Niichi, một tài khoản Twitter (nay là X) từ Nhật Bản, đã vẽ ba bức tranh khiến nhiều người cảm động và suy ngẫm.
Bức đầu tiên vẽ cô bé tiểu học dễ thương đang tươi cười, đưa lá thư viết: “Gởi tôi khi lớn. Chị có khỏe không? Em không biết trong tương lai chị sẽ là người như thế nào. Chị có vui vẻ mỗi ngày không? Chị có đang yêu anh nào không? Chị có trở thành nhà thiết kế như chúng ta ao ước không? Em hy vọng chị đã trải nghiệm thật nhiều để trở thành một người tuyệt vời, tuyệt hơn em bây giờ. - Từ tôi hồi nhỏ”.
Bức tranh thứ hai vẽ một nữ nhân viên công sở rầu rĩ, chán chường. Cô đáp lại bé gái: “Gởi tôi hồi nhỏ. Chị không thể trở thành nhà thiết kế. Chị từng có vài mối tình nhưng chẳng đi đến đâu. Công việc hiện nay của chị rất khó khăn, ngày nào chị cũng bị mắng. Thỉnh thoảng chị không biết nên sống vì điều gì. Chị trở nên nhu nhược và toan tính hơn mình nghĩ, chị còn rất giỏi lừa dối bản thân. Xin lỗi vì chị đã không thể trở thành một người tuyệt vời hay hoàn thành ước mơ của chúng ta”.
Thật may, tác giả Niichi đã không dừng câu chuyện ở đây, mà hóa giải nỗi buồn bằng bức tranh cuối, nơi người xem có thể tự điền vào phần kết của lá thư mà “tôi khi lớn” hồi âm cho “tôi hồi nhỏ”. Trong bức tranh này, cô gái dù mệt mỏi nhưng vẫn nở nụ cười, trao thư cho bé gái. Thư chỉ ghi một chữ “nhưng…” rồi chừa khoảng trống cho chúng ta tự viết ra thông điệp mình muốn, kết lại bằng câu: “Cám ơn em vì lá thư. - Từ tôi khi lớn”.
Các trường bên Nhật có một phong tục là vào ngày bế giảng, học sinh năm cuối có thể viết thư gởi chính mình 10 năm sau. Những lá thư và kỷ vật sẽ được cất vào hộp kín, chôn xuống một gốc cây trong sân trường, đem theo kỳ vọng và ước mơ của các học sinh gởi đến tương lai. Mười năm sau lễ tốt nghiệp, họ có thể về thăm trường xưa, đào chiếc hộp lên và đọc lá thư do mình viết.
Khi Internet phát triển, việc viết thư gởi bản thân trong tương lai đã lan tỏa từ chốn học đường Nhật Bản ra khắp thế giới. Nhiều nhà tư vấn tâm lý coi đây là liệu pháp rất hay để tự hàn gắn tổn thương tinh thần, học cách yêu thương bản thân và nhận ra sức mạnh nội tâm.
***
Tại sao nhiều người lớn lại muốn xin một vé đi về tuổi thơ? Có lẽ bên cạnh sự vô lo, vô nghĩ, thì tuổi thơ còn là thời kỳ chúng ta có thể thoải mái bộc lộ cảm xúc, chẳng cần kìm nén hay giả vờ mạnh mẽ. Tiếc thay, người ta phải lớn lên, đối diện với thế giới phức tạp, loay hoay với cơm áo gạo tiền, mang theo nhiều trách nhiệm trên lưng. Người lớn đè nén cảm xúc tiêu cực vào lòng, cố trưng ra nụ cười bình thản và nói: “Tôi ổn”, mặc dù có thể chẳng ổn tí nào…
Khi con người dần suy sụp vì những cảm xúc, tâm sự chất chứa trong lòng, mỗi cá nhân sẽ chọn cách giải quyết khác nhau. Người thì tiếp tục sống mòn, người chọn tìm quên trong công việc, rượu chè hoặc tụ tập bạn bè, cũng có người chọn… “đăng xuất” khỏi cuộc sống bế tắc. Không phải ai cũng đủ can đảm đối diện với sự mềm yếu, “xấu xí” của mình, mở lòng tâm sự với người khác lại càng khó hơn. Họ đã quên mất người bạn đầu tiên, cũng là tri kỷ theo mình suốt cuộc đời chính là bản thân mình, là “đứa trẻ bên trong” luôn sẵn sàng lắng nghe, chờ đợi và tin tưởng.
Đôi khi lời nhắn từ quá khứ, nhất là từ bản thân thời niên thiếu, lại mang đến hiệu quả bất ngờ cho những ai đang lạc lõng, mờ mịt trước cuộc đời. Bởi suy cho cùng, vị anh hùng đáng tin cậy nhất sẽ luôn cứu ta, không ai khác ngoài chính ta. Khi nhận ra mình không có ai đủ thân thiết, phải học cách tự gồng gánh, chịu đựng tất cả, nghĩa là lúc đó đã trưởng thành. Luôn có một anh hùng mãi mãi sát cánh bên ta, đó là bản thân ta từ quá khứ và cả tương lai.
Gởi tôi khi lớn. Bạn là ngọn hải đăng giúp tôi vượt qua chuyện học hành, thi cử và những đứa bạn xấu tính ở trường. Mỗi khi tôi đau khổ hay tủi thân, tôi đều tự nhủ tương lai rồi sẽ tốt đẹp hơn, và tôi sẽ trở thành một người mạnh mẽ, giỏi giang hơn.
Gởi tôi hồi nhỏ. Tôi không biết mình đã trở thành mẫu người mà bạn kỳ vọng chưa, nhưng tôi biết bạn cũng là ngọn hải đăng của tôi, dẫn dắt tôi hiểu rõ chính mình, nắm chắc quá khứ và tin tưởng vào tương lai. Cám ơn vì đã luôn ở bên tôi.
Ths-Bs Lan Hải
Bình luận