Khi “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược ”

Dư luận xã hội hay lên tiếng phê phán chương trình giáo dục chung của Bộ Giáo dục với nhiều ý kiến khác biệt. Thế nhưng, ngay trong gia đình, với một đứa bé, chuyện dạy dỗ cũng đã có không ít mâu thuẫn xảy ra giữa những người trong nhà với nhau.

Chuyện giữa vợ và chồng

Đứng ngoài nhìn vào việc dạy dỗ con trẻ trong nhiều gia đình, tưởng như nhẹ tênh, song khi nghe người trong cuộc giãi bày, mới biết “chuyện trong chăn”. Chị Nguyễn Thị L, 37 tuổi (ngụ Q3, TPHCM) luôn khiến hàng xóm giật mình mỗi khi cậu con gây chuyện. Con trai chị 14 tuổi, đến chơi bất cứ gia đình nào trong xóm đều bị mọi người cảnh giác bởi cậu hay “chôm chỉa”. Mỗi lần lấy được thứ gì về, chị L. nhanh nhẹn mang đi bán để vừa tẩu tán, vừa kiếm chút đỉnh. Người chồng cấm con trai bằng những trận đòn, nhưng vợ lại la lên: “Ăn cắp ăn trộm nuôi cha nuôi mẹ không có tội!”.

Giáo dục là tập một thói quen, chị L. đã tập cho con trai một thói quen trộm cắp, nhưng người cha bất lực trước sự ngang ngược và “hoàn cảnh nghèo khó” của vợ mình.

Ngay chuyện học hành, những người cha, người mẹ cũng luôn gây nhau khi bất đồng trong suy nghĩ và mục tiêu giáo dục con mình. Anh Lê Minh Sơn, 35 tuổi (Q8, TPHCM) luôn muốn con trai mình chan hòa giữa học chữ và học đạo. Anh siêng năng đưa con đi học những lớp giáo lý dành cho thiếu nhi trong giáo xứ nhà và cả giáo xứ lớn như Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Q3). Thế nhưng người mẹ lại muốn con mình tập trung học hành để đoạt những danh hiệu học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố, thậm chí cả toàn quốc và quốc tế. Hai vợ chồng cứ luôn bất hòa và có nguy cơ rạn nứt chỉ vì người trọng danh, kẻ trọng đạo.

Dạy con thành người thế nào trong tương lai, ngoài trình độ, còn có sự quan trọng trong giáo dục nhân cách. Và điều này trong gia đình, đứa bé luôn bị giằng xé. Có nhà mà người cha muốn con cái hòa đồng với bạn bè hàng xóm, trong khi đó người mẹ lại muốn con “lựa bạn mà chơi” và phải lựa bạn học trường chuyên, lựa bạn cùng giàu có. Không ai còn ngạc nhiên khi nhiều gia đình, gương mặt ba mẹ đổi sắc khi “bạn” của con cái đến nhà. Bạn nghèo, gương mặt ba hoặc mẹ xụ xuống; bạn giàu có, mặt mẹ đôi khi giãn ra và mặt ba cau lại…

Không ít phụ huynh quan tâm đến cách ăn nói của con cái. Có nhà, người mẹ tập cho con trẻ gặp người lớn luôn chào hỏi, đi thưa về trình; người cha có khi lại gạt ngang: “Vẽ chuyện!”. Khi con phạm lỗi, nhiều người mẹ muốn ngọt ngào dạy dỗ con, cắt nghĩa cho con chuyện đúng sai trong hành động, song người cha lại thích la mắng to tiếng, thậm chí dùng roi. Thế là vợ chồng gây nhau. Họ quên rằng khi gây như vậy, người thắng và người thua đều thất bại trong việc giáo dục con vì trong mắt con, người cha không còn đáng kính khi bị vợ chửi tới tấp. Người mẹ cũng mất giá trong mắt con bởi đứa con nghe những lời thóa mạ từ người cha của mình. Ai cũng biết lúc cơn giận bốc lên, còn ai “giữ mồm giữ miệng” để bảo vệ danh dự cho nhau nữa, bởi cả hai đua nhau giành phần thắng…

Khi ông bà can thiệp vào việc giáo dục cháu

Vợ chồng sống riêng đã là khó cho việc thống nhất phương pháp giáo dục con. Việc dạy dỗ nặng nề hơn nếu gia đình nhỏ sống cùng mái nhà với gia đình lớn. Trong mắt ông bà, các cháu là “vật quý” và ba mẹ chúng lại luôn “bé nhỏ”, là con cái của họ. Có những người ông, người bà còn mang lỗi lầm hay nhược điểm của con mình ra nói trước mặt các cháu để bênh vực cháu với những câu đại loại như “Hồi mày còn nhỏ, còn hư hơn nữa, giờ bày đặt đánh dạy…”. Gia đình chị Nguyễn Minh Hà (Q5, TPHCM) cũng nằm trong tình huống này. Chị bức xúc: “Tôi muốn con mình lo học có gì sai đâu, vậy mà mẹ nỡ nói tôi hồi nhỏ có lo học đâu mà đòi con mình học giỏi…”. Theo chị, chính vì lúc nhỏ mình không siêng học, giờ mới muốn con cái không theo vết xe của mẹ ngày xưa. Với câu nói của bà ngoại thằng bé, chị không thể dạy con được, còn chồng chị thì mặc cảm “ở rể” nên cũng không muốn lên tiếng. Anh Lê Minh Thành, 35 tuổi (Q3) thì chán ngán kể, một lần con anh trốn học đi chơi khi thằng bé mới học lớp 5, anh bắt con nằm trên giường, chuẩn bị kể tội con để răn đe. Không ngờ cha của anh từ ngoài vào giật cây roi la lớn: “Anh lo anh đi. Anh đã có cái bằng cấp nào chưa, còn không tốt nghiệp nổi cấp 3 thì đòi hỏi con cái cái gì. Nó không lo học là giống anh đấy!...”.

