MẶT TRỜI TRƯỚC GIÔNG TỐ
Bế mạc Năm Thánh Cứu Độ
Ngày 28 tháng 4 năm 1935
Trong năm hồng ân này, Đức Giáo Hoàng Piô XI thường đề cập đến sự trùng hợp thú vị vì trong năm 1933, Lộ Đức cũng kỷ niệm 75 năm Đức Mẹ hiện ra (1858-1933). Ngài muốn tổ chức lễ bế mạc Năm Thánh trên thế giới tại hang Massabielle. Vì thế, ngài đã cử đến Lộ Đức vị Hồng y Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh, với tư cách là đặc sứ của Đức Giáo Hoàng.
Đức Hồng y Eugenio Pacelli |
Vào lúc 15 giờ, Đức Hồng y Pacelli đi đến Hang Đá. Một nụ cười rạng rỡ làm rực sáng gương mặt dễ thương của ngài. Ngài mặc lễ phục trang trọng nhất, nhưng tâm hồn ngài thật khiêm tốn lúc cử hành thánh lễ, và lời cầu nguyện của ngài chỉ là lời tạ ơn.
Trong khi ca đoàn hát bài Ca nhập lễ, ngài tiến đến bàn thờ và cung kính hôn bàn thờ. Từ ba ngày ba đêm vừa qua, các linh mục liên tục dâng thánh lễ trên bàn thờ này. Một trăm ba mươi chín lần, giữa đôi bàn tay của các linh mục kế tiếp nhau, bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Chính Đức Hồng y Pacelli được vinh dự cử hành thánh lễ thứ một trăm bốn mươi của Tam Nhật Vượt Qua này. Chốc nữa đây, khi ngài xướng câu “Lễ xong, chúc anh chị em ra đi bình an”, Năm Thánh chính thức kết thúc.
Ngồi ở hàng linh mục đầu tiên tham dự cuộc cử hành cuối cùng này, Đức cha Pierre-Marie Gerlier cũng cảm thấy hạnh phúc như Đức Hồng y Rôma. Kể từ những lần Đức Mẹ hiện ra với Bernadette, ngài tin chắc rằng chưa bao giờ Lộ Đức có những lúc vô cùng hoành tráng và hết sức cảm động như ba ngày vừa qua. Ba ngày tràn ngập ân sủng và ánh sáng. Ba ngày đặc biệt. Ba ngày tạm thời quên đi bóng đen của chiến tranh đang lảng vảng trên toàn châu Âu, mặc cho những nỗ lực của nhiều người thiện chí cố thu xếp cho chiến tranh đừng xảy ra !
Giống như Đức Hồng y Pacelli, Đức cha Gerlier lướt nhìn đám đông đến tham dự lễ bế mạc Năm Thánh. Một đám đông không thể đếm xuể. Tuy nhiên, nhóm phục vụ cũng cố gắng đưa ra một con số : hơn hai trăm năm mươi ngàn người vội vã tập họp bên ngoài Hang Đá, và trên đồng cỏ Ribère, đối diện với Hang Đá phía bên kia sông Gave, đám đông này đến từ khắp nơi trên thế giới với nhiều tiếng nói khác nhau, gợi nhớ ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (lễ Ngũ tuần) ở Giêrusalem xưa.
Quả thật, Đức Giáo Hoàng Piô XI mời gọi tất cả các nước gởi đại diện đến Lộ Đức để tham dự thánh lễ long trọng này. Vì vậy, khách hành hương đến từ các nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Á và châu Đại Dương. Tất cả đều kinh ngạc vì đã đến được nơi Đức Mẹ từng hiện ra, họ thành kính và chăm chú lắng nghe bài diễn văn dài mà Đức Hồng y đặc sứ của Đức Giáo Hoàng công bố.
Đức cha Gerlier |
Xuất thân từ giai cấp quý tộc ở Rôma, Đức Hồng y Pacelli diễn đạt tư tưởng bằng một thứ tiếng Pháp không thể chê vào đâu được. Theo thói quen, ngài nói trước các Kitô hữu có những suy nghĩ rất rõ ràng và xác tín vào Ơn Cứu Độ. Nhiều khách hành hương ngoại quốc có thể không hiểu gì cả, nhưng họ không cảm thấy mình bị loại trừ ra khỏi thánh lễ. Ơn Cứu Độ hoàn toàn có tính cách phổ quát, tất cả mọi người đều nhận được ân sủng trong Năm Thánh này, đặc biệt là trong những ngày sống tại Lộ Đức! Chăm chú lắng nghe giọng nói hùng hồn và nhiệt thành của diễn giả, họ nhìn ngài nói, mà không hề biết rằng ngài sẽ là vị Giáo Hoàng tương lai của họ. Khi Đức Giáo Hoàng Piô XI qua đời năm 1939, Đức Hồng y Eugenio được bầu chọn làm Giáo Hoàng mới với danh hiệu là Piô XII.
Đức cha Gerlier cũng ngỏ lời với khách hành hương. Bài diễn văn của ngài là một lời cám ơn tất cả mọi người : các Đấng đã cho phép tổ chức thánh lễ này. Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng y đặc sứ, những người tổ chức các lễ nghi, khách hành hương đến từ bốn phương trời…, và không quên cảm ơn chị Bernadette, mới vừa được phong hiển thánh hai năm trước, vị thánh mà ngài có lòng tôn kính đặc biệt.
Năm Thánh đã kết thúc thật tốt đẹp. Đức Hồng y đặc sứ lên xe lửa trở về Rôma. Bây giờ ngài lại lo lắng về tình hình thế giới, và tất cả thành viên trong Phủ Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh đều đồng cảm với ngài. Vào năm 1935, Tòa Thánh rất quan tâm đến những mối quan hệ quốc tế. Trong bối cảnh đó, Ơn Cứu Độ là một tư tưởng đem lại niềm an ủi to lớn cho tất cả những ai tin vào Thiên Chúa. Khi nhìn những đoàn khách hành hương người Pháp diễu hành qua trước mặt, khi đi dọc ga xe lửa để gặp gỡ đám đông đến tiễn biệt, Đức Hồng y Pacelli cố gắng chỉ nghĩ tới việc từ giã đám đông mộ mến. Việc đó giúp ngài cảm thấy bình an trong tâm hồn, để rồi chẳng bao lâu nữa ngài phải đối diện với những vấn đề ngoại giao hết sức phức tạp. Trong khi chờ xe lửa lăn bánh, những hình ảnh dễ thương ở Lộ Đức xuất hiện đi xuất hiện lại trong tâm trí của ngài, giống như để minh họa cho lời tuyên bố của Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Côrintô : “Hỡi tử thần, chiến thắng của ngươi ở đâu”.
…Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử.
Lm INHAXIÔ HỒ VĂN XUÂN
Bình luận