Mỗi xứ đạo đều không thiếu những người có tay nghề, có trình độ chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực. Cùng lắng nghe để tìm ra những phương cách nhằm thu hút họ góp sức vào việc chung để làm cho giáo xứ phát triển hơn.
CHA SỞ LÀ NGƯỜI NỐI KẾT
Ông Nguyễn Huy Chương (Gx Lực Ðiền, GP Phú Cường): Giáo xứ tôi vừa khánh thành công trình núi Ðức Mẹ La Vang. Từ khi chuẩn bị khởi sự, cha chánh xứ đã kêu gọi những người có tay nghề xây dựng trong xứ chung tay. Tôi nhận thấy mọi người đều rất nhiệt tình, hy sinh thời gian công sức của mình để cùng làm mọi sự tiến hành nhanh chóng, thuận lợi hơn. Cha sở cũng đã tổ chức một bữa ăn chung cho mọi thành phần trong địa bàn xứ không phân biệt lương giáo vào ngày 13 mỗi tháng bắt đầu từ ngày 13 tháng 8 năm nay. Ðây là dịp để ngài cũng như anh em trong Hội đồng Mục vụ được hiểu biết hơn về anh chị em và làm tăng thêm sự gắn kết trong xứ đạo. Từ những sự kiện ấy, tôi hiểu rằng trong xứ luôn luôn có những người có trình độ chuyên môn và rất sẵn lòng cộng tác. Ðiều quan trọng là cần có sự quy tụ, nối kết, hòa hợp những khác biệt của cha xứ hay các hội đoàn để công việc tiến hành trôi chảy.
THÊM HĂNG HÁI KHI ÁP DỤNG ÐƯỢC NHỮNG ÐIỀU MÌNH BIẾT VÀO VIỆC CHUNG
Chị Ðặng Thiện Ngọc Trúc (Gx Lạc Quang, TGP TPHCM): Tôi cảm thấy may mắn vì vừa là giáo lý viên ở giáo xứ và vừa là một giáo viên ở xã hội. Ðược rèn giũa kỹ năng chuyên môn ở 4 năm đại học cộng thêm kinh nghiệm 1 năm đi làm, tôi được biết nhiều phương pháp dạy học của quốc tế, lấy học sinh làm trung tâm, khuyến khích học sinh tự tìm tòi, đặt vấn đề để giải quyết vấn đề, tự rút ra bài học… Với những hiểu biết đó, khi được là một thành viên trong Ban đại diện Giáo Lý viên của xứ đạo, tôi hỗ trợ các bạn đang đứng lớp ở khối Khai tâm hay Rước lễ xây dựng lại chương trình phù hợp với lứa tuổi các em. Tôi cho rằng, việc dạy giáo lý cũng quan trọng như dạy kiến thức ở trường vậy. Kiến thức giúp con người phát triển, thăng tiến hơn trong cuộc sống và giáo lý giúp trẻ tin và yêu mến Chúa nhiều hơn, sống gần Chúa hơn. Tôi cảm nhận được tình yêu Chúa dành cho bản thân và cảm thấy hăng hái rất nhiều khi đem những gì mình được học ngoài xã hội áp dụng trong sinh hoạt nhà thờ. Ðó là động lực để tôi tiếp tục tìm tòi thêm nhiều phương pháp và cách thức mới để có thể áp dụng cho việc dạy giáo lý cũng như dạy tại trường.
BIẾT VIỆC, BIẾT MÌNH, BIẾT NGƯỜI
Ông Nguyễn Ðình Trúc (Gx Thị Nghè, TGP TPHCM): Hồi tham gia Hội đồng Mục vụ xứ đạo, tôi được cha sở tạo điều kiện thuận lợi. Ngài hiểu được tôi phải đi dạy tại trường Sư phạm ban ngày nên sắp xếp những buổi họp vào buổi tối cũng như lên những chương trình để tôi có thể có mặt đầy đủ mà không bị ảnh hưởng đến công việc ngoài xã hội. Tôi nghĩ rằng, dù ở cương vị nào hay có khả năng ra sao, thì khi chấp nhận góp sức cho xứ đạo cần phải biết việc, biết mình và biết người. Phải hiểu được những định hướng của Giáo hội, của xã hội, của giáo xứ để làm cho đúng. Phải biết thế mạnh, điểm yếu của mình cũng như biết anh em xung quanh cần gì để nhận, phân công công việc phù hợp. Tất cả những yếu tố trên khi thực hiện tốt sẽ không chỉ giúp cho các sinh hoạt chung được diễn ra thuận lợi mà còn làm cho mỗi người được thăng tiến nhiều hơn.
HỘI ÐỒNG CHUYÊN MÔN
Anh Nguyễn Minh Sang (Gx Bùi Chu, GP Xuân Lộc): Tại nhiều nơi, khi giáo xứ tổ chức chương trình hay chuẩn bị xây dựng một công trình nào đó thì linh mục chánh xứ đều thông báo rộng rãi để mọi giáo dân được biết và mời những ai có tay nghề, kinh nghiệm làm việc thích hợp đến tham gia. Tùy theo khả năng cá nhân, họ có thể là thành viên trong hội đồng chuyên môn để cố vấn cho cha sở những phương pháp thực hiện tốt nhất, hay trực tiếp bắt tay vào làm việc. Chính cha xứ là người sắp xếp cho họ có thể cộng tác thường xuyên hay ngắn hạn tùy thuộc vào lịch làm việc cá nhân. Nhờ đó, vị chủ chăn họ đạo tiết kiệm được nhiều thời gian và không phải loay hoay xoay sở nếu gặp phải lĩnh vực mình chưa am tường. Ðồng thời, qua những công việc đó, mọi người sẽ cảm nhận được rõ ràng hơn sự gắn kết với giáo xứ mình sinh sống, sẽ thêm yêu mến và tự hào khi được góp phần cho sự phát triển của xứ đạo.
SỰ GÓP SỨC CỦA NHỮNG NGƯỜI ÐÃ NGHỈ HƯU
Chị Tăng Thị Kim Phương (Gx Jeanne d’Arc, TGP TPHCM): Việc mời gọi người có chuyên môn làm việc chung thường hay gặp khó khăn bởi mỗi người đều phải lo toan cho cuộc sống, cho gia đình mình. Guồng quay công việc xã hội và những bận rộn gia đình đôi lúc khiến nhiều người dù rất muốn góp sức cho xứ đạo song lại chẳng có thời gian tham gia. Thế nên, tìm sự cộng tác của những người có chuyên môn nhưng đã nghỉ hưu vào việc chung giáo xứ là hướng đi đã được nhiều xứ đạo thực hiện. Bằng cách đó, giáo xứ có thêm nguồn hỗ trợ đắc lực trong mọi việc và những người có những khả năng riêng cũng tìm được điểm đến để tiếp tục cống hiến dẫu đã lui về hưu dưỡng.
Bộ Giáo Luật 1983, Điều 228: 1. Những giáo dân nào được nhận thấy có khả năng xứng hợp thì có năng cách được các chủ chăn có chức thánh mời đảm nhận các giáo vụ và nhiệm vụ trong Giáo hội mà họ có thể thi hành chiếu theo quy tắc luật định. 2. Những giáo dân trội vượt về kiến thức, khôn ngoan và hạnh kiểm thì có năng cách giúp các chủ chăn của Giáo hội với tư cách là chuyên viên hoặc cố vấn, kể cả các hội đồng chiếu theo quy tắc của luật. |
Bình luận