Thủ đô Jakarta của Indonesia đối mặt những thách thức đến từ biến đổi khí hậu, buộc nước này phải xây dựng một thành phố thủ đô khác ở cách đó hơn 1.000km.
Jakarta đang đối mặt với bão khí hậu và những thách thức môi trường nghiêm trọng đến mức chính phủ phải quyết định “dời đô” đến nơi an toàn hơn.
Mô hình Nusantara |
Lượng mưa tăng mạnh, tình trạng ngập lụt kéo dài, mực nước biển dâng lên, đất lún. Tất cả những điều này đang đẩy siêu đô thị này của Đông Nam Á đến ngưỡng không còn đủ sức đảm bảo cuộc sống ổn định cho hơn 10,5 triệu dân. Các chuyên gia dự báo rằng có thể 25% diện tích thành phố, nằm trên mũi tây của đảo Java, sẽ chìm dưới nước vào năm 2050. Vì thế, chính phủ Indonesia sẽ chào tạm biệt Jakarta và di dời thủ đô đến Nusantara, một đô thị cách đó hơn 1.000km thuộc tỉnh Đông Kalimantan của đảo Borneo.
Việc dời đô là nhiệm vụ đầy khó khăn cho bất kỳ nước nào. Dù vậy, Indonesia vẫn tiếp tục đạt được tiến triển tốt. Tổng thống Joko Widodo lên kế hoạch tổ chức hoạt động mừng ngày độc lập thứ 79 của Indonesia ở thủ đô mới vào tháng 8.2024. Khi ấy, dự kiến những phần cốt lõi của cơ sở hạ tầng Nusantara cho 500.000 dân ban đầu sẽ được hoàn tất.
Ông Bambang Susantono, cựu Bộ trưởng Giao thông đang đứng đầu việc phát triển thành phố thủ đô mới, tỏ ra lạc quan với tiến độ của dự án. “Tại Nusantara, chúng tôi áp dụng các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu với quy mô lớn”, ông viết trên mạng xã hội. Theo đó, 65% diện tích thành phố sẽ tiếp tục duy trì trạng thái rừng nhiệt đới. Ông cho rằng khi hoàn tất, Nusantara sẽ là ví dụ điển hình cho cách thức các thành phố và những quốc gia có thể ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu.
Jakarta lún quá nhanh |
Tạm biệt Jakarta, chào mừng đến Nusantara
Al-Jazeera dẫn lời giáo sư Edvin Aldrian của Cơ quan Phân tích và Ứng dụng Công nghệ BPPT Indonesia nhận định việc dời thủ đô là câu hỏi lớn đối với nhiều người. Một số người cho rằng xây dựng thủ đô mới có lẽ chẳng giải quyết rốt ráo được vấn đề, vì chuyển chỗ cũng không ngăn được tình trạng mưa cực đoan và ngập lụt, được dự báo sẽ còn gia tăng trong thời gian tới, dù là ở Jakarta hay Nusantara cũng vậy. “Tôi lo ngại rằng hiện đã xảy ra tình trạng ngập lụt ở nhiều nơi của Kalimantan thuộc đảo Borneo”, ông nói.
Giáo sư Aldrian cảnh báo khoảng 40% diện tích Jakarta thấp hơn so với mặt nước biển và phần phía của thành phố đang lún với tốc độ 4,9 cm/năm. Nạn lún xảy ra chủ yếu do thành phố rút nước ngầm. Dù mưa lớn có thể bổ sung những mạch nước ngầm trong lòng đất, thế nhưng kiến trúc đô thị với các vành đai bê tông ngăn chặn nước di chuyển được đến tầng sâu ngậm nước, khiến hệ thống nước ngầm bị cạn kiệt, trong khi đường phố ngập nước. Cùng lúc đó, mực nước biển lại dâng lên. Cơn bão vào đêm giao thừa năm mới 2020 biến Jakarta thành hồ bơi khổng lồ trong vòng vài giờ là minh chứng cho thách thức đến từ biến đổi khí hậu.
Giáo sư Aldrian kể lại một số khu vực chứng kiến mưa mật độ lên đến 377mm trong một ngày, kích hoạt trận lụt thuộc dạng tồi tệ nhất trong lịch sử cho Jakarta. “Bạn lâm vào tình trạng thúc thủ. Bạn bị cô lập trong nhà… Xe cộ không thể di chuyển, điện, viễn thông bị gián đoạn, còn nguồn nước uống bị nhiễm bẩn. Vấn đề không phải diễn ra trong thời gian lũ lụt, mà đến từ công tác dọn dẹp và xử lý khi mọi thứ chấm dứt”, ông chỉ ra.
Tổng thống Widodo thăm vị trí đặt thủ đô mới |
Những siêu đô thị bị lún ở châu Á
Những gì diễn ra ở Jakarta cũng đang gây tác động cho các siêu đô thị khác ở Nam Á và Đông Nam Á. Cuộc nghiên cứu gần đây do Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) dẫn đầu cho thấy các thành phố ven biển đang lún nhanh hơn những phần khác của thế giới. Trong số này có thể kể đến TPHCM (Việt Nam); Yangon (Myanmar); Chittagong (Bangladesh), Thiên Tân (Trung Quốc) và Ahmedabad (Ấn Độ). Cũng như Jakarta, những thành phố này đối mặt với mực nước biển tăng.
Học tập từ câu chuyện của Jakarta, các nhà quy hoạch thành phố Nusantara muốn tạo nên một vùng đô thị xanh, có thể ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Giai đoạn đầu tiên, dự kiến hoàn tất vào năm 2024, sẽ cho phép di dời các cấu trúc then chốt của chính quyền, bao gồm văn phòng tổng thống. Giai đoạn hai sẽ kéo dài đến một thập niên, từ năm 2025 - 2035, để phát triển nền tảng thủ đô. Theo sau là giai đoạn 3 từ năm 2035 - 2045, phát triển cơ sở hạ tầng tổng thể. Còn giai đoạn cuối cùng là thiết lập danh tiếng của Nusantara là “thành phố toàn cầu cho tất cả”.
Kế hoạch bao gồm xây dựng toàn bộ nhà cao tầng thân thiện môi trường, 80% hoạt động đi lại của thành phố dưới dạng đi bộ, đạp xe; toàn bộ các cơ sở quan trọng phải nằm trong bán kính 10 phút di chuyển đến các nút giao thông công cộng chính. Người dân tiếp cận không gian xanh cũng như dịch vụ xã hội, cộng đồng ở khoảng cách 10 phút từ nhà. Nusantara đặt mục tiêu không đói nghèo vào năm 2035, và đạt 100% kết nối kỹ thuật số trên toàn thành phố.
Năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng toàn bộ nhu cầu năng lượng của thành phố, Nusantara cũng dự kiến đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2045. 10% diện tích thành phố quy hoạch cho sản xuất lương thực, 60% số lượng chất thải được tái chế vào năm 2045, trong khi 100% nước thải sẽ được tái chế. Thành phố cũng đặt mục tiêu lọt vào danh sách 10 thành phố hàng đầu về chỉ số sống tốt trên toàn cầu năm 2045.
Ước tính chi phí xây dựng thủ đô mới là hơn 34 tỷ USD.
BẠCH LINH
Bình luận