EM.
Em ngồi trên ghế đá trước cửa nhà tôi. Bụng vượt mặt. Áo quần cũ kỹ. Tôi qua lại nhiều lần. Lần nào Em cũng mỉm cười với tôi. Tôi không nghĩ rằng Em đến đó để gặp tôi. Ghế đá là chỗ dừng chân cho người đi bộ hành mệt mỏi. Giản dị vậy thôi. Ai ngờ…
Khi ghế đá không còn đủ kiên nhẫn để cho Em ngồi mãi một cách vô duyên như thế nữa, thì Em đứng dậy đến gõ cửa phòng tôi, gãi đầu gãi tai, ngỏ bày nỗi lòng ướt đẫm mồ hôi trước mắt.
1. Chẳng biết tên thật của Em là gì, nhưng cả xóm, cả làng gọi Em là Mai-Liên, tức là Miên lai. Gọi mãi thành danh. Em chẳng buồn, vì Mai-Liên cũng có nghĩa là hoa mai và hoa sen. Đẹp tuyệt vời! Mai –Liên còn là cách phiên âm tên bà thánh Mađờlen. Tuyệt vời hơn nữa!
Cha Em là người dân tộc Khơmer đi gặt lúa mướn cho ông ngoại Em. Là người dân tộc, nhưng đẹp trai và ăn nói có duyên, nên đã làm say mê mẹ Em, lúc ấy đang tuổi xuân thì, một cô nữ sinh say mê đọc tiểu thuyết tình cảm, lãng mạn như những nhân vật tiểu thuyết, lý tưởng hơn hiện thực. Sau mùa gặt, chàng thanh niên Khơmer ôm vòng hái về Trà Vinh. Biệt tăm. Mẹ Em ôm hận, cắn răng chịu trận. Đành ở giá để sanh ra Em và nuôi em. Ông ngoại Em, một thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ, phải làm đơn xin nghỉ việc, vì có con chửa hoang. Ân hận suốt đời. Cắng đắng khôn nguôi.
2. Cha Em quất ngựa truy phong, biệt tăm biệt tích, nhưng để lại cho Em nhiều dấu ấn. Nước da ngăm ngăm: đen dòn. Cặp mắt sâu thăm thẳm. Cái miệng chún chím: có duyên.
Người lớn tuổi trong họ đạo không quên nguồn gốc của Em, nên chỉ nhìn Em bằng một nửa con mắt. Giới trẻ thì mê Em như điếu, vì họ chẳng thèm biết quá khứ. Quá khứ chỉ là lạc hậu, chỉ là lỗi thời. Họ đua nhau tán tỉnh Em, nhưng Em chỉ yêu một người. Người ấy là Tuấn, con trai ông Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Xứ. Mối tình giữa Em và Tuấn gây nên một trận cuồng phong dư luận. Con gái gièm pha vì ghen. Con trai châm biến vì ganh. Người lớn chê bai vì óc kỳ thị chủng tộc. Người quyết liệt phá đám là mẹ của Tuấn. Chỉ có một người đứng ra bênh vực mối tình đầu giữa Em và Tuấn. Đó là cha xứ. Nhưng cha xứ đành giơ tay đầu hàng sau một trận tranh luận với mẹ của Tuấn.
- Bà có biết là theo giáo luật thì cha mẹ không có quyền o ép và cấm cản con cái kết hôn không?
- Thưa con biết.
- Thế tại sao bà không cho thằng Tuấn lấy con Liên?
- Con không cấm cản chúng nó lấy nhau, con chỉ nói với tụi nó rằng: “Nếu bay quyết định lấy nhau, thì cứ lấy, tao cho tiền tổ chức đám cưới đàng hoàng. Nhưng tao không có mặt trong đám cưới. Sau này sanh con, tao không bồng, không nhìn cháu. Vậy thôi”…Hồi đó con bị giặc Miên rượt đuổi, chạy chối chết. Bây giờ lại cưới dâu Miên thì…Thôi cha cứ làm phép cưới cho tụi nó, con chẳng cấm cản đâu…Nhưng cháu Miên thì con dứt khoát là không bồng.
