Công giáo tại Việt Nam sắp ghi dấu hành trình 500 năm tồn tại. Thời gian dài lâu là vậy nhưng có thể nói, nền thánh nhạc Việt thực sự hình thành và phát triển chỉ hơn kém một thế kỷ, đặc biệt trổi vượt khi có những tác giả bắt đầu được tiếp cận học thuật thế giới.
Theo thời gian, nhiều tên tuổi tác giả đã trở thành thân quen, ảnh hưởng sâu rộng. Làm sao quên được những nhạc phẩm quý báu của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh (Hà Nam), Sao Mai (Bùi Chu), Thiên Cung (Hải Phòng), Mẫu Tâm (Thái Bình), Phan Văn Minh (Sài Gòn)… trong buổi đầu, giữa lúc cần có những bài hát của người Việt với ngôn ngữ Việt trên nền tảng bình ca gần trăm năm trước. Ánh sáng của Công đồng Vatican II đã bật đèn xanh để sự thức tỉnh “cái tôi” văn hóa dân tộc, những nhạc sĩ Công giáo thời đó được dịp bùng phát mạnh mẽ. Các khúc ca với những kỹ thuật được trau chuốt và ồ ạt ra đời, phải kể đến những tên tuổi như Hoài Đức, Nguyễn Khắc Xuyên, Hải Linh, Hùng Lân, Đức Giám mục Nguyễn Văn Hòa, nhạc sư Tiến Dũng, Kim Long, Vinh Hạnh, Thiện Cẩm, Hoàng Kim, Xuân Thảo, Viết Chung...
Đối với các thế hệ này, việc viết thánh ca ngoài ý nghĩa diễn tả cảm xúc hay nỗi thao thức, còn làm nhiệm vụ quan trọng hơn mà cha Kim Long, trong một lần trò chuyện thừa nhận: “vì nhu cầu của Giáo hội”. Nhu cầu lúc này là có những ca khúc đủ dùng trong phụng vụ theo mùa, theo chủ đề, rồi sau đó mới tới sinh hoạt khác. Và trong suốt 50 năm trở lại đây, bên cạnh việc sử dụng những bài ca ban đầu nội tại, nền thánh nhạc Việt Nam cũng không ngừng vận động khi ra đời các ca khúc mới, thế hệ nhạc sĩ mới - mà giờ đây, sau nửa thế kỷ đã trở thành bậc lão luyện. Đó là những tên Duy Thiên, Thành Tâm, Nguyễn Duy, Mi Trầm, Tri Văn Vinh, Ân Đức… Nhắc về các tác phẩm đang được sử dụng rộng rãi hiện nay của các giáo dân - nhạc sĩ, sẽ là sơ sót nếu không nói tới P.Kim, Phanxicô, Ngọc Kôn, Giang Ân… nay đều đang đứng ở bên kia con dốc cuộc đời.
Chưa có một thống kê đầy đủ và chính xác nhất cho sự có mặt của các khúc ca nhạc đạo; chỉ biết rằng ngày nay, số lượng và chất lượng các ca khúc theo dòng thời gian vun đắp có thể đảm bảo để tự tin khẳng định rằng đã có một kho tàng thánh ca Việt Nam phong phú. Những lời ca vừa chuyển tải nội dung Tin Mừng, chất liệu để cầu nguyện; vừa chứa đựng những nét văn hóa, đời sống và tinh thần người Việt. Đạo lý, truyền thống cao đẹp của dân tộc được khéo léo kết hợp với các thông điệp từ Lời Chúa làm thành những bài học nhẹ nhàng mà sâu sắc. Dù viết nhạc dựa trên nền tảng bình ca, một số bài cũng có điểm riêng khi vận dụng các cung bậc thang âm của người Việt, làn điệu từng vùng miền…
Trong cái nhìn văn hóa, để duy trì nền thánh nhạc Việt Nam có sức sống bền bỉ, song hành sự hiện diện đức tin trên đất Việt trong tương lai xa, vẫn cần các gương mặt nhạc sĩ Công giáo trẻ tiếp nối. Muốn làm được điều này, có lẽ đã đến lúc đầu tư khám phá các nhân tố mới và đào luyện nghiêm túc, kỹ lưỡng, giúp họ lĩnh hội và phát huy hơn nữa. Việc đặt hy vọng sự kế thừa, phát triển của thánh nhạc vào thế hệ trẻ không phải là thiếu cơ sở khi các điều kiện mài giũa chuyên môn ngày một đầy đủ. Có chăng trong nền nghệ thuật thánh, vấn đề cơ bản là trau dồi “chất thánh” nơi người viết để mỗi nhạc phẩm từ lúc hoài thai để hình thành đều mang tính thánh thiện, tinh thần phục vụ.
Thiên Khôi - TPHCM
Bình luận