Những câu chuyện xung quanh hang Massabielle - Lộ Đức (P40)

LỘ ĐỨC, THÀNH PHỐ HÒA BÌNH

Khai sinh nhóm Pax Christi - Bình an của Chúa Kitô

Ngày 10 tháng 12 năm 1944

Trong Vương Cung Thánh Đường Saint-Caprai d’Agen lạnh lẽo, một phụ nữ cầu nguyện thật lâu sau khi rước lễ. Là giáo sư văn chương cổ điển của trường nữ trung học của thành phố, đã kết hôn và là mẹ của một gia đình đông con, bà Marthe Dortel - Claudot cũng có một đời sống thiêng liêng sâu sắc. Từ hai tháng qua, một nhu cầu cấp bách lớn dần trong tâm hồn bà, mạnh hơn một chút sau mỗi lần bà rước Chúa vào lòng : Cần phải tái thiết nước Đức. Đức Kitô đã chết cho họ cũng như cho tất cả mọi người khác.

Bà Marthe Dortel - Claudot

Ngày này qua ngày khác, khi cầu nguyện trong thinh lặng, Thiên Chúa ban cho bà Marthe niềm xác tín này : bà phải cầu nguyện và mời gọi mọi người cầu nguyện cho nước Đức, cho dù nó như thế nào đi nữa. Một sự can đảm phi thường ! Bởi vào cuối năm 1944, khắp nơi ở châu Âu, nước Đức bị quân đội đồng minh đánh cho tơi tả, máy bay đồng minh không ngừng dội bom lãnh thổ nước này, tất cả đều muốn hủy diệt đất nước mà theo họ phải chịu trách nhiệm về sự tàn ác, dã man của chế độ quốc xã do Adolf Hitler cầm đầu. Cầu nguyện cho kẻ thù. Cả con người của Marthe đều từ chối làm việc này. Là người cộng hòa xác tín, bà đã cùng với chồng dấn thân vào việc chống lại những người làm phương hại đến đất nước của bà. Cả hai ông bà tổ chức những mạng lưới che giấu tất cả những người bị Đức Quốc Xã săn đuổi : các tù nhân vượt ngục, người Do Thái, những người phản đối lao động khổ sai ở Đức. Lúc ấy, cầu nguyện cho những kẻ độc ác, man rợ là điều không thể được, vì vượt quá sức của bà.

Tuy nhiên, càng cầu nguyện, niềm xác tín trong tâm hồn bà Marthe càng lớn hơn. Do đó bà quyết định trình bày với cha sở của mình, linh mục Dessorbès, đồng thời cũng là cha linh hướng của bà. Đối với ngài, sự ghê tởm mà người phụ nữ trẻ này cảm thấy có một tầm quan trọng đặc biệt. Bà nói với cha sở đó là suy nghĩ nghiêm túc của mình. Lời khuyên của ngài rất đơn giản : Hãy đi tìm những người khác và cùng cầu nguyện với họ. Bà Marthe chinh phục được hai bà có đời sống thiêng liêng sâu sắc như bà. Một bà vợ góa của một sĩ quan đã tử trận, bà khác là con gái của một người bị lưu đày ! Cùng với bà Marthe, họ sốt sắng cầu nguyện cho nước Đức được chữa lành khỏi bệnh suy thoái luân lý và tôn giáo do 12 năm sống dưới chế độ quốc xã của Hitler.

Cha Dessorbès theo dõi sát sao những bước đầu tiên của công việc này, ngài khuyên bà Marthe đi đến đan viện Cát Minh ở Agen để cầu nguyện. Vì thế, bà Marthe lấy hết can đảm để trình bày với Mẹ Bề trên Anne-Marie du Sacré-Coeur dự định của mình. Mẹ tiếp đón bà Marthe khá lạnh nhạt, và lúc đầu Mẹ từ chối nhưng sau đó thay đổi ý kiến và bị thuyết phục vì sự xác tín của người phụ nữ trẻ. Không chỉ các nữ đan sĩ tại đan viện Cát Minh ở Agen hợp ý với bà Marthe trong lời cầu nguyện, mà còn được Mẹ Bề trên giới thiệu đến tất cả các đan viện Cát Minh trên toàn nước Pháp để xin cầu nguyện. “Chính bà được Chúa ban ơn”, mẹ Anne-Marie đã thốt lên như vậy; còn bà Marthe thì rất ngạc nhiên vì sự thay đổi đột ngột này. Như vậy sau cha Dessorbès, Mẹ Bề trên đan viện Cát Minh ở Agen nhận ra Chúa Thánh Thần đang tác động nơi bà Marthe.

