Từ ngày 13.5 đến ngày 13.10.1917, Ðức Mẹ hiện ra với ba trẻ Jacinta, Francisco và Lucia tại Fatima, Bồ Ðào Nha. Trong ngày 13.7 năm ấy, Mẹ đã cho các trẻ này biết lệnh truyền của Mẹ gồm ba điểm chính: Hãy ăn năn tội - cải thiện đời sống; tôn sùng Trái Tim vẹn sạch của Mẹ và siêng năng lần hạt Mân Côi. Năm 1942, kỷ niệm 25 năm Ðức Mẹ hiện ra ở Fatima, Ðức Thánh Cha Piô XII đã dâng thế giới cho Trái tim Vô nhiễm Ðức Mẹ. Và ngày 4.5.1944, ngài loan báo mở rộng việc sùng kính trái tim Vô nhiễm Ðức Mẹ cho Giáo hội hoàn vũ. Tưởng cũng nên biết thêm rằng, việc sùng kính Trái Tim vẹn sạch Ðức Mẹ đã bắt đầu từ thế kỷ XII với thánh Ansenmô và thánh Bênađô; rồi tiếp đến có thánh Bênađinô thành Siêna, thánh Gioan Êuđô và nhiều vị thánh khác… Ngày 13.5 lại về - ngày của Mẹ, nhắc chúng ta đến lệnh truyền Fatima, thực hiện lệnh truyền ấy chúng ta dâng mình đền tạ Trái tim Mẹ qua lời kinh mà Giáo hội đã dạy:
Lạy Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Ðức Mẹ Ðồng trinh Maria, ngày hôm nay con xin dâng mình con, dâng sự sống con, dâng các việc lành con làm, dâng hết mọi sự thuộc về con, nhất là con xin bằng lòng chịu mọi sự khó Chúa định, có ý đền tạ Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội và đau đớn của Mẹ, bù lại những tội lỗi con, và tội lỗi mọi người xúc phạm đến Trái tim Mẹ, cùng Trái tim Chúa Giêsu Con Mẹ, cũng là như chính Trái tim Mẹ vậy.
Quả vậy, tình Mẫu tử của Mẹ Maria thật bao la thắm thiết. Chúng con phó thác và hiến dâng chúng con cho Trái tim Vô nhiễm Mẹ. Thật thế, chẳng có tâm tình nào ấm áp và dễ chịu cho bằng con sà vào lòng Mẹ chỉ để Mẹ yêu thương, mặc dù con nhận thấy rằng con đã làm phiền lòng Mẹ và con muốn đền đáp lại những lỡ lầm ấy. Với mẹ, chỉ cần con về bên mẹ, nép mình trong vòng tay yêu thương của mẹ là đã đủ. Ðó là tâm tình ngọt ngào của lời kinh: con dâng mình con, dâng sự sống con, dâng các việc lành, dâng sự khó Chúa định…
Công đồng Vatican II dạy rằng: “Các tín hữu liên kết với Ðức Kitô là đầu thì cũng kết hiệp với hết các thánh của Người, và cũng phải tôn kính trước hết là Ðức Maria vinh hiển trọn đời đồng trinh, Thân mẫu Ðức Giêsu Kitô, Thiên Chúa và Chúa chúng ta.”1 Ðức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nói:Trái tim Mẹ Maria đã luôn luôn theo sát sự nghiệp Con mình, và cũng đập cùng một nhịp thương mến đối với tất cả những ai mà Ðức Kitô đã và đang ấp ủ trong tình thương mến vô biên của Ngài. Tâm tình ấy cũng chính là những tâm tình mà lời kinh hướng dẫn chúng ta: Con xin hợp cùng những ai dâng mình đền tạ liên tiếp Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Mẹ. Nguyện xin Mẹ cho chúng con được vào ẩn náu trong Trái tim của Mẹ, và nhờ Trái tim Mẹ mà đến cùng Trái tim Cực thánh Chúa Giêsu Con Mẹ.
Ðức Trinh nữ hoàn toàn quy hướng về Ðức Kitô, nền tảng đức tin của Hội Thánh. Bước theo Ðức Kitô, Ðấng đã dành cho Thân mẫu của mình một vai trò rất đặc biệt trong nhiệm cục cứu độ, các Kitô hữucũng phải học biết tôn kính, yêu mến, cầu khẩn Ðức Mariahết sức đặc biệt như vậy. Thánh Tôma Kempi nói:Chúng ta có thể tìm một nơi ẩn náu nào bảo đảm hơn Trái Tim từ bi Mẹ Maria? Nơi đó, người khốn khó tìm được sự cứu giúp, kẻ ốm liệt tìm được thuốc thang, người sầu khổ tìm được sự ủi an, người xao xuyến tìm được lời khuyên răn, kẻ thất vọng tìm được sự trợ phù. Vì thế, kết thúc lời kinh chúng ta cầu xin:
Chúng con cũng xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa ban ơn tha thứ, và ơn thương xót xuống cho mọi người trên thế gian; cùng làm cho mọi người nhận biết và kính mến Trái tim Mẹ ở đời này, để ngày sau được hợp cùng Trái tim Mẹ, hát mừng tạ ơn Chúa Ba Ngôi trên nơi vĩnh phúc đời đời. Amen.
Ước gì chúng ta là những người con thảo của Mẹ, cũng luôn về nương ẩn trong Trái tim của Mẹ với trọn tâm tình yêu mến cậy trông để đền tạ những thiếu sót của chúng ta đã làm tổn thương Trái tim Mẹ.
Maria - Mẹ ngọt ngào!
Máng thông ân sủng tuôn trào chứa chan.
Maria - Mẹ cao sang!
“Trái tim vô nhiễm” cưu mang Ngôi Lời
Maria - Mẹ tuyệt vời!
Mẹ Ðấng Cứu Thế, đồng thời Mẹ con.
Con trao Mẹ, lòng sắt son,
Mẹ thương gìn giữ vẹn tròn tháng năm.
Nt. Maria Thérèse MINH THÙY, dòng Ðaminh Rosa Lima
_________________________________________________
1. Cđ Vat II, Hiến chế Ánh sáng muôn dân, số 52.
Bình luận