Ông bà ta bảo, cứ có con là tự khắc biết làm cha làm mẹ, chẳng cần phải học. Vậy nên cũng không thấy có trường lớp nào dạy làm cha mẹ cả. Nhưng với tôi, “nghề” làm cha mẹ chưa bao giờ là việc dễ dàng, đặc biệt là giữa thời đại số ngày nay…
Cha mẹ và con cái ngồi chung mâm cơm nhưng tâm trí cách xa biền biệt vì những những chiếc điện thoại, ipad, tivi... Cha mẹ gọi con không nghe, con cái nói cha mẹ không hiểu. Những giờ phút cùng nhau nói chuyện tâm tình xem ra ngày càng hiếm, dẫn đến tình cảm dành cho người thân cũng nhạt dần, mất đi một phần kết nối quan trọng trong gia đình.
Giáo dục mầm non ở nhiều nước phát triển dạy giáo viên cách nói chuyện song song với trẻ. Nghĩa là, khi giáo viên làm gì, cũng vừa làm vừa nói, hàm ý giải thích cách làm với trẻ đồng thời dạy trẻ cách diễn tả những việc làm đó. Làm như thế, trẻ cảm thấy được thầy cô giáo tôn trọng và yêu thương.
Nghiên cứu cho thấy, trẻ cũng sẽ phát triển ngôn ngữ tốt khi được người lớn thường xuyên giao tiếp ngay từ lúc còn rất bé. Nên tôi vẫn có thói quen nói chuyện với con từ lúc con mang thai và cho đến tận bây giờ. Trước giờ tắm, tôi mát xa cho con, “thông báo” cho con biết mình chuẩn bị đi tắm. Lúc tắm, tôi chia sẻ từng bước mình đang làm, cụ thể là “mẹ đang lau mặt cho con rồi mẹ gội đầu”, và “bây giờ mẹ đang cho con vào nước nhé”…
Chắc chắn việc nói chuyện song song với trẻ mang lại hiệu quả tốt cho việc cảm thụ và phát triển ngôn ngữ về sau. Tin rằng những điều mình nói với con sẽ đi vào tiềm thức và dần dần hình thành những ý niệm giản đơn trong đầu trẻ. Nhờ đó trẻ có thể giỏi về mảng đọc sách và cảm thụ ngôn ngữ tốt. Hoặc bạn nhỏ sẽ có khả năng viết rất tốt, hay nói năng gãy gọn khi muốn diễn đạt một điều gì.
Với các con lớn, tôi cũng luôn luôn giải thích về những việc mình đang làm và vì sao lại làm như thế. Điều này giúp trẻ tự tin hơn, dễ lường được những rủi ro. Khi giữa các anh em trong nhà xảy ra mâu thuẫn, tôi luôn cho các con thời gian và cơ hội để tự nói chuyện, “thương lượng” với