Chăm sóc mộ phần, hài cốt cho người thân quá cố đã trở thành truyền thống đẹp của người Việt nói chung và các Kitô hữu nói riêng.
Tu sửa mồ mả
Người Công giáo thường có hai dịp trong năm dành cho việc đi tảo mộ và cầu nguyện cho người đã khuất tại nghĩa trang và các nhà hài cốt (Nhà Chờ Phục Sinh), đó là mồng Hai Tết Nguyên Ðán và tháng 11. Tuy nhiên, đối với nhiều gia đình, việc chăm sóc mồ mả của tổ tiên, ông bà là một việc hệ trọng, không chỉ thực hiện trong các dịp lễ trên mà bất cứ lúc nào.
Bà Lê Phan, 61 tuổi, Việt kiều Mỹ, cư ngụ tại tiểu bang Maryland, đã đi chuyến bay đầu tháng 11 năm nay về Việt Nam, cho biết: “Tôi về gia cố lại mộ của ba mẹ và ông bà mình tại Bình Dương. Mộ các cụ có xây kim tĩnh và xi măng rồi, tuy nhiên sau 20 năm, đã bị lún sụt. Gia đình chúng tôi cùng nhau tu sửa, quét vôi lại những ngôi mộ này cho khang trang hơn”. Tương tự bà Lê Phan, ông Phạm Minh Quốc, 65 tuổi, Việt kiều Mỹ sống tại Minnesota, vừa qua cũng về Sài Gòn thăm gia đình, rồi cùng vài người thân ra tận Hà Tĩnh xây sửa lại mộ phần của dòng họ.
Không chỉ những người từ hải ngoại, mà người trong nước đi làm ăn xa quê cũng quan tâm đến chuyện mồ mả của cha mẹ, ông bà, như trường hợp của ông Thái Phát, 60 tuổi. Từ Tây Ninh lên Sài Gòn lập nghiệp đã hơn 30 năm, ngôi nhà cũ ở quê dù không còn, nhưng năm nào ông cũng về thăm mộ của cha mẹ và hai chị gái nằm tại Ðất Thánh của giáo xứ quê. Cách đây mấy năm, ông đã bỏ tiền xây lại mới hai ngôi mộ của song thân. “Mộ các cụ trước đây được xây bằng xi măng, tô đá rửa, nhưng qua thời gian đã cũ và rêu phong nên khi có điều kiện, tôi đã thuê thợ xây lại bằng đá hoa cương.”, ông Phát cho hay.
Với nhiều nghĩa trang sắp giải tỏa như nghĩa trang của họ đạo Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Bình Hưng Hòa - Sài Gòn, lễ Các Ðẳng năm nay không ít người ngậm ngùi. Bà Trần Thị Lệ, 67 tuổi, chia sẻ: “Năm tới, nghĩa trang giải tỏa, năm nay chúng tôi vẫn đến làm cỏ, dọn rửa sạch sẽ lần cuối, chuẩn bị hốt cốt đưa ông bà và bố chúng tôi về Nhà Chờ Phục Sinh. Tuy cũng lo vì phải bốc mộ, nhưng về nhà thờ gần nhà, có thể tiện lợi cho người nhà ghé thăm hơn”. Bà cũng cho biết thêm, cứ vài tuần, mình lại rủ con hoặc cháu nội, cháu ngoại lên nghĩa trang làm cỏ, rửa mộ để “các cụ an nghỉ trong tình yêu thương của con cháu”.
…Và chăm sóc hài cốt tại Nhà Chờ Phục Sinh
Trước đó, đã có một loạt nghĩa trang giải tỏa và sự di dời diễn ra thật long trọng. Bà Nguyễn Thị Khanh, 67 tuổi (Q3, TPHCM) kể: “Sau khi bốc mộ, chúng tôi mang tro cốt các cụ về nhà, tụ họp anh em con cháu đọc kinh suốt ba buổi tối, rồi sau đó đưa các cụ về “nghĩa trang nổi” (nhà hài cốt) của giáo xứ. Chúng tôi xin lễ tại nhà hài cốt vào sáng thứ hai đầu tiên của tháng, và cả lễ cho các cụ tại nguyện đường xóm giáo”. Theo bà, tất cả việc ấy chỉ để những người chết đi, linh hồn vẫn được an ủi đôi phần.
