Sau khi giảng bài “Lặng lẽ Sa Pa”, cô giáo cho cả lớp viết một đoạn văn ngắn phát biểu cảm nghĩ của mình. Trong số các bài thu hoạch, một nữ sinh viết: “Nếu mai mốt có công việc giống như anh thanh niên trong câu chuyện, em chắc chắn sẽ cố gắng ứng tuyển. Ngay cả khi trên núi không có mạng Internet, em cũng không cô đơn vì đã có sách, có khu vườn, bầy gà và công việc. Khác với anh thanh niên, em không ‘thèm người’ mà bị dị ứng với loài người. Có lẽ thỉnh thoảng em sẽ vất vả khi gánh vác mọi chuyện, khi đối diện với mưa bão như anh thanh niên, nhưng đối với em thì sự gian khó ấy cũng thật thoải mái”.
Ban đầu, cô giáo cho rằng học sinh này đang ở thời kỳ nổi loạn nên nghĩ thế thôi. Về sau, tìm hiểu sâu hơn và trò chuyện với em ấy, cô nhận ra em đã luôn không thể hòa hợp với các bạn. Ở nhà, cha mẹ em rất bận nên em học cách sống một mình từ bé. Lúc còn nhỏ xíu, em từng muốn được chấp nhận và quý mến, từng hoạt bát thân thiện, mơ ước có nhiều bạn. Nhưng ngay ở độ tuổi non nớt thơ ngây, em đã va phải sự chế giễu, trêu chọc từ những đứa trẻ khác do em “lập dị”, thầy cô thì xao nhãng. Bàn tay tò mò muốn vươn ra thế giới của em bị gạt bỏ phũ phàng nhiều lần, cuối cùng em không muốn vươn tay ra nữa. Em dần tách mình khỏi đám đông, ít chia sẻ với người khác, im lặng tận hưởng sở thích riêng, thay vì bắt kịp trào lưu cho dễ kết bạn. Em thú thật với cô giáo rằng càng ngày em càng thấy giao tiếp thật mệt mỏi, em chẳng thể giả vờ thân thiện để được gia nhập nhóm bạn nào đó, hay cố tỏ ra thích những đề tài mình không quan tâm. Có những lúc em còn “dị ứng” với loài người, chỉ muốn rúc vào góc nhỏ yên tĩnh, đeo tai nghe nhạc hoặc chìm đắm trong một cuốn sách hay. Vì vậy, em mong mình có thể giống như chàng trai đo khí tượng trong “Lặng lẽ Sa Pa”, sống đơn độc nhưng an yên giữa thiên nhiên và sách vở, lâu lâu gặp gỡ mọi người cho đỡ quên cách nói chuyện là đủ rồi.
Trường hợp của nữ sinh này khiến cô giáo nhớ lại một đoạn trong tiểu thuyết “Rừng Na Uy” từng đọc hồi trẻ: “Tôi muốn nói cho mọi người biết rằng đó là một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời, nhưng xung quanh tôi chưa có ai đã từng đọc ‘Gatsby vĩ đại’ hoặc có ý muốn đọc nó”.
*
Trên mạng Internet, thỉnh thoảng ta bắt gặp mẩu trạng thái bằng tiếng Anh: Cái gì khiến cuộc đời khó sống như vậy? Chính là con người.
Thời buổi này, đa số nhân loại không còn phải nơm nớp lo sợ thiên tai, thú dữ như thời cổ đại; không cần vất vả sinh tồn như Robinson Crusoe trên đảo hoang. Tuy nhiên, để đối phó với thiên nhiên đầy biến động, con người ngày xưa phải học cách đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, giống như người Việt hình thành tình làng nghĩa xóm một phần nhờ truyền thống đắp đê trị thủy từ nhiều đời tổ tiên. Tiếc là sau khi thoát khỏi nỗi sợ thiên nhiên, xây dựng được nền văn minh tiên tiến, đa phần con người cũng dần quên đi tinh thần tương thân tương ái mà quay ra gây sự, làm khó nhau. Dường như xã hội càng phát triển, dân số càng gia tăng, thì sự cạnh tranh, ghen tị, bắt nạt càng “lên ngôi”. Nói văn vẻ hơn là sống cảnh thanh bình dư dật, người ta dễ quên đi lời thề tốt đẹp trong cơn bão giông.
Đa phần người mắc chứng “dị ứng” với loài người thường có tính cách nhạy cảm, thụ động, nhút nhát, cả nghĩ. Nhiều trường hợp là do tuổi thơ của họ đã quen bị lạnh nhạt, tẩy chay, ức hiếp nên nảy sinh tâm lý xa lánh người khác, ngại giao tiếp. Họ biết “bệnh” kém hòa đồng sẽ làm họ khó thành công trong một xã hội coi trọng người hướng ngoại, nhưng thà thế còn hơn là ở giữa đám đông mà vẫn cô đơn, vẫn phải đeo mặt nạ thay vì được thoải mái bộc lộ bản thân.
Cố diễn viên Robin Williams, người lồng tiếng cho nhân vật thần đèn trong phim hoạt hình “Aladdin” (1992) nói rằng: “Tôi từng nghĩ điều tồi tệ nhất trên đời là cô đơn. Hóa ra không phải. Điều tồi tệ nhất là phải ở cùng những người khiến mình thấy cô đơn”.
Ths-Bs Lan Hải
Bình luận