Nói đến cái chết thì ai cũng sợ hãi, bởi chết là như đi vào cõi tiêu diệt, phải bỏ lại tất cả và bị lãng quên. Chúa Giêsu nói với người cha có đứa con gái vừa mới chết rằng: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. Rồi Người làm cho cô bé sống lại để chứng tỏ rằng: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong (Kn 1,13). Vậy chết là gì, nó có thật và đáng sợ không, làm thế nào để có thể sống hào hùng như cha ông ta đã hy sinh mạng sống để bảo vệ đức tin, đất nước?
Chết là gì, nó có thật không?
Theo định nghĩa truyền thống, chết là khi tim ngừng đập và không còn hô hấp, tiếp theo là sự phân hủy của cơ thể. Tuy nhiên, với các kỹ thuật y khoa hiện đại săn sóc người hấp hối, người ta có thể duy trì hoạt động của các cơ quan hô hấp, tuần hoàn trong khi các chức năng não đã bị mất một cách vĩnh viễn. Người bệnh chỉ duy trì một đời sống thực vật, vô tri giác, hôn mê kéo dài có thể vài năm. Do đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết ngày càng trở nên mờ nhạt (x. Bs. Alice Roberts, Atlas giải phẫu cơ thể người, NXB Y Học, 2015, tr.412-413).
Người ta phân biệt chết lâm sàng và chết não. Chết lâm sàng là khi các phương pháp khám lâm sàng cho phép xác định là chết với các dấu hiệu như tim ngừng đập, phổi ngừng thở. Chết não là khi dùng máy đo hoạt động của não, khi thấy đường biểu diễn sóng não chỉ còn là một đường thẳng, chứng tỏ não không còn hoạt động, các mô bắt đầu phân hủy. Căn cứ vào tiêu chuẩn chết não, người đó được cho là chết thật và từ đó mới được phép lấy đi các cơ quan như gan, thận, tim của họ để cấy ghép cho người khác. Như thế, chết theo khoa học là chấm dứt tất cả các chức năng sinh lý.
Cái chết bắt nguồn do bệnh tật, do nhiễm trùng, do chấn thương như tai nạn, do thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết, và cuối cùng là do tuổi già. Với những tiến bộ của khoa học trong vài chục năm nữa, người ta có thể kéo dài tuổi thọ đến 150 hay 200 năm. Nhưng có một điều chắc chắn là tất cả chúng ta rồi cũng sẽ phải chết!
Khó định nghĩa được cái chết mà chỉ có thể mô tả nó bởi vì chết không phải là một cái gì có thật như cái nhà, chiếc xe hay như tình yêu, hạnh phúc, mà chỉ là mặt trái của sự sống. “Chết là hết sống”. Vì thế, sự sống mới là thực tại, mới là thật để ta quan tâm và thể hiện trong cuộc đời. Vậy nếu chết không có thật thì ta sợ nó làm gì!
Tại sao có cái chết?
Có người nói cái chết là do Thiên Chúa gây nên, như ta đọc trong lời kinh: “Chúa làm cho sống và cũng làm cho chết”. Có người lại nghĩ cái chết là do một vị thần chi phối, được gọi là Tử Thần, hay do một ông vua cai quản mọi loài đã chết, gọi là Diêm Vương. Thật ra, Thần Chết chỉ là kiểu nói nhân cách hóa cái chết, chứ không có vị thần nào cai quản cái chết cả. Còn Diêm Vương, Âm phủ cũng chỉ là những hình ảnh tưởng tượng của con người, vì một khi thoát ra khỏi thân xác vật chất, tinh thần con người mở rộng tới vô biên, không còn bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian.
Các tôn giáo khác không giải thích được tại sao có cái chết vì không hiểu cái chết thật sự là gì. Kitô giáo nói rõ về nguồn gốc của cái chết. Thiên Chúa là nguồn sự sống nên mọi loài được Chúa tạo dựng đều sống động, riêng con người và các thiên thần còn được chia sẻ sự sống vĩnh hằng nhờ có tinh thần. Tuy nhiên, vì con người được Chúa ban cho tinh thần tự do để đáp lại tình yêu của Ngài, thì cũng được tự do chối từ tình yêu ấy. Con người đã chiều theo cơn cám dỗ của quỷ dữ để chối từ tình yêu Thiên Chúa, cắt đứt sự hiệp thông với Thiên Chúa là nguồn sống bất diệt, nên phải chết. Rồi vạn vật vì liên hệ mật thiết với con người, cũng phải chịu sự hư nát vì tội lỗi của con người (x. Rm 8,20-23).
