Trong sử thi Ấn Độ Mahabharata, 5 anh em nhà Pandava từng bị phe đối địch Kaurava dùng mưu hèn lừa gạt, chiếm mất vương quốc, phải chịu lưu đày 13 năm. Trên chặng đường phiêu lưu ấy, đã có lúc 4 người em Pandava suýt mất mạng vì uống nước ở cái ao có quỷ dạ xoa canh giữ. Quỷ dạ xoa bảo anh cả Yudhishthira nếu muốn cứu họ thì phải trả lời đúng hết các câu đố của nó. Chàng đồng ý và cứu được các em. Một trong những câu hóc búa là: “Điều đáng kinh ngạc nhất thế gian là gì?”, chàng đáp: “Đó là ai cũng biết cái chết là tất yếu, nhưng dù chứng kiến bao sinh mệnh mất đi, con người vẫn sống như thể mình bất tử và không hề chuẩn bị cho cái chết”.

Lời đáp này làm quỷ dạ xoa hài lòng, đồng thời khiến hậu thế phải ngẫm nghĩ.
Các nền văn minh cổ đại như Ai Cập, Hy Lạp, Ấn Độ đều coi cái chết không phải là điều gì đáng sợ, mà là một phần của sự sống. Sử thi Gilgamesh của vùng Lưỡng Hà - tác phẩm văn học cổ xưa nhất mà nhân loại tìm được - cũng nêu lên bài học về sự mong manh, ngắn ngủi của sinh mệnh. Đức vua trẻ Gilgamesh mang dòng máu á thần, được số mệnh vô cùng ưu ái, nhưng không thể sống mãi. Vì thế, ngài ghen tị với thần linh, luôn tìm kiếm bí quyết bất tử, cố chống lại cái chết. Tuy nhiên, sự ra đi của người bạn chí cốt và việc để vuột mất phương thuốc trường sinh đã làm nhà vua ngộ ra bài học sâu sắc: Cái chết là sự thật hiển nhiên, không thể trốn tránh. Nhưng con người vẫn có thể bất tử chừng nào họ còn được nhớ đến và di sản của họ còn được duy trì, tiếp nối đến muôn đời sau.
Thời cổ đại, cõi âm bị khắc họa là nơi âm u, lạnh lẽo, chứa đầy những hình phạt dành cho tội nhân. Tuy vậy, con người thời đó vẫn kính trọng các vị thần cai quản âm giới, coi cái chết là bình thường, thậm chí sẵn sàng đón nhận nó. Tiếc thay, thời nay rất nhiều người lại sợ hãi và lảng tránh cái chết. Hình ảnh tử thần mặc áo choàng đen, tay cầm lưỡi hái, vốn là biểu tượng cho đại dịch “Cái chết đen”, đã hằn sâu vào tiềm thức bao thế hệ rằng cái chết đi kèm với đau thương, tang tóc. Chiến tranh, thiên tai, nhân họa, bệnh tật, sự cô đơn và niềm đau ly biệt… càng tô đậm thêm nỗi sợ đó. Bên cạnh những người sợ chết, cũng có những kẻ quên mất đời người hữu hạn nhường nào, cứ mải mê hưởng thụ thú vui riêng, tranh giành đấu đá hoặc theo đuổi tiền tài, địa vị. Tới lúc tử thần gõ cửa thì ân hận, nuối tiếc cũng đã muộn.
Vậy cần sống thế nào để bình thản đối diện với hồi kết đời mình? Đáp án tùy thuộc vào mỗi người.
Có người chọn thái độ điềm tĩnh, an nhiên tựa người phu lạc đà trong cuốn “Nhà giả kim” của Paulo Couelho. Khi cả đoàn buôn có nguy cơ gặp cướp trên sa mạc, chỉ có ông là ung dung: “Tôi vẫn sống như từ trước tới giờ. Nghĩa là khi ăn, tôi không làm gì khác ngoài ăn. Khi chạy, tôi không làm gì khác ngoài chạy. Rồi nếu phải có đánh nhau thì cái ngày tôi chết vẫn đẹp như mọi ngày khác. Tôi không sống trong quá khứ hay tương lai. Tôi chỉ có hiện tại và chỉ quan tâm tới hiện tại”.
Cũng có người muốn đón nhận cái chết như tù trưởng da đỏ Aupumut: “Vào giây phút ra đi, đừng để trái tim mình ngập tràn nỗi sợ hãi, khóc than và cầu nguyện giá như được ban tặng một cuộc đời nữa để sống khác đi. Hãy hát bài ca chào cái chết và ra đi giống như một người hùng quay trở về cố hương”.
Chắc chắn rằng khi công nhận cái chết là lẽ tất yếu, tâm hồn ta sẽ nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Cái chết không đối nghịch với sự sống, ngược lại vì biết sinh mệnh ngắn ngủi, ta mới càng thấy trân trọng và hết mình.
__________________________
(*) Tên sách của tác giả Phạm Lữ Ân
Ths-Bs Lan Hải
Bình luận