Ða số bạn trẻ vừa ra trường đều nóng lòng tìm một công việc ổn định, phù hợp với bản thân. Có người may mắn tìm được một việc làm ưng ý, nhưng cũng có không ít bạn sau khi rời giảng đường vẫn lận đận kiếm việc hoặc làm không đúng chuyên ngành học hay sở thích. Những ngày đầu “chạm” vào việc làm có lẽ là khoảng thời gian đáng nhớ của các trí thức trẻ.

Thời sinh viên, nhiều bạn trẻ ao ước ra trường sớm tìm được một công việc lý tưởng để kiếm sống, thỏa mãn đam mê và lo cho gia đình. Hầu hết đều mong ước việc làm của mình phải đáp ứng đủ ba điều kiện: Đúng chuyên ngành học, bản thân mình thích và kiếm được nhiều tiền. Nhưng cuộc sống vốn dĩ không bao giờ cho người ta trọn vẹn tất cả như ý muốn, được cái này thì mất cái kia và ngược lại. Nhiều bạn hăm hở khi tìm công việc đầu tiên, ban đầu hứng thú với nó, nhưng lâu dần cảm thấy không hợp nên sinh ra chán nản và đổi việc mới. Cũng có bạn lúc đầu không đam mê với công việc, chỉ muốn thử để trải nghiệm và lấy kinh nghiệm, về sau cảm thấy phù hợp rồi gắn bó lâu dài. Công việc đầu tiên đến với những người trẻ, mỗi người theo mỗi cách và cơ duyên dẫn dắt cũng khác nhau. Cô Nguyễn Ngọc Tường Vân, hiện là giáo viên dạy ngôn ngữ tại TPHCM, nhớ lại những ngày chân ướt chân ráo vào nghề: “Công việc của tôi là giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Tôi vô tình tìm được việc này trên mạng qua các trung tâm ngoại ngữ, nó khá gần với chuyên ngành đã học. Tôi cảm thấy rất vui khi có thể áp dụng những kiến thức lãnh hội được từ đại học vào trong công việc”. Theo cô giáo trẻ này thì khi đến với việc làm đầu tiên này, cô chỉ nghĩ là thích thôi, chứ không quan tâm nhiều đến lương. Thời gian đầu, cô cũng không biết mình có gắn bó lâu dài với việc này hay chỉ làm tạm một thời gian, nhưng dần dà khi đã quen, có nhiều kinh nghiệm hơn, thu nhập tăng lên và ổn định, cuộc sống được đảm bảo, nên đến nay, cô vẫn làm và thấy hạnh phúc trong công việc: “Cũng có lúc tôi muốn thử đổi việc khác với hy vọng có bước đột phá mới, song nghĩ lại, mình còn trẻ, còn nhiều cái cần phải học hỏi, nên tôi quyết định tiếp tục làm”.

Việc ban đầu nào dường như cũng có cái khó do chưa quen, nhưng nếu thích ứng được thì công việc lại trở nên dễ dàng hơn. Cũng như cô Tường Vân, anh Nguyễn Tấn Tài, hiện đang là chuyên viên tiếp thị - chăm sóc khách hàng tại một công ty ở TPHCM, đã đi qua giai đoạn đầu với bao lo lắng để rồi dần quen với việc làm: “Lúc đầu làm việc với các đội nhóm, tôi không khỏi e dè vì mấy anh chị đều lớn hơn mình và kinh nghiệm lâu năm. Mình còn trẻ và mới vào nghề nên cũng sợ không thể hòa hợp được với môi trường làm việc, cứ lo làm không tốt, nhưng dần dần quen và thấy công việc không khó như mình nghĩ ban đầu. Áp lực thì tất nhiên có, đôi lúc lượng công việc nhiều, làm sai bị sếp la và lúc ấy tôi cũng thấy buồn. Nhưng nghĩ lại, qua đó mình có nhiều bài học cho những lần sau…”. Thời còn là sinh viên, đã từng trải qua những công việc bán thời gian với mức thu nhập ít ỏi, nên giờ đi làm thực thụ, cầm trong tay đồng lương lớn hơn, anh Tài thấy vui lắm. Tháng lương đầu tiên, anh sắm những thứ cần dùng và không quên mua quà gởi về gia đình. Dù công việc hiện tại khá ổn, nhưng anh bạn trẻ này vẫn mong một ngày nào sẽ kiếm được một việc làm đúng với chuyên ngành của anh hơn, có cơ hội thăng tiến và học hỏi nhiều cái mới. “Còn trẻ mà, tôi luôn nhìn về phía trước để phấn đấu thay vì dậm chận tại chỗ một công việc”, Tài nói.
Chuyện người trẻ phải làm một việc chưa phù hợp với chuyên ngành đào tạo hoặc chỉ liên quan chút ít, có lẽ không hiếm hoi gì trong thời buổi ngày nay. Bên cạnh những người vừa làm việc vừa nghĩ đến những cơ hội mới để thay đổi, cũng có người tìm ra được cái hay trong môi trường làm việc, thấy được nơi này đã cho mình những bài học thực tiễn sau khi ra trường, như chia sẻ của anh Lê Minh Khánh - nhân viên văn phòng tại một công ty may mặc thuộc tỉnh Bình Dương: “Tôi học chuyên ngành Hán Nôm. Công việc đúng ngành có thể là nghiên cứu, giảng dạy hoặc dịch thuật, nhưng cơ duyên đã đưa tôi đến đây, làm cho một công ty liên doanh giữa Việt Nam và Đài Loan. Cấp trên của tôi đa số là người Đài Loan nên mình thường giao tiếp với họ bằng tiếng Trung. Tôi thấy cũng vận dụng được ít nhiều những kiến thức đã học liên quan đến chữ Hán, tiếng Trung vào trong môi trường làm việc. Mặc dù nó không đúng hướng chuyên ngành nhưng ít ra cũng giúp tôi phát triển vững tiếng Trung hơn, dù chỉ trong giao tiếp, tôi thấy đó là một an ủi vì thời buổi này, không dễ tìm một việc đúng hoàn toàn với ngành học của mình. Thôi thì cứ tận dụng được chút kỹ năng nào hay chút đó để làm việc…”. Chính vì suy nghĩ này mà chàng trai trẻ cảm thấy may mắn và biết ơn vì những năm tháng làm việc tại công ty. Nơi đây cũng mở ra cho anh hướng phấn đấu mới là sẽ đi du học ở Đài Loan trong tương lai gần. Và kinh nghiệm giao tiếp với người bản xứ khi làm việc ở công ty, hẳn sẽ giúp anh bạn trẻ không ít trong quãng thời gian đi học sắp tới.
Tìm được việc đã khó, tìm việc đúng như mong lại càng khó hơn, đặc biệt là với tình hình kinh tế biến động, kéo theo tình trạng thiếu việc làm như hiện tại. Mỗi sinh viên ra trường sẽ phải đương đầu với nhiều thách đố khi đi làm. Để có được công việc tốt có khi phải trải qua những mài giũa khắt khe, quá trình học hỏi kinh nghiệm và trau dồi kiến thức chuyên môn. Mọi sự luôn đi từ những nấc thang đầu tiên và không có gì là dễ dàng. Tuy nhiên, trải nghiệm đầu tiên dù khó khăn nhưng sẽ để lại những bài học và dấu ấn khó quên, là cột mốc để mỗi người viết tiếp hành trình tuổi trẻ với những ước mơ và đi tiếp con đường, chạm tới sự thành công trên đường đời.
THANH PHÚ
Bình luận