chẳng hạn hoặc ở tầm vi mô, địa phương? Nhưng tôi đã lầm. Sau khi đọc toàn văn, kể cả các phần phụ như lời tác giả, tâm thư của dịch giả…, cộng với việc mỗi tuần được chiêm nghiệm những ý tưởng tâm huyết và thực tế của Đức Giáo Hoàng, được ghi lại trong sách, tôi đã nhìn lại những quan điểm của mình.
Sau Công đồng Vatican II, Giáo hội đã không ngừng canh tân để trở nên thân thuộc và hòa nhập vào mọi nền văn hóa. Từ khi Công đồng này kết thúc (năm 1965) cho đến hôm nay, tròn 60 năm, thế giới vẫn luôn biến đổi mỗi ngày và liên tục. Những điều nhức nhối như chiến tranh, thù hận, bóc lột sức lao động, về quyền tự do, sự tôn trọng phẩm giá con người, quyền được giáo dục, bình đẳng nam nữ, phân biệt màu da, sắc tộc… vẫn còn đang là tiếng kêu đầy thống thiết ở nơi này, nơi khác trên trái đất. Cuốn sách đã nhắc đến nỗi lo âu và mong đợi của Đức Thánh Cha về một Giáo hội ra đi, đồng hành: “Giáo hội này là Giáo hội mà chúng ta phải đồng cảm, đó là nhà của tất cả mọi người, không phải chỉ là một nhà nguyện nhỏ chỉ có thể chứa một nhóm nhỏ những người được tuyển chọn. Chúng ta không được thu nhỏ khuôn viên của Giáo hội hoàn vũ thành một tổ chim bảo vệ cho sự tầm thường của chúng ta. Giáo hội là Mẹ. Giáo hội sinh hoa kết quả. Giáo hội phải như vậy!”. Thế giới đang còn nhiều đau thương, Giáo hội không thể lẩn trốn khỏi sứ vụ “băng bó các vết thương và sưởi ấm tâm hồn các tín hữu”.
Qua mỗi phần, tôi được lôi cuốn để đọc và suy ngẫm tới lui trong ngày sống. Dạo ấy, những trang viết đều đặn trên báo Công giáo và Dân tộc chi phối tôi ghê gớm. Tôi đọc tới lui hàng chục lần. Rồi trên kệ sách của mình, nhiều năm sau, thi thoảng tôi vẫn lần giở sách này, đọc ngẫu nhiên một trang hay một ý nào đó, không theo trình tự nữa. Quyển sách tác động mạnh mẽ đến tôi không chỉ về mặt nhận thức, suy nghĩ, mà còn thay đổi cả lối sống tông đồ hôm nay phải như lời mời gọi của Đức Thánh Cha: “Mỗi người hãy ra khỏi chính mình và đi về với những người không đếm xỉa tới mình, với những người sống lãnh đạm hoặc u sầu…”.
Nguyễn Thị Như Mai,
TP Thủ Ðức
Bình luận