Chăm sóc hài cốt của người quá cố tại Nhà Chờ Phục Sinh giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Q.3) - ảnh: Ngọc Hà |
Nhiều người nghĩ nghĩa trang giải tỏa, đưa tro cốt người quá cố về nhà hài cốt ở giáo xứ, người sống sẽ “khỏe” hơn vì không còn đi tảo mộ nữa. Thực tế không phải như vậy. Bà Khanh nói, lúc mộ người thân còn ở nghĩa trang, gia đình mình đều xây một bồn hoa nhỏ cuối mỗi ngôi mộ để trồng hoa mười giờ. Cứ 1 - 2 tháng, bà cùng anh chị hoặc con cháu lên nghĩa trang tỉa hoa, cắt nhánh gọn đi, lau rửa các ngôi mộ. Giờ đây, tro cốt người thân về gần nhà, ngay trong khuôn viên nhà thờ nên cứ sáng thứ Hai đầu tháng, dự thánh lễ sớm tại Nhà Chờ Phục Sinh, bà cùng người nhà ghé các hộc đựng tro cốt để quét lau những hũ cốt. Cháu trai bà còn đặt mỗi hộc một chiếc đèn nhỏ xài pin và cứ vài tháng thay pin một lần. Các cháu gái điệu đàng hơn, đặt mỗi hộc một chậu hoa vải nhỏ xinh xắn.
Còn gia đình bà Phan Thị Mầu (Gx Tân Ðịnh, TGP.TPHCM), từ khi đưa hài cốt của ông bà nội ngoại về Nhà Chờ Phục Sinh, thì siêng đi lễ hơn vì nghĩ rằng người thân đã khuất trở nên gần gũi hơn. “Nhà thờ Tân Ðịnh mở cửa cho thăm người quá cố vào ngày thứ Năm và Chúa nhật, chúng tôi thường ghé sáng Chúa nhật để lau chùi hũ cốt và cùng đọc kinh cầu nguyện cho các cụ. Mỗi lần ghé là một lần cảm thấy sự gần gũi giữa người sống và người chết nhiều hơn, nghe như họ cùng cầu nguyện hay lắng nghe lời mình nguyện cầu”, bà Mầu tâm tình.
Tại nhà thờ Ðá Nha Trang (GP Nha Trang), dọc con đường dẫn vào thánh đường chính là “nghĩa trang nổi” của người đã khuất. Cứ mỗi Chúa nhật đi lễ, chị Nguyễn Thị Tuyền, 25 tuổi, đều ghé vào chỉ để lau những tấm bia cho ông nội và ông ngoại quá cố. Chị bảo, lúc hai ông còn sống, đã rất yêu thương cháu gái, nên giờ đây, chị làm thế với tất cả tình yêu thương và tin rằng các ông vẫn dõi mắt theo mình mỗi ngày. Chính suy nghĩ này đã giúp chị sống tốt, hoàn thiện mình hơn.
Chăm sóc mộ phần hay hài cốt của ông bà, tổ tiên, cũng là cách để nhiều người giáo dục con cái lòng hiếu thảo với các vị tiền nhân. Có ai đó đã nói rất đúng: “Khi quan tâm tới người thân quá cố bằng cách này cách khác, là các bậc phụ huynh đang nêu gương cho con cháu mình để lúc họ nằm xuống, con cháu cũng theo truyền thống đó mà thể hiện nghĩa cử đẹp với cha mẹ, ông bà đã khuất…”.
NGUYỄN NGỌC HÀ
Bình luận