Hàng rào hoa dâm bụt

Trong nhiều thứ gắn liền với tuổi thơ của tôi có thấp thoáng hình ảnh những hàng rào hoa dâm bụt mà hôm nay hầu như biến mất ở những con đường, con hẻm của Sài Gòn.

Ngày xưa, học trò các trường tiểu học Công giáo được nghỉ ngày thứ năm. Tôi gia nhập đám bạn cùng xóm len lỏi những con hẻm để đến nhà thờ. Nhà thờ Chợ Quán cây xanh, bóng mát. Buổi sáng ngồi dưới tam cấp bên hông nhà thờ nghe cảm giác mát lạnh. Sân nhà thờ rộng, đất mịn rất hợp với trò chơi lò cò. Chúng tôi chơi suốt buổi đến gần 12 giờ trưa nhà thờ gõ chuông đọc kinh trưa. Tất cả chúng tôi cúi đầu ngoan ngoãn đọc kinh kể cả mấy đứa ngoại giáo nhưng học trường nhà thờ cũng kính cẩn đọc to lên. Rồi cả bọn về nhà ăn cơm, chiều tập hợp lại tiếp. Có thể là đi xem sách “cọp” ở những nhà sách hoặc quay lại sân nhà thờ chơi. Điều cần lưu ý là những ngôi nhà trong hẻm dẫn đến nhà thờ đều có những hàng rào hoa dâm bụt.

Người ta xây rào xi măng khoảng một thước, rồi đóng các cọc sắt, kéo dây kẽm gai hoặc kẽm thường và trồng hoa dâm bụt chung quanh. Trên đường đến nhà thờ, tiện tay bọn tôi cứ ngắt hoa dâm bụt. Ngắt đầy hai nắm tay để rồi lên nhà thờ dâng núi Đức Mẹ (*). Bà Phò, người Hoa, thờ Quan Công, biết chuyện mắng chúng tôi:

- Đừng hái trộm hoa dâng Thần Thánh mấy đứa nhỏ à. Muốn dâng phải mua hoa, hoặc hái hoa dại hoặc gõ cửa người ta xin. Của trộm cắp không tỏ lòng thành đâu.

Hoa dại Sài Gòn đâu có. Mà có cũng là hoa cỏ, mọc dọc theo hàng rào, hoa li ti, làm sao đẹp bằng hoa dâm bụt. Nhưng gõ cửa xin không những không được cho, còn bị mắng thêm. Rồi một lần, nhỏ bạn Mỹ Tâm thò tay vào trong ngắt một đóa dâm bụt thật đẹp bị kẽm gai kéo một đường dài. Chúng tôi hốt hoảng, một đứa có sẵn chiếc khăn mù xoa đặt lên vết xước dù máu chỉ ứa ra chút ít. Dì Tám thợ may là chủ nhà nghe xôn xao ngoài hiên vội chạy ra xem. Thấy có đứa bị thương, dì vội gọi vào hàng ba ngồi, lấy cồn, bông gòn, thuốc đỏ khử trùng.

Nhìn những chùm hoa dâm bụt dì đã hiểu, hỏi chúng tôi hái làm gì. Chúng tôi nói hái dâng Đức Mẹ. Thế là dì bảo cứ mỗi thứ năm, ghé dì cho hoa dâm bụt. Dì sẽ hái ở nhà dì và xin cả nhà hàng xóm, bởi hoa dâm bụt rất dễ trồng, ra hoa nhiều, không hái, hoa héo úa cũng uổng. Từ đó, cứ tầm 8 giờ ngày thứ năm, dì đón chúng tôi ngay cửa rào, trao cho chúng tôi những bó hoa dâm bụt được dì cột cẩn thận bằng những sợi vải vụn để dâng Đức Mẹ. Dì chỉ hiểu Đức Mẹ như Phật Bà trong đạo của dì. Một Đấng đáng để kính trọng và dâng hoa mỗi tuần. Bà Phò cũng vui khi biết hoa chúng tôi dâng Đức Mẹ không còn là của ăn trộm nữa.