Cha sở thúc giục người phụ nữ trẻ xin một giáo sĩ đứng đầu phong trào để tăng thêm uy tín. Cuối cùng, Đức cha Théas, Giám mục giáo phận Montauban chấp thuận đứng đầu phong trào mới vào ngày 13 tháng 3 năm 1945. Bản thân ngài cũng có kinh nghiệm thiêng liêng về sự tha thứ khi cử hành thánh lễ cầu cho binh sĩ Đức, lúc đó là tù binh chiến tranh ở Compiègne. Một lần nữa bà Marthe nghe nói về điều đó khi rời nơi này : Chính Chúa Thánh Thần đã sai bà.

ĐGM Théas

Bà Marthe có thói quen giới thiệu dự án của bà như một cuộc Thập tự chinh bằng cầu nguyện cho nước Đức. Nhưng bây giờ bà cần phải đặt tên cho phong trào. Bà cố gắng tìm tên khi đang đi nghỉ với gia đình ở Moutauban, nhưng vô ích. Người cậu nơi bà tá túc đã có cách giải quyết khi gợi ý : Pax Christi (Bình an của Chúa Kitô). Tất cả mọi người đều tán thành với đề xuất rất hợp lý đó.

Lúc bấy giờ, phong trào phát triển thật nhanh chóng. Bà Marthe và gia đình biên soạn và xuất bản ba tháng một lần tờ nội san của phong trào. Trẻ em được giao trách nhiệm phân phối những số báo chất đầy nhà các em. Trong năm 1945, số đầu tiên với hai ngàn bản ra mắt mọi người, nhưng đến lễ Các Thánh nam nữ đã tăng lên sáu mươi ngàn. Báo La Croix đã đưa ra một tổng kết về phong trào vào tháng 6, quả quyết sự phát triển vượt bậc là nhờ lời cầu nguyện của các đan sĩ Cát Minh.

Ở hải ngoại, chẳng bao lâu sau người ta nghe nói về sáng kiến này và Đức Tổng Giám mục Westminter viết thư tán dương gởi bà Marthe. Bỉ, Thụy Sĩ rồi Đức hiệp thông với lời cầu nguyện quốc tế. Đức Tổng Giám mục Fribourg tuyên bố vào tháng 11 năm 1946 : “Nước Đức cần lời cầu nguyện của cả thế giới biết bao !”. Thật ra, dân tộc Đức rất nghèo và bị bại trận, nhưng niềm tin Kitô giáo vẫn sống động. Kể từ năm 1947, một thành công vang dội làm nức lòng mọi người, khi tờ báo phát hành trong cả nước Pháp và nước Đức.

Tháng 8 năm 1947, phong trào Pax Christi bén rễ ở Lộ Đức. Không có gì phải ngạc nhiên, vì Đức ông Théas, người chịu trách nhiệm của phong trào, vừa được bổ nhiệm làm Giám mục. Không có nơi nào tốt hơn Lộ Đức, nơi mọi người có thể đến cầu nguyện, để làm phát triển phong trào còn non trẻ này. Năm 1948, cuộc hành hương của phong trào Pax Christi đã được tổ chức trong Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức; có ba mươi ngàn người hiện diện, trong số đó có mười ngàn người thuộc hai mươi sáu quốc gia khác nhau gồm Tây Ban Nha, Ý, Anh, Đức, Moraves, Ucraina, Rumani và những người Ba Lan mới tị nạn ở vùng Tây Đức… Sứ điệp được Đức cha Théas gởi đến quả quyết là tất cả mọi người đều có trách nhiệm phải hoàn thành việc xây dựng hòa bình, sau cuộc chiến tranh tàn khốc : “…Tất cả mọi quốc gia đều có tội; cả nhân loại đều là kẻ có tội, vì chúng ta liên đới trách nhiệm trong cuộc thế chiến vừa qua…”. Đức Hồng y Frings, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Cologne (Đức) nhận định như sau : “…Sau cuộc chiến tranh kinh tởm vừa rồi, xem ra người Đức mang trên trán của mình dấu chỉ của Cain và mất tất cả mọi phẩm giá con người. Họ bị khinh bỉ và thù ghét...”.

Lộ Đức trở nên nơi phong trào trổ sinh lớn : năm 1953, một Văn phòng Thường trực được thành lập ở đó khi đã ngày càng lan rộng, cầu nguyện cho tất cả mọi đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Quy chế phi chính phủ cho phép phong trào có mặt trong cơ quan UNESCO (Cơ quan giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc), ONU (Liên Hiệp Quốc), và Liên minh châu Âu. Những cuộc vận động và các buổi hội thảo giúp cho nhiều người biết đến phong trào, nhờ lời cầu nguyện của sáu mươi ngàn thành viên trong năm nước. Trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Piô X tại Lộ Đức, có một nhà nguyện dành riêng cho phong trào. Mỗi ngày suốt mùa hè, khách hành hương được mời gọi cầu nguyện một vài phút cho hòa bình thật sự trên toàn thế giới.

