Nằm khiêm tốn cuối con đường Tam Đảo trong khu Cư xá Bắc Hải (quận 10, TPHCM), ngôi nhà đơn sơ ấy là nơi quây quần hơn 20 thành viên thuộc năm thế hệ của một đại gia đình
Ngũ đại đồng đường
Đó là nhà của cụ bà Nguyễn Thị Liễu, sinh năm 1913, giáo dân giáo xứ Tống Viết Bường. Cụ có cả thảy 7 người con (6 trai, 1 gái). Lẽ thường ở đời, mẹ hay sống cùng con trai và các nàng dâu, nhưng cụ Liễu thì khác, các con trai lập gia đình rồi lần lượt ra riêng, còn người con gái duy nhất là bà Chế Thị Cúc dù lấy chồng và có con, có cháu song vẫn gắn bó bên mẹ suốt bao năm qua trong cùng một mái nhà. Tết này, bà Cúc bước vào tuổi 76.
Cụ Nguyễn Thị Liễu với một số thành viên trong đại gia đình 5 thế hệ |
Đến thăm nhà cụ Liễu một ngày cuối năm, ngồi trong căn phòng chung của đại gia đình, cũng là nơi kê chiếc giường nhỏ của cụ, chúng tôi được nghe kể bao chuyện về nơi có “ngũ đại đồng đường” này. Ở tuổi ngoài “bách niên”, sức khỏe suy yếu nhưng trông cụ Liễu vẫn linh hoạt. Niềm vui của cụ mỗi ngày là đọc kinh, đọc báo Công giáo và xem tivi, thỉnh thoảng lại cùng con cháu chơi vài ván bài tứ sắc. Để chứng tỏ khả năng đọc vẫn còn “nhạy” của cụ, bà Cúc đưa cho mẹ quyển Nguyệt san Công giáo và Dân tộc gần đó, không ngần ngại, cụ Liễu chậm rãi đọc cho chúng tôi nghe một đoạn trong ấy.
Với chiều ngang 9 mét, dài 12 mét, căn nhà được chia thành nhiều phòng, kể cả gác bên trên. Mỗi phòng dành cho một gia đình nhỏ, có từ 4 đến 5 người. Đó là gia đình các con gái, các cháu ngoại của bà Cúc (bà có tất cả 11 người con). Cũng như mẹ mình, hầu hết con trai của bà lập gia đình ra riêng, trong khi các con gái lấy chồng lại cùng chàng rể về sống với mẹ và bà ngoại. Mỗi gia đình nhỏ tính ra là ba thế hệ, bởi trong đó, có người thành gia thất vẫn ở lại, có người ra riêng nhưng thường qua lại hằng ngày và gởi con cho ông bà ngoại trông coi. Chị Nguyễn Thị Thắm, người con gái thứ tư của bà Cúc hiện có ba cháu ngoại. Chị kể, hai con gái mình dù đã đi lấy chồng, nhưng chiều chiều vẫn ghé về ăn cơm với ba mẹ và gởi con ở đây phần lớn thời gian. Em gái kế chị Thắm cũng đã có cháu ngoại, gia đình nhỏ của người con ấy không ra riêng. Còn chị gái lớn dù định cư ở Mỹ nhưng hai con của chị (một trai, một gái) cũng vẫn ở đây với bà ngoại và bà cố. Trong đó, người con trai đã có vợ và mới sinh em bé được gần 4 tháng. Đây cũng chính là thành viên nhỏ nhất nhà.
Ở thế kỷ 21 này, hầu như các gia đình đều có xu hướng cho con cái ra riêng khi dựng vợ gả chồng. Được hỏi tại sao nhà bà Cúc vẫn quy tụ năm thế hệ sống cùng nhau như thế, bà nói: “Một phần do các con tôi không có điều kiện để mua nhà riêng mà ngôi nhà chung có thể tận dụng, chia phòng để ở được nên tôi và mẹ sẵn lòng cho các con, cháu ở cùng. Hơn nữa, tôi nghĩ đơn giản là con mình mất cha rồi, sống quây quần bên nhau cho vui…”.
“Bí kíp” sống vui vầy bên nhau
Cũng theo bà Cúc, dù có năm thế hệ sống cùng mái nhà song ít có xung đột xảy ra. Thỉnh thoảng, cũng có lúc không hiểu nhau nhưng rồi sau đó vui vẻ trở lại, sự giận hờn không kéo dài lâu. Bà tâm sự: “Tôi nhiều khi nóng tính, nhưng các con hiểu mẹ nên những lúc mình gặp chuyện “nổi nóng”, con cháu đều im lặng lắng nghe chứ không to tiếng hay cãi lại. Tính tôi không để bụng, con cháu có lỗi lầm gì, mình la rầy một chút rồi sẵn sàng tha thứ hết”. Có lẽ sự thông cảm và yêu thương giữa các thành viên trong đại gia đình, cùng với lòng đạo đức và niềm tin Kitô giáo bền vững chính là “bí kíp” để tạo một bầu khí hòa hợp của năm thế hệ dưới một mái nhà. Ở đó, có sự kính trên nhường dưới, sự san sẻ lẫn nhau trong những trách nhiệm chung. Mỗi gia đình nhỏ ăn riêng, còn bà Cúc ăn cùng mẹ và những người con độc thân; nhưng có món gì ngon, họ đều chia sẻ với nhau. Vui nhất là ba ngày Tết, mọi người cùng nấu ăn chung. Với đại gia đình này, một nồi thịt kho hột vịt to, có khi hơn 100 trứng cũng chỉ ăn trong ngày đã gần hết, bởi các con cháu dâu rể cùng quy tụ về, cả những người có gia đình ở riêng đây đó, cộng lại lên tới cả trăm nhân danh. Các thành viên trong nhà còn hùn tiền với nhau mua nguyên liệu về gói bánh tét. Mỗi cái Tết, cả nhà làm bánh từ 25 đến 30 kg nếp là chuyện thường.
Con cháu vui mừng được bà cố, bà ngoại lì xì Tết |
Nhớ về những khoảnh khắc hạnh phúc ngày Tết, các thành viên từ già đến trẻ của đại gia đình đều không quên được bầu khí ấm áp, rôm rả... Mọi người trong nhà cùng quây quần bên nhau từ tối giao thừa, mở bánh mứt ra, vừa ăn vừa uống trà, trò chuyện. Rồi mồng Một, họ thường thức dậy sớm để đi lễ đầu năm ở nhà thờ giáo xứ mình. Bắt đầu từ 8 giờ sáng là phần chúc tuổi, lì xì. Cụ Liễu tất nhiên là người quan trọng nhất nhà. Con cháu gần xa đến chúc Tết rất đông. Các cháu nhỏ vui vì được người lớn lì xì. Còn những người con, người cháu đã trưởng thành dịp này lại “mừng tuổi” bà, “mừng tuổi” cố… Cứ thế, căn nhà rộn ràng tiếng cười nói.
*
Nhìn lại đại gia đình, bà Cúc vẫn thầm cảm ơn Chúa và thấy mình có phước vì năm nay, ở tuổi 76 mà vẫn còn mẹ. Bà từng có lúc thật mệt vì có đông con, nhưng rồi con cháu lần lượt trưởng thành, lại cảm thấy vui, nhất là những lúc nhìn cảnh gia đình sum họp đầm ấm bên nhau. Trong lời nguyện đầu Xuân, cả cụ Liễu và bà Cúc đều cầu mong sự bình an cho cả nhà, con cháu làm ăn bền vững, và nhất là luôn giữ được đời sống đạo tốt lành.
Lan Giao
Bình luận