Thông thường, trẻ xuất thân từ gia đình nghèo khó, cha mẹ lao động cực nhọc, dễ bị áp lực phải học giỏi để vượt qua nghịch cảnh, bù đắp sự hy sinh của gia đình. Thế nhưng, với con nhà giàu, có cha mẹ giỏi, gia đình truyền thống khoa cử, áp lực cũng không hề nhỏ.
Nhiều người quan niệm, hễ cha mẹ giỏi thì con sinh ra ắt phải giỏi, và luôn kỳ vọng chúng phải phát huy nếp nhà. Từ đó, họ vô tình tạo áp lực lên con cái. Hễ con học không đạt kết quả tốt sẽ bị quở trách và đem những tấm gương của ông bà cha mẹ ra để làm lý do chì chiết. Một gia đình có ba đời làm bác sĩ thì cho rằng chuyện hậu duệ mình theo ngành y là đương nhiên, cho dù chúng có muốn hay không. Hoặc bố mẹ có học vị tiến sĩ thì con cái phải noi theo và đạt được như thế. Họ không chấp nhận điều mà dân gian hay nói: “Cha làm thầy, con đốt sách”. Áp lực từ cái bóng và tên tuổi của bố mẹ đè nặng lên những đứa trẻ, buộc chúng phải chứng minh bản thân mình cho xứng đáng, nếu không, sẽ bị xem là kẻ làm xấu tổ tông.
Hoàng Lan là một nữ sinh thông minh và hoạt bát. Gia đình có truyền thống học hành, do đó cô bé là kỳ vọng to lớn của cha mẹ. Từ nhỏ cha mẹ Lan không ngại tốn kém đầu tư cho việc học của con. Học bán trú ở trường cả ngày, buổi tối, cô lại phải học thêm, cuối tuần cũng không được nghỉ, phải đi học hội họa, đàn… Khi có khách đến nhà, cô bé sẽ được đưa ra khoe để cha mẹ được hãnh diện.
Mỗi ngày đón Lan đi học về, câu đầu tiên mẹ hỏi là “hôm nay con được mấy điểm”. Nếu lý do gì mà bị thua sút bạn, Lan phải chịu đựng những lời cằn nhằn, trách móc. Bị áp lực về điểm số và sợ mẹ buồn nên Lan luôn căng thẳng mỗi khi làm bài kiểm tra. Áp lực dồn nén khiến cô bé trở nên chán nản, buồn bã. Thành tích sút giảm dần. Từ một đứa con được xem là niềm kiêu hãnh, bây giờ Lan lại là sự xấu hổ của cha mẹ. Cô bé luôn sống khép kín và tâm lý có phần hoảng loạn khi nghe hỏi về chuyện học hành của mình.
Theo các nghiên cứu khoa học, di truyền không phải là yếu tố quyết định trí thông minh của trẻ. Việc đứa trẻ được thừa hưởng “gene” tốt nhưng khi đi học lại không phát huy được, cũng là chuyện bình thường. Một đứa trẻ có tư chất tốt thì cũng chỉ quyết định được 20% khả năng thành công ở học đường. Phần còn lại là các yếu tố như khả năng hòa nhập, thích ứng với cộng đồng (cụ thể ở đây là trường lớp, bạn bè); sự hứng thú với việc học tập, khả năng kiên trì, tập trung, lắng nghe; khả năng cảm nhận được những lời khen và cả lời chê của mọi người để biết tự đánh giá bản thân…
Cha mẹ cần quan tâm đến việc học của con, nhưng cũng đừng quá tạo áp lực cho chúng.
Lê Du
Bình luận