Đầu năm đệ thất (lớp 6), sau một tuần làm quen với “môi trường” trung học đệ nhất cấp (cấp 2), chúng tôi bắt đầu hái hoa dâm bụt dọc bờ rào những ngôi biệt thự trên đường Võ Tánh (đường Nguyễn Trãi, Q1 hiện nay). Có lần, thấy tôi cầm một bó dâm bụt to, một anh lớp đệ nhất (lớp 12) dọa:

- Chết rồi, lát nữa thế nào chủ nhà cũng sẽ đến méc thầy giám thị cho coi.

Suốt buổi học hôm đó, dù đã “phân phát” hoa cho các bạn, tôi vẫn hồi hộp khi thấy bóng thầy giám thị lướt qua cửa lớp. Tim tôi muốn ngừng đập khi thầy giám thị mở cửa vào lớp điểm danh. Học trò ngày xưa sao ngây thơ và đáng yêu thế không biết!

Chương trình học ngày trước có một ngày trong tuần học sinh được nghỉ hai giờ đầu hoặc hai giờ sau trong thời lượng bốn tiếng đồng hồ trên lớp. Những ngày nghỉ hai giờ sau chúng tôi thường dùng để khám phá những “bí ẩn” trong những ngôi nhà ở đường Võ Tánh.

Sau những cơn mưa, nước tù đọng thành một vệt dài từ trong những con hẻm nhỏ ra hẻm lớn. Chúng tôi gọi là “con suối” và ngày nghỉ hai giờ sau, cả bọn lần theo “suối” để xem bắt nguồn từ đâu. Đi sâu vào con hẻm bên trong mới biết hẻm bị ngập nước, chỉ đến mắt cá chân. Đồng thời, cả bọn phát hiện hàng rào dài hoa dâm bụt.

Có hôm, chúng tôi vạch rào từng nhà, phóng con mắt non nớt nhìn trộm vào trong nhà người ta rồi trầm trồ:

- Hê tui bây, nhà này có cái giếng đẹp quá!

- Tụi bây ơi, nhà này có cái ghế gỗ đẹp ghê!

Nhiều lúc bị chủ nhà xách chổi lông gà ra dọa đuổi đi. Người lớn ngày xưa rất cảm thông với trẻ con, chỉ dọa chứ chẳng ai mắng chửi tục tằn hay đánh đập. Nhiều buổi sáng gần hè, sau hai giờ hái hoa thỏa thích, khát nước, chúng tôi hùn tiền mua nước mía cứ hai, ba đứa uống chung một ly. Có đứa tinh nghịch đề nghị ông Tàu bán nước mía:

- Tặng chú mấy đóa dâm bụt nè. Chú tặng lại tụi con ly nước mía đi.

Ông chỉ cười. Thế nhưng thay vì năm cắc một ly nhỏ, ông rót cho chúng tôi những ly trung đầy tận miệng. Và thản nhiên cầm những đóa dâm bụt rắc trên mặt kính thùng xe nước mía.

Tôi không nhớ mình thôi hái hoa dâm bụt dâng Đức Mẹ và nghịch ngợm thỏa thích trong những buổi nghỉ hai giờ sau từ lúc nào. Chỉ biết một hôm, nhỏ bạn bệnh. Tôi đến thăm. Nhìn nó thiêm thiếp, tôi lơ đãng đưa mắt lên bàn học và thấy tờ giấy trắng với hàng chữ: “Hình như đôi mắt anh ẩn hiện sau hàng dậu bên kia, mời gọi và trong sáng lạ lùng...”.

Nhìn ra cửa sổ bắt gặp một hàng rào hoa dâm bụt, thấp thoáng dáng người thanh niên cầm đàn rải từng nốt của ca khúc “Tuổi Đá Buồn”...Tôi biết chúng tôi không còn trẻ con để vô tư hái hoa dâm bụt bên bờ rào hàng xóm nữa. Mà hoa dâm bụt đã mang một ý nghĩa khác. Những đóa hoa đang che khuất tầm nhìn của người con gái đang yêu. Hoa vô tư đong đưa trước gió, kiêu hãnh vô cùng...

HOÀNG HẠC

______________________________________

*Trong sân những nhà thờ xưa thường có tượng Đức Mẹ Lộ Đức đặt ở núi đá giả.