Có những ông bố bà mẹ than thở con cái hỗn với mình cũng bởi được ông bà nội, ngoại “bắc thang”. Ông bà luôn cho rằng con cái dù đã trở thành cha mẹ cũng vẫn là “con”. Đã là con thì sao “mặc áo qua khỏi đầu” nên thoải mái la mắng cha mẹ của các cháu trước mặt chúng. Kết quả con cái đó chẳng xem đấng sinh thành ra gì vì với chúng, lúc còn bé, ba mẹ còn hư hơn mình…

Ông bà ta có câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Tuy nhiên, trong cuộc sống thực tế, con chưa chắc hư tại mẹ khi người cha thiếu kỹ năng dạy con và luôn khư khư giữ quan điểm giáo dục của mình. Và tương tự, chưa chắc cháu hư tại bà nếu người ông luôn lấy gương xấu của cha đứa cháu lúc nhỏ để so sánh và bênh vực cháu mình. Giáo dục là một nghệ thuật và đòi hỏi những tế nhị, lòng vị tha và sự cảm thông không chỉ của cha mẹ, mà cả của ông bà. Nên chăng trong gia đình, mọi người hãy tạm quên đi “cái tôi” và hãy luôn nghĩ “tất cả vì sự lớn lên và nên người của con, cháu” mà cùng đưa ra những phương pháp dạy dỗ tốt nhất, hiệu quả nhất?

NGUYỄN NGỌC HÀ

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” năm 2024
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” năm 2024
Chiều 14.10, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức họp báo thông tin về Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” năm 2024.
Ðừng “bình thường hóa” chuyện quấy rối!
Ðừng “bình thường hóa” chuyện quấy rối!
Một nữ nhân viên công sở, sau thời gian dài làm việc đã quyết định xin nghỉ. Cô không ngờ là trong số các đối tác, có người để ý cô từ lâu vì sự làm việc tận tụy, quan tâm, tạo nhiều cơ hội cho họ hợp tác.
Cốm xào tròn vị thu
Cốm xào tròn vị thu
Vào mùa thu mấy năm trước, trong một chuyến công tác vội vàng, tôi có dịp “chạm” vào Thu của Hà Nội, trong trời thu quyện hương cốm mới.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” năm 2024
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” năm 2024
Chiều 14.10, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức họp báo thông tin về Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” năm 2024.
Ðừng “bình thường hóa” chuyện quấy rối!
Ðừng “bình thường hóa” chuyện quấy rối!
Một nữ nhân viên công sở, sau thời gian dài làm việc đã quyết định xin nghỉ. Cô không ngờ là trong số các đối tác, có người để ý cô từ lâu vì sự làm việc tận tụy, quan tâm, tạo nhiều cơ hội cho họ hợp tác.
Cốm xào tròn vị thu
Cốm xào tròn vị thu
Vào mùa thu mấy năm trước, trong một chuyến công tác vội vàng, tôi có dịp “chạm” vào Thu của Hà Nội, trong trời thu quyện hương cốm mới.
Ngày xưa nhà nghèo nhưng toàn ăn “đặc sản”
Ngày xưa nhà nghèo nhưng toàn ăn “đặc sản”
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Bạc Liêu trù phú, từ bé tôi đã rành chuyện mò cua bắt ốc hái rau, nắng gió tưới tẩm suốt thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành.
Tháng 10 về, nhớ giờ đọc kinh đài năm ấy
Tháng 10 về, nhớ giờ đọc kinh đài năm ấy
Mỗi đền đài đều có giờ đọc kinh riêng. Ở xóm tôi, cứ 6 giờ tối sẽ có tiếng kẻng vang lên để mọi người tề tựu nơi những hàng ghế đá dưới chân đài. Tụi trẻ con thích tranh ngồi những ghế đầu, sau đó là các bà, các...
Ðừng gây áp lực cho con!
Ðừng gây áp lực cho con!
Thông thường, trẻ xuất thân từ gia đình nghèo khó, cha mẹ lao động cực nhọc, dễ bị áp lực phải học giỏi để vượt qua nghịch cảnh, bù đắp sự hy sinh của gia đình. Thế nhưng, với con nhà giàu, có cha mẹ giỏi, gia đình truyền thống...
Mỗi người có một lựa chọn khác nhau
Mỗi người có một lựa chọn khác nhau
Một cô gái trẻ đi tham gia cuộc thi nhan sắc và khả năng trình diễn sân khấu. Cô tự tin, dấn thân vào thế giới hào nhoáng của ánh đèn, của rực rỡ hôm nay và chưa biết ngày mai. Mạng xã hội và những chiêu trò truyền thông...
Người nhạc sĩ 40 năm dấn thân với ca đoàn
Người nhạc sĩ 40 năm dấn thân với ca đoàn
Được nhiều người biết đến với các sáng tác nổi tiếng như Hồn tôi khát Chúa, Cảm mến tình ngài, Tình yêu đó, Lấy chi đáp đền, Bên Mẹ La Vang…, nhạc sĩ Nhật Minh (tên khai sinh là Nguyễn Văn Minh) gắn bó với ca đoàn của giáo xứ...
Điều đọng lại ở các trung tâm hành hương kính Ðức Mẹ
Điều đọng lại ở các trung tâm hành hương kính Ðức Mẹ
Với mỗi tín hữu, viếng thăm các trung tâm hành hương kính Ðức Mẹ dường như không còn là chuyện xa lạ. Trong lòng từng người, ắt cũng sẽ có những ấn tượng khó phai với một vài nơi chốn thiêng liêng ấy…