Trung tuần tháng 6.2020, Bộ Kế hoạch Ðầu tư và Văn phòng Chính phủ đưa ra 2 phương án phân vùng kinh tế để lấy ý kiến các tỉnh, thành trong cả nước, rất được dư luận quan tâm. Có nhiều ý kiến khác nhau vì mỗi phương án đều có những mặt tích cực riêng. Tuy nhiên theo tôi, việc phân vùng kinh tế mục đích cuối cùng là tạo động lực phát triển kinh tế cho vùng, bởi vậy không quá đặt nặng về yếu tố lịch sử, văn hóa, mà nên đặt yếu tố liên kết nền kinh tế giữa các thành viên được xếp cùng một vùng, cũng như trình độ phát triển kinh tế giữa thành viên vùng phải tương đồng mới thúc đẩy nhau cùng phát triển.
Về mặt địa lý, không thể nói Long An và Tiền Giang là Ðông Nam Bộ, vì thực tế vùng đất này nằm hẳn phía Tây Nam Bộ, nhưng lại tiếp giáp TP.HCM, được coi là vành đai phía tây của thành phố lớn nhất nước này; hay như Lâm Ðồng là vùng Tây Nguyên theo địa hình nhưng vị trí địa lý lại tiếp giáp Ðông Nam Bộ. Bởi vậy, tính hợp lý để thuyết phục và sẽ tạo đồng thuận cao trong việc phân vùng kinh tế là phải thay đổi tên gọi. Khi nghe vùng Ðông Nam Bộ có Bình Thuận, Lâm Ðồng hay cả Long An, Tiền Giang thì từ một em học sinh cũng có thể phản ứng, vì thực tế trên bản đồ và được học trái ngược. Nhưng nếu gọi vùng Ðông Nam Bộ mở rộng mà trung tâm là TP.HCM như đề xuất của Bộ Kế hoạch Ðầu tư với tên gọi là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì chắc chắn sẽ có sự đồng thuận rất cao.
Ðương nhiên, đề xuất của Bộ Kế hoạch Ðầu tư là dựa trên thực tế phát triển và tính liên kết kinh tế của các tỉnh trong vùng đề xuất. Về kinh tế thì các tỉnh như Bình Thuận, Lâm Ðồng, Long An, Tiền Giang đang ở mức tiệm cận GRDP trong bình quân đầu người với các tỉnh Ðông Nam Bộ hiện nay, cũng như có nhiều tương đồng về tốc độ tăng trưởng. Tính kết nối qua giao lưu kinh tế, sản xuất tiêu thụ và hệ thống giao thông giữa các tỉnh này trên thực tế đang có sự gắn kết cao.
Xét về mặt giao thông, các tuyến quốc lộ kết nối Lâm Ðồng với các tỉnh Tây Nguyên rất hiểm trở và yếu kém hạ tầng, kết nối trong giao thương kinh tế không cao. Ðắc Lắc, Ðắc Nông, Gia Lai, Kon Tum khi kết nối giao thương với các vùng kinh tế khác như cảng biển Qui Nhơn, Ðà Nẵng hay về TP.HCM đều không qua Lâm Ðồng, trong khi Lâm Ðồng được coi là tỉnh có nền nông nghiệp đa dạng mà thị trường tiêu thụ chính là các tỉnh Ðông Nam Bộ, nguyên liệu đầu vào có sự gắn kết chặt chẽ với các tỉnh phía Nam. Khoảng cách và thời gian di chuyển từ Lâm Ðồng về các tỉnh Ðông Nam Bộ rất ngắn, quốc lộ 20 đã được nâng cấp và được coi là trục xương sống của việc kết nối, trong tương lai cao tốc Dầu Giây - Ðà Lạt được xây dựng thì thời gian để vận chuyển hàng hóa từ Lâm Ðồng về vùng Ðông Nam Bộ và các cảng biển sẽ càng thu ngắn nhiều hơn. Hằng tuần hai thành phố của Lâm Ðồng là Ðà Lạt và Bảo Lộc thu hút hàng trăm ngàn khách du lịch, mà chủ yếu là đến từ vùng Ðông Nam Bộ vì là vùng có dân số đông và khoảng cách, thời gian di chuyển ngắn.
Việc phân vùng kinh tế đang trong giai đoạn lấy ý kiến, và mục đích của việc phân vùng là tạo động lực để phát triển kinh tế cho các vùng. Thiết nghĩ việc phân vùng kinh tế sắp tới đây phù hợp và sát với thực tế để thực sự tạo động lực trong phát triển đất nước.
QUỐC DŨNG
Bình luận