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Bên hiên nhà ngụm một tách trà
Bên hiên nhà ngụm một tách trà
Cô em ở Phú Thọ vừa gởi cho gia đình tôi một gói lớn trà. Mẹ em có một quả đồi nho nhỏ trồng trà, đậu phộng, măng tre… này nọ. Cứ gần cuối năm, em thơm thảo tặng phương Nam chút lộc của đất trời.
Xa xứ, vẫn luôn giữ gìn tiếng Việt
Xa xứ, vẫn luôn giữ gìn tiếng Việt
Tôi vẫn nhớ rõ những ngày đầu gia đình nhỏ đặt chân đến xứ sở cờ hoa này. Mặc dù cũng đã chuẩn bị tâm lý và được sự hậu thuẫn của gia đình lớn, nhưng vợ chồng con cái chúng tôi cũng không tránh khỏi những lạc lõng ban...
Thời khắc đen tối trước bình minh
Thời khắc đen tối trước bình minh
Quan niệm của phương Tây về thời gian là dòng chảy một chiều, đã trôi qua là không trở lại. Thế nên triết gia Hy Lạp cổ Heraclitus mới có câu nói nổi tiếng: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”.
Bên hiên nhà ngụm một tách trà
Bên hiên nhà ngụm một tách trà
Cô em ở Phú Thọ vừa gởi cho gia đình tôi một gói lớn trà. Mẹ em có một quả đồi nho nhỏ trồng trà, đậu phộng, măng tre… này nọ. Cứ gần cuối năm, em thơm thảo tặng phương Nam chút lộc của đất trời.
Xa xứ, vẫn luôn giữ gìn tiếng Việt
Xa xứ, vẫn luôn giữ gìn tiếng Việt
Tôi vẫn nhớ rõ những ngày đầu gia đình nhỏ đặt chân đến xứ sở cờ hoa này. Mặc dù cũng đã chuẩn bị tâm lý và được sự hậu thuẫn của gia đình lớn, nhưng vợ chồng con cái chúng tôi cũng không tránh khỏi những lạc lõng ban...
Thời khắc đen tối trước bình minh
Thời khắc đen tối trước bình minh
Quan niệm của phương Tây về thời gian là dòng chảy một chiều, đã trôi qua là không trở lại. Thế nên triết gia Hy Lạp cổ Heraclitus mới có câu nói nổi tiếng: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”.
Bất hòa trong việc dạy con
Bất hòa trong việc dạy con
Mâu thuẫn trong cách dạy con là một trong những nguyên nhân dễ gây bất hòa giữa hai vợ chồng. Nói cho cùng, tất cả cũng xuất phát từ ý thức thương con, muốn cho con nên người, nhưng không phải ai cũng như ai khi dạy dỗ con. Nhiều...
Mau lớn, chậm trưởng thành
Mau lớn, chậm trưởng thành
Nhiều bạn nhỏ ngày nay không chỉ mau lớn về thể chất, mà còn rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin, hiểu rõ “quyền lợi” của mình, nhận thức được vị thế của bản thân trong gia đình.
Nhớ bà thành nếp nhà
Nhớ bà thành nếp nhà
Giờ, bà đã đi xa. Cả nhà tôi thường nấu những món bà thích, làm những việc bà thường làm, nhắc đến bà trong mọi chuyện. Nhớ đến bà trở thành một nếp nhà mỗi khi họp mặt đông đủ, chứ không chỉ riêng ngày giỗ hay vào tháng 11...
Giữ gìn chức năng của đường sách
Giữ gìn chức năng của đường sách
Mới đây, đường sách Vũng Tàu tạm ngừng hoạt động, trong sự tiếc nuối đan xen tiếng thở dài của những ai từng có dịp đặt chân tới đây.
Niềm vui cùng Luce
Niềm vui cùng Luce
Sự kiện Tòa Thánh Vatican công bố nhân vật biểu tượng cho Năm Thánh 2025 theo phong cách hoạt hình trẻ trung, đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Truyện một tâm hồn  người bạn đồng hành
Truyện một tâm hồn người bạn đồng hành
Dịp xưng tội, rước lễ lần đầu, chúng tôi được tặng một món quà, trong đó có tấm ảnh thánh bổn mạng của mình. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi được thấy hình ảnh xinh đẹp của chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu - bổn mạng tôi. “Tên...