Mỗi tín hữu Kitô được Đức Giêsu kêu gọi và giao phó sứ mệnh là cùng với Người cứu độ thế giới bằng cách thu phục nhân tâm, như Người nói với ông Simon Phêrô trong Phúc Âm Lc 5,1 1-11: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Nhưng làm thế nào để sứ mệnh cứu độ ấy mang lại kết quả tốt đẹp? Đó là câu hỏi được đặt ra hôm nay.
Những khó khăn trong việc thi hành sứ mệnh
Những tín hữu Kitô được Chúa Giêsu kêu gọi qua Bí tích Rửa Tội và các bí tích khác để trở thành những tông đồ đi thu phục con người. Tuy nhiên, nhiều người lại cảm nhận khác nhau về ơn gọi tông đồ này.
Cảm nhận đầu tiên là thấy mình bất xứng. Sứ mệnh thì hết sức cao cả vì được chính Chúa Cha và Đức Giêsu trao phó, nhưng ta lại tầm thường, yếu đuối. Tiên tri Isaia (x. Is 6,1-8) cũng cảm nhận như vậy: “Khốn thân tôi, tôi chết mất vì tôi là một người môi miệng ô uế. Tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế” (x. Is 6,1-8). Với môi miệng ô uế, ta làm sao xứng đáng để loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu!
Cảm nhận thứ hai là thấy mình bất lực. Rất nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân thấy hoạt động tông đồ truyền giáo của mình không có kết quả, dù rằng mình đã làm việc vất vả, có khi suốt cả đời người. Họ giống như các tông đồ thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm, mà không bắt được gì cả!”.
Nếu theo dõi các số thống kê về tôn giáo của Nhà nước và của Giáo hội Công giáo Việt Nam, tỷ lệ người Công giáo so với dân số cả nước khoảng 7,2%. Dù rằng số linh mục hiện nay trên 6.000 người, chủng sinh trên 5.000 người, tu sĩ nam nữ trên 31.000 người và trên nửa triệu đoàn viên của các hội đoàn Công giáo tiến hành như Thiếu nhi Thánh Thể, Con Đức Mẹ, Liên minh Thánh Tâm, dòng Ba Đa Minh, Cát Minh, Phan Sinh…, nhưng mỗi năm số người lớn được rửa tội cũng chỉ khoảng 30-40 ngàn người và số người bỏ đạo cũng tương đương. Như thế, sứ mệnh Chúa Giêsu giao phó chưa đạt được kết quả mong muốn, dù chúng ta đã không ngừng làm việc.
Cảm nhận thứ ba là thấy mình bất toàn. Các linh mục được đào tạo 6-7 năm trong Đại Chủng viện về các môn học, trong đó có cả lĩnh vực truyền giáo, rồi sau đó ra các xứ đạo hoạt động. Các tu sĩ nam nữ cũng được đào tạo 2-3 năm thần học. Năm nào cũng có những khóa thường huấn, rồi cũng tích cực tổ chức các hoạt động truyền giáo hay bác ái. Tuy nhiên, kết quả truyền giáo rất thấp vì không theo kịp những tiến bộ của khoa học, không được trang bị những kiến thức mới để chinh phục con người thời nay, không dùng ngôn ngữ thích hợp để làm chứng cho Chúa Giêsu, không biết hội nhập văn hóa. Nhiều giáo trình thần học lỗi thời, không thay đổi từ mấy chục năm nay, ít cập nhật!
Còn người giáo dân hình như chưa ý thức về sứ mệnh truyền giáo cao cả của mình. Hãy thử nhìn lại xem tại giáo xứ của mình có bao nhiêu người trở lại đạo để tin theo Chúa Giêsu? Mỗi người đã thu phục được ai trong những người hàng xóm sống quanh ta?
Đổi mới phương thức hành động
Có lẽ mọi tín hữu cần phải nhìn lại cách thức hoạt động để thấy việc truyền giáo không phải hoàn toàn dựa vào nguồn lực của con người, nhưng đây là công trình của chính Thiên Chúa, khi sai Con Một Ngài đến cứu độ thế giới. Rồi Chúa Giêsu đã sai ta đi khắp nơi để loan báo Tin Mừng như thánh Phaolô (1Cr 15,1).
Thật sự ai cũng cảm thấy mình bất xứng để nói Lời Chúa, nhưng Thiên Chúa đã thanh tẩy môi miệng ta không phải bằng than hồng như Isaia, mà bằng ngọn lửa của Thánh Thần và bằng chính máu của Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Thể. Vì thế hãy can đảm nói Lời Chúa cho mọi người.
Hơn nữa, hãy tin vào quyền năng của Chúa Giêsu và những ân huệ của Thánh Thần được Người ban cho. Khi kêu gọi các ông “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”, Người muốn mọi người hoạt động truyền giáo cùng với Người và với nhau, chứ không phải mỗi người cầm chiếc cần câu của riêng mình đứng ở gần bờ biển để bắt từng con cá nhỏ theo ý thích cá nhân. Các ông đã bắt được hai thuyền đầy cá giữa ban ngày, trong khi ngư phủ thường đánh cá ban đêm để cá không thấy lưới hay thấy bóng người. Quả thật, khi mọi người cùng hoạt động với Chúa Giêsu, kết quả truyền giáo sẽ rất lớn lao.
Thánh Phaolô kể về cuộc đời truyền giáo của mình: “Tôi là người hèn mọn nhất trong số các tông đồ, tôi không đáng được gọi là tông đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu. Trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả các vị khác” (x. 1Cr 15,1-11). Thánh Phaolô đã làm việc nhiều để hội nhập văn hóa, để nói Lời Chúa bằng ngôn ngữ thời đại, đã “trở nên mọi sự cho mọi người”. Vì thế, mọi hành động của ngài đều là hành động của Chúa Giêsu và đều có kết quả truyền giáo.
Thánh Phaolô còn nhắc đến những lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra để giúp các tông đồ xác tín về sự hiện diện sống động của Chúa và làm chứng cho Người. Có một câu mà ta không để ý, đó là: “Chúa Giêsu hiện ra với tất cả các tông đồ” (1Cr 15,7). Các tín hữu là tông đồ và nếu thật lòng muốn hoạt động truyền giáo, muốn rao giảng Chúa Giêsu, thì chắc chắn Người sẽ hiện ra với từng người để mỗi người xác tín và làm chứng cho Người. Chúa Giêsu sẽ làm những dấu lạ để mỗi người cảm nghiệm về Người như phép lạ đánh bắt được nhiều cá của các tông đồ (x. Ga 21,1-14).
“... Có lẽ mọi tín hữu cần phải nhìn lại cách thức hoạt động để thấy việc truyền giáo không phải hoàn toàn dựa vào nguồn lực của con người, nhưng đây là công trình của chính Thiên Chúa...” |
Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Bình luận