3. Không thể thuyết phục được cha mẹ, không muốn làm cực lòng cha xứ, Tuấn và Em rủ nhau đi trốn. Hai đứa trốn cha mẹ, y như cha mẹ chạy trốn giặc Miên ngày xưa. Chỉ có một bộ đồ dính da. Vốn liếng chỉ có một sợi dây chuyền và một chỉ vàng. Bán sợi dây chuyền may được hai bộ đồ lao động. Bán chỉ vàng được căn chòi. Bây giờ Em mới hiểu thế nào là “Hai trái tim vàng dưới túp lều tranh”. Nghèo quá chừng, nhưng thương yêu da diết.
Em đi làm cỏ mướn, mỗi ngày kiếm được 15.000đ. Một tháng 30 ngày thì 20 ngày thất nghiệp. Tuấn đi đào mương, sên đìa mỗi ngày kiếm được 35.000đ. Mùa khô thì làm không hết việc. Mùa mưa thì ngồi ngắm mây bay, và giọt mưa rơi rơi. Rầu thúi ruột!
Em có bầu được sáu tháng. Mất một lao động. Sắp thêm một miệng ăn. Bối rối quá chừng!
Em đến gãi tai với tôi, xin tiền để về Sóc Trăng, nhận lỗi với cha mẹ…Tôi không cho Em một xu nào hết, nhưng làm bộ thưởng Em 100.000đ, vì Em và Tuấn đã yêu nhau thật và đã dám trả giá cao cho tình yêu chân chính ấy. Nhưng Em vẫn bị trừ điểm vì đã coi nhẹ luật Giáo hội.
EM.
Qua đường dây điện thoại, cha xứ của Em đã báo tin vui. Em và Tuấn đã được cha mẹ tha thứ. Hai đứa sẽ được lãnh Bí tích Hôn Phối trong một ngày rất gần. Mừng cho Em. Bây giờ mọi chuyện buồn đã lùi về dĩ vãng. Nhưng Em đừng quên dĩ vãng, vì dĩ vãng vẫn là bài học quý giá cho tương lai. Tôi đang suy nghĩ về dĩ vãng ấy.
1. Mẹ Em đã yêu và thấy tình yêu đẹp như mơ. Bà vội vã hiến thân cho người bà yêu để tình yêu được trọn vẹn. Thế rồi bà vỡ mộng và thấy tình yêu chỉ là mơ. Mơ thì không thật. Bà ân hận. Có lúc bà muốn chết để khỏi thấy đời đểu cáng, để khỏi nghe cha mẹ đay nghiến. Nhưng vì thương đứa con vừa mới tượng hình trong dạ, nên bà cắn răng để sống. Một bài học quá đắt về tình yêu!
Tình yêu là sinh hoạt chính của con tim, nhưng phải được lý trí làm cố vấn. Có lý trí can thiệp, thì tình yêu lấy hứng một tí. Nhưng phủ nhận lý trí, thì tình yêu rơi tõm xuống vực thẳm.
2. Mẹ của Tuấn là mẫu người phụ nữ rất phụ nữ. Những kỷ niệm đau thương trong quá khứ không thể phai mờ. Bà ôm con chạy giặc Miên, bán sống bán chết, quên hết ruộng vườn…Chuyện ấy xa xưa lắm rồi, tưởng như không có trong lịch sử. Vậy mà hôm nay nó trỗi dậy, phát sinh thêm thành kiến chủng tộc, dây dưa sang nhân quyền, quyền tự do hôn nhân, lây lan đến cả Giáo luật. Bà cãi ngang, cả làng cãi không lại. Cha sở phải giơ tay đầu hàng, vì đầu hàng đàn bà thì lợi hơn chiến đấu…Đặng chẳng đừng! Khổ thật!
3. Mẹ thương con, bà thương cháu. Dù miệng vẫn xoen xoét “cháu Miên thì không bồng”, nhưng hôm nay, dâu Miên trở về, ột ệt cái bầu sáu tháng, mẹ của Tuấn quên hết hận giặc Miên để yêu cháu. Bà tha thứ, vì không thể không tha thứ. Không tha thứ thì mất cháu sao. Bà thương cháu hơn mẹ thương con, người ta bảo thế.
Em, chuyện đời là như thế đó. Ngẫm mãi chẳng hết. Vô cùng vô tận. Em cứ yêu, nhưng hãy ngẫm. Vừa ngẫm vừa yêu.
Bình luận