…Cầu cho chúng con là kẻ có tội,khi này và trong giờ lâm tử…

Lm INHAXIÔ HỒ VĂN XUÂN

tin liên quan

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” năm 2024
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” năm 2024
Chiều 14.10, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức họp báo thông tin về Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” năm 2024.
Ðừng “bình thường hóa” chuyện quấy rối!
Ðừng “bình thường hóa” chuyện quấy rối!
Một nữ nhân viên công sở, sau thời gian dài làm việc đã quyết định xin nghỉ. Cô không ngờ là trong số các đối tác, có người để ý cô từ lâu vì sự làm việc tận tụy, quan tâm, tạo nhiều cơ hội cho họ hợp tác.
Cốm xào tròn vị thu
Cốm xào tròn vị thu
Vào mùa thu mấy năm trước, trong một chuyến công tác vội vàng, tôi có dịp “chạm” vào Thu của Hà Nội, trong trời thu quyện hương cốm mới.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” năm 2024
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” năm 2024
Chiều 14.10, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức họp báo thông tin về Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” năm 2024.
Ðừng “bình thường hóa” chuyện quấy rối!
Ðừng “bình thường hóa” chuyện quấy rối!
Một nữ nhân viên công sở, sau thời gian dài làm việc đã quyết định xin nghỉ. Cô không ngờ là trong số các đối tác, có người để ý cô từ lâu vì sự làm việc tận tụy, quan tâm, tạo nhiều cơ hội cho họ hợp tác.
Cốm xào tròn vị thu
Cốm xào tròn vị thu
Vào mùa thu mấy năm trước, trong một chuyến công tác vội vàng, tôi có dịp “chạm” vào Thu của Hà Nội, trong trời thu quyện hương cốm mới.
Ngày xưa nhà nghèo nhưng toàn ăn “đặc sản”
Ngày xưa nhà nghèo nhưng toàn ăn “đặc sản”
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Bạc Liêu trù phú, từ bé tôi đã rành chuyện mò cua bắt ốc hái rau, nắng gió tưới tẩm suốt thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành.
Tháng 10 về, nhớ giờ đọc kinh đài năm ấy
Tháng 10 về, nhớ giờ đọc kinh đài năm ấy
Mỗi đền đài đều có giờ đọc kinh riêng. Ở xóm tôi, cứ 6 giờ tối sẽ có tiếng kẻng vang lên để mọi người tề tựu nơi những hàng ghế đá dưới chân đài. Tụi trẻ con thích tranh ngồi những ghế đầu, sau đó là các bà, các...
Ðừng gây áp lực cho con!
Ðừng gây áp lực cho con!
Thông thường, trẻ xuất thân từ gia đình nghèo khó, cha mẹ lao động cực nhọc, dễ bị áp lực phải học giỏi để vượt qua nghịch cảnh, bù đắp sự hy sinh của gia đình. Thế nhưng, với con nhà giàu, có cha mẹ giỏi, gia đình truyền thống...
Mỗi người có một lựa chọn khác nhau
Mỗi người có một lựa chọn khác nhau
Một cô gái trẻ đi tham gia cuộc thi nhan sắc và khả năng trình diễn sân khấu. Cô tự tin, dấn thân vào thế giới hào nhoáng của ánh đèn, của rực rỡ hôm nay và chưa biết ngày mai. Mạng xã hội và những chiêu trò truyền thông...
Người nhạc sĩ 40 năm dấn thân với ca đoàn
Người nhạc sĩ 40 năm dấn thân với ca đoàn
Được nhiều người biết đến với các sáng tác nổi tiếng như Hồn tôi khát Chúa, Cảm mến tình ngài, Tình yêu đó, Lấy chi đáp đền, Bên Mẹ La Vang…, nhạc sĩ Nhật Minh (tên khai sinh là Nguyễn Văn Minh) gắn bó với ca đoàn của giáo xứ...
Điều đọng lại ở các trung tâm hành hương kính Ðức Mẹ
Điều đọng lại ở các trung tâm hành hương kính Ðức Mẹ
Với mỗi tín hữu, viếng thăm các trung tâm hành hương kính Ðức Mẹ dường như không còn là chuyện xa lạ. Trong lòng từng người, ắt cũng sẽ có những ấn tượng khó phai với một vài nơi chốn thiêng liêng ấy…