Một vài tuần cận Tết, bầu khí xao động của những ngày cuối năm len lỏi vào từng gia đình.
Nhiều nét văn hóa vẫn còn hiện diện từ thành thị đến thôn quê, trên các vùng miền với nhiều vật phẩm, ẩm thực và sinh hoạt đặc thù như chợ Tết, tiễn đưa ông Công ông Táo, hoa Tết, đường hoa, mâm ngũ quả, tất niên, đón Giao thừa, đòn bánh tét, cái bánh chưng, hũ hành kiệu, thịt đông - kho tàu, phố ông đồ, câu đối đỏ, phong bao lì xì, hái lộc, xin xăm, xông đất, xuất hành…
Một số khác đã dần mai một hoặc tồn tại lác đác ở vài nơi hay chỉ còn trong ký ức như tràng pháo, tranh Đông Hồ, sêu Tết (người con rể tương lai mang lễ đến biếu bố mẹ vợ), Tết trưởng tộc, các trò chơi dân gian như cờ người, thi vật, đá gà…
Bầu khí gia đình là nét đẹp ý nghĩa truyền đời. Những người làm ăn phương xa lũ lượt về quê với hành trang và quà Tết cho người thân, tạo nên những thời khắc nôn nao trong cộng đồng.
Sáng mùng Một, nét gia phong ý nghĩa là con cháu quây quần chúc tuổi ông bà, cha mẹ, bày tỏ lòng biết ơn các bậc sinh thành, dưỡng dục. Trong ba ngày đầu năm, mọi người tỏa đi chúc những người ruột thịt, dòng tộc, láng giềng, bạn bè với những điều tốt lành cho năm mới. Ngay cả với những người mới gặp cũng vẫn vui vẻ và chân thành chúc nhau. Khi có người quen đến nhà chúc Tết thì chủ nhà tiếp đãi vui vẻ, thân mật. Tục lệ này ẩn chứa tình người dù thân hay sơ.
Tôi có những kỷ niệm khắc sâu thời thơ ấu, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua mà mỗi khi nhớ lại vẫn thấy hồn lâng lâng. Ngày đó, vào những ngày cuối tháng Chạp, ba mẹ tôi hoặc nhờ các con mang lễ đi Tết các bậc vai trên trong họ tộc, rồi sáng mùng Một, cả nhà cùng các gia đình chú cô tụ tập nơi nhà bác Cả chúc tuổi nhau và ăn Tết. Lũ trẻ chúng tôi thích chí với khoản tiền lì xì, í ới vui chơi, đùa giỡn. Khi trưởng thành tôi mới hiểu, dù ông bà đã khuất, bề dưới và con cháu vẫn giữ lề thói chúc Xuân bác Cả vai trò “quyền huynh thế phụ”.
Năm đầu tiên lập gia đình, cha mẹ hai bên đôn đốc vợ chồng trẻ đi “Tết mới” như một hình thức nhận họ. Chúng tôi chuẩn bị một phần lễ đơn giản và đến nhà những bậc trưởng thượng chúc tuổi. Phần lễ này được nhận và cho lại, dù chỉ mang tính chất tượng trưng nhưng đây là một tập tục gây nhiều cảm xúc cho đôi vợ chồng vừa bước vào cuộc sống hôn nhân.
Riêng với người Công giáo, trong thánh lễ Giao thừa hoặc tân niên, mọi người tề tựu “chúc tuổi” Chúa và các vị mục tử coi sóc đoàn chiên. Cộng đoàn giáo hữu thành tâm tôn kính, ca ngợi Thiên Chúa tạo dựng muôn loài và cầu xin Ngài đổ tràn hồng ân thánh hóa cho mỗi người trong năm mới; cầu chúc các chủ chăn luôn dư tràn ơn Chúa và tiếp tục quan tâm dìu dắt, xây dựng cộng đoàn yêu thương và lan tỏa Tin Mừng. Các tín hữu còn hái lộc đầu Xuân là Lời Chúa hoặc giáo huấn của Giáo hội, như một ý lực sống trong năm.
Văn hóa Tết là kho báu tinh thần của người Việt được hình thành, chắt lọc và lưu truyền qua các thế hệ, trong đó sẽ có những phôi pha và những trường tồn, nhưng tinh thần họ tộc, láng giềng, các mối quan hệ và nhiều sắc thái Tết riêng biệt của người Việt sẽ mãi lưu dấu với thời gian.
HOÀNG ANH
Bình luận