Sách Khôn Ngoan giải thích điều này: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người, cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (x. Kn 1,13-15; 2,23-24). Thiên Chúa không tạo nên cái chết và quỷ dữ cũng không gây nên cái chết, chính con người, khi cắt đứt với Thiên Chúa, đã tạo nên cái chết cho mình và vạn vật.
Cái chết có đáng sợ không?
Chúng ta hãy nhìn thẳng vào cái chết, đối mặt với nó để xem nó có đáng sợ không.
Chết thật ra chỉ là việc thay đổi tình trạng sống của con người. Cái chết giống như một ngưỡng cửa để ta bước vào cõi vĩnh hằng. Nó không đưa ta vào cõi tiêu diệt, cũng không làm ta mất mát bất cứ thứ gì, hay xa cách một ai. Trái lại, chết làm ta gần gũi hơn, hiệu quả hơn, năng động hơn vì không còn bị giới hạn bởi không gian, thời gian và vật chất nữa. Một người chết ở bên Mỹ, ở ngoài Bắc, ở trong Nam, tất cả đều gần nhau vì không còn bị ngăn cách bởi không gian. Một người chết cách đây chục ngàn năm, vài trăm năm như các thánh tử đạo Việt Nam hay vài chục năm như ông bà cha mẹ: tất cả đều đang có mặt bên nhau vì không còn bị thời gian chi phối.
Vì thế, trong thánh lễ, tất cả đều hiện diện, đều sống động bên Chúa: các thiên thần, thánh nhân, linh hồn đã khuất, cùng với ông bà, cha mẹ, bạn bè ta. Nhờ vậy, khi hiểu cái chết làm cho từng người gần gũi nhau hơn, tác động lên nhau cách hiệu quả hơn thì chúng ta phải vui mừng thay vì e ngại, sợ hãi.
Nhiều người không hiểu được điều đó nên đã than khóc, lăn lộn bên người đã khuất như là mất tất cả. Có người còn muốn nhào xuống huyệt để được chôn táng theo. Có người lại sắm sửa bộ áo quan đắt tiền, tổ chức tang lễ hoành tráng, thuê cả người khóc mướn… Họ không ngờ người mới chết rất buồn vì thấy rõ những hành động giả dối, hoang phí, trong khi nhiều người khác đang đói khổ. Nền văn hóa Kitô giáo luôn mời gọi nên tổ chức tang lễ đơn sơ, thương tiếc nhẹ nhàng, giữ vững niềm vui và hy vọng đối với người đã khuất.
Chúng ta được mời gọi để vượt qua nỗi sợ hãi cái chết, vì Chúa Giêsu đã chiến thắng cái chết. Người làm cho con gái của ông Giairô sống lại. Người nhắc bảo mọi người rằng: “Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”. Chết chỉ là một giấc ngủ để rồi mọi người đều thức dậy, sống lại với nhau như Đức Giêsu đã vượt qua cái chết nhằm chia sẻ cho con người sự sống vĩnh hằng.
Gắn bó với Đức Giêsu, ta mới coi thường cái chết, mới dám hy sinh vì đại nghĩa. Thậm chí có nhiều người chưa biết Đức Giêsu, cũng đã tự nguyện chết để bảo vệ quê hương, chết cho những giá trị cao quý, cho những công trình nghiên cứu khoa học… Nhà ái quốc Phan Bội Châu đã nhắc nhở hậu thế: “Chết như Hưng Đạo, hồn thành thánh, chết tựa Trưng Vương, phách hóa thần”. Gắn bó với Chúa Giêsu, ta mới có thể chết cách hào hùng, thánh thiện như Người đã chết tủi nhục trên thập giá vì yêu thương ta, cứu độ ta. Người chết như thế để giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của sự sống: để từng giây phút sống là ta sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình (2Cr 5,15).
Khi hiểu được cái chết chỉ là một bước ngắn trên đường đời dài vô tận của sự sống, chúng ta vượt qua nỗi sợ chết để sống trọn vẹn từng giây phút trong đời. Cũng biết thêm rằng những người đã khuất đang hiện diện bên cạnh và thôi thúc mọi người sống trọn vẹn cho Chúa và cho nhau.
Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Bình luận