Cuối thời Đông Hán, Tào Tháo chỉ huy quân tiến đánh Trương Tú ở Nam Dương. Binh sĩ của ông phải hành quân dưới cái nắng gay gắt, xung quanh là đất đai khô cằn. Sau ba ngày liên tiếp không được uống nước, tinh thần quân lính giảm sút rõ rệt, nhiều người bắt đầu bất mãn chủ tướng. Thấy vậy, và biết sẽ làm gây ảnh hưởng xấu đến trận chiến sắp tới, nên Tào Tháo liền nghĩ ra một kế.
Ông chỉ về phía trước, loan báo với toàn quân: “Đừng sốt ruột! Nói cho các ngươi nghe, nơi này ta đã từng đi qua, đi thêm một đoạn đường nữa là có thể nhìn thấy một rừng mơ rất lớn. Mơ ở đó rất nhiều, vừa ngọt vừa chua, giải khát rất tốt”.
Nghe ông nói, ai cũng phấn chấn hẳn lên, tưởng tượng ra vị chua ngọt của quả mơ mà chảy nước miếng. Họ có thêm động lực bước tiếp, háo hức nghĩ rằng chỉ cần đi thêm một đoạn nữa, mình sẽ tới được rừng mơ. Nhờ niềm tin đó, quân đoàn của Tào Tháo vượt qua chặng đường gian nan nhất, cuối cùng tìm thấy nguồn nước.
Câu chuyện khu rừng mơ về sau trở thành câu thành ngữ “vọng mai chỉ khát” (nhìn mơ đỡ khát) của Trung Hoa, chỉ những ảo tưởng không có thật, những cái bánh vẽ do con người tạo ra để an ủi bản thân. Nhưng nhìn ở mặt tích cực, ảo tưởng không phải lúc nào cũng xấu, nhất là khi nó tạo ra niềm tin và hy vọng cho con người vượt qua nghịch cảnh.
Có một cô bé lớn lên trong tình thương của người mẹ đơn thân, cha cô hội tụ đủ “tứ đổ tường”, bỏ vợ con đi với bồ nhí từ nhiều năm trước. Vì bà mẹ phải quần quật kiếm tiền, hai mẹ con hầu như chỉ gặp nhau một lúc vào buổi tối trước lúc đi ngủ. Thấy mẹ chịu bao áp lực cơm áo gạo tiền, cô gái không dám nói ra việc mình bị bắt nạt, cô lập ở trường. Cô cũng không dám đánh lại lũ bắt nạt, sợ phải làm kiểm điểm hoặc bị đuổi học, khiến mẹ thêm buồn lòng. Cô cũng chưa từng nghĩ quẩn hay làm điều gì dại dột, dù có lúc cũng cảm thấy rất chán chường. Mỗi ngày, cô đều tìm ra chút niềm vui nhờ chương trình hoạt hình dài tập trên tivi. Nhờ vậy mà cô luôn tiếp tục tiến về phía trước, cốt chỉ để ngày hôm sau có thể xem tiếp diễn biến bộ phim. Đôi khi niềm hy vọng của cô lại đến từ những cuốn truyện tranh. Khi bị nhấn chìm trong quá nhiều biến cố và đau buồn, cô thường nhủ thầm: “Cố lên! Ít nhất mình phải sống để xem tập cuối của bộ phim, bộ truyện đó!”.
Có người cho rằng cô gái là kẻ chìm trong thế giới ảo, thay vì mạnh dạn bước ra khỏi chính mình, tự thay đổi bản thân cho năng động hơn. Vậy nhưng đối với cô, thế giới ảo chính là rừng mơ trĩu quả mà Tào Tháo dùng để khích lệ binh sĩ năm xưa. Chính các nhân vật trong hoạt hình, truyện tranh đã giúp cô chống lại hiện thực u ám thời còn nhỏ, nuôi dưỡng niềm tin về một tương lai tốt đẹp. Nhờ chút mộng tưởng nhỏ nhoi ấy, cô đã vượt qua tuổi thơ và tuổi dậy thì đầy sóng gió, cứ thế kiên trì bền bỉ mà trưởng thành. Khi đã đủ chín chắn, cô nhìn lại quãng đường đã qua, thầm cảm ơn “rừng mơ” đã góp phần nâng đỡ mình tiến xa như vậy.
Vì tin phía trước có rừng mơ nên binh sĩ của Tào Tháo mới vượt qua hoang mạc, tìm thấy nguồn nước. Nhờ có hy vọng, ước mơ và niềm tin mà cô gái ấy mới không chịu thua bao nghịch cảnh. Suy cho cùng, như thi sĩ người Anh William Cowper đã từng nói: “Cái ngày đen tối nhất rồi cũng sẽ trôi qua, nếu bạn sống tới ngày mai”.
Bs Lan Hải
Bình luận