Giải bài toán thất nghiệp
Trong nắng chiều gay gắt, chúng tôi tìm đến nhà chị Mang Thị Chuyển, người đồng bào Raglai tại địa phương, một hình ảnh khá vui bắt gặp là các thành viên trong gia đình cùng quây quần làm bột đánh răng tại nhà, một sản phẩm từ than hoạt tính. Sự tỉ mỉ của các thành viên có thể cảm nhận được qua từng cử chỉ khéo léo và nét mặt tập trung để bụi than không bị đổ ra ngoài. Thỉnh thoảng, những câu chuyện và tiếng cười giòn phá lên, đầy ấm áp. Chị Chuyển tiếp khách với sự niềm nở, thân tình: “Nhờ làm than hoạt tính mà gia đình bây giờ có nguồn thu nhập ổn định hơn, cuộc sống cũng đỡ lo một chút. Bà con ở đây khi tham gia cũng đang thấy được hiệu quả”. Thật vậy, một số gia đình đã có thu nhập tương đối, trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Thực tế này trái với hoàn cảnh trước đây vài năm, khi không ít người trong độ tuổi lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp kéo dài.
Nhắc đến Sông Phan (xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), ai đã từng ngang qua hẳn sẽ liên tưởng ngay đến vùng đất khô cằn đầy nắng gió. Nơi đây là khu vực sinh sống của cộng đồng 6 dân tộc với tổng số hơn 3.000 hộ, trong đó người Kinh chiếm đa số, còn lại là các dân tộc Gia Rai, Chăm, K’Ho, Ê Đê, Hoa với hơn 250 hộ. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, số ít buôn bán, dịch vụ, nhưng phần lớn vẫn còn nhiều khó khăn vì điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng không thuận lợi. Cuộc sống ngày qua tháng lại vẫn còn nhiều bấp bênh. Trước tình hình đó, nhóm Caritas giáo phận Phan Thiết, dưới sự hỗ trợ của các nữ tu thuộc hội dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết, vốn là những người đã hiện diện, đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số tại đây từ lâu, đã cùng ngồi lại và tìm ra phương án trợ giúp, nhằm mong góp phần cải thiện đời sống kinh tế cho bà con. Một ý tưởng khá độc đáo mà nhóm nghĩ tới là làm than le hoạt tính để mang lại thu nhập cho người sắc tộc nghèo. Nữ tu Matta Nguyễn Thị Kiều Loan, lý giải, lợi thế của vùng là có thể tìm nguồn nguyên liệu phong phú. Thay vì đốt để bán than củi với giá rẻ, họ đã được gợi ý thay đổi mô hình sang làm than le hoạt tính, rồi tiếp tục chế tạo thành các sản phẩm xanh - sạch để phát triển kinh tế cách bền vững hơn. “Rất may mắn, từ khi khởi sự, dự án đã có các nhà hảo tâm đồng hành, tài trợ và tìm nguồn ra cho sản phẩm”, sơ nói.
Vượt qua khó khăn
Hành trình để cho ra đời sản phẩm than le hoạt tính khởi sự từ việc băng rừng lội suối để tìm, chặt những cây le đủ già, bó lại và vận chuyển về nhà bằng xe máy. Công việc này đòi hỏi sức khỏe, mạnh mẽ, vì những bó le nặng, hơn nữa lại rất vướng víu khi di chuyển trong rừng. Và như vậy, thường thì những người đàn ông phụ trách. Trong sân nhà mình, nghỉ tay một chút, anh Thông Long, người dân tộc Chăm chia sẻ với chúng tôi về đặc thù của nghề: “Chặt được cây le cực lắm, rồi thì chở về nữa, phải canh chừng ngày nào không mưa mới đi được. Có khi vô rừng gặp mưa, chạy xe chở thêm bó le giữa đường trơn trợt rất là nguy hiểm. Những ngày mưa nhiều, đi lấy cây phải rất cẩn thận, thậm chí có lúc ngán ngẩm, nhưng vì công việc làm nên phải cố gắng”. Cây le sau khi đưa về hộ gia đình sẽ được cưa thành từng đoạn dài từ 10-15cm, sau đó nung trong lò đất đắp kín miệng ở nhiệt độ 800 độ C trong suốt 48 tiếng để tạo thành than le hoạt tính. Sơ Kiều Loan hồi tưởng, những tháng ngày ban đầu luôn gặp khó khăn, nhất là trong việc nắm bắt phương pháp: “Trở ngại lớn đầu tiên là ở đây chưa hề có ai biết cách đốt than le để làm than hoạt tính, khác với đốt than củi thông thường. Do đó, phải hư mất nhiều mẻ than, khi thì bị cháy quá, khi lại sống quá. Hư hao bước đầu mọi người mới để ý hơn, có được bài học quý cho những lần về sau có thể làm tốt”. Anh Thông Long dù đã khá quen tay với công việc, nhưng khi trò chuyện vẫn không giấu được sự lo ngại: “Lúc làm than, điều tôi tập trung chú ý nhất là đốt than le này sao cho đạt yêu cầu, hiệu quả. Sản phẩm có chất lượng thì bán ra thị trường, khách hàng mới biết than le của mình, tiêu thụ nhiều. Nhưng cũng may mắn qua thời gian, mình cũng hiểu được phương thức cơ bản rồi, cũng đã có vài kinh nghiệm. Có thắc mắc thì chúng tôi đã được trợ giúp, hơn nữa các anh em ở gần nhau, người này chỉ người kia cách làm, học hỏi lẫn nhau”.
Không chỉ dừng lại ở việc đốt than, Caritas còn hướng dẫn bà con chế tạo các sản phẩm từ than le bao gồm muối tắm có công dụng tẩy tế bào chết; bột đánh răng và baking soda làm trắng răng cũng như túi hút ẩm, thanh lọc không khí. Nhờ tham gia dự án này, hiện tại đời sống bà con tại vùng đã có những tín hiệu mới, lạc quan. Chị Chuyển bày tỏ mong ước, nghe qua sao thật giản dị: “Hy vọng chương trình càng mở rộng để giúp thêm nhiều người ở quê mình”.
Được biết các sản phẩm từ than hoạt tính của cộng đồng sắc tộc Sông Phan sẽ được gởi tham dự cuộc thi “Dự án khởi nghiệp xanh” năm 2024 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức trong thời gian sắp tới.
“Qua mô hình, cộng đồng sắc tộc vùng sông Phan có một công việc tạm xem là chính hay ít ra cũng mang lại giá trị kinh tế cho nhiều người và có thể giúp giải quyết được tình trạng thất nghiệp. Các thành viên trong Caritas Phan Thiết cảm thấy vui vì những vất vả mà bà con đổ ra để tạo nên sản phẩm gặt hái chút thành công, bằng chứng là đang được thị trường đón nhận. Tôi cũng mong chương trình duy trì trong thời gian dài”. Nt Matta Antôn Nguyễn Ngọc Vân Anh, |
Vân Uyên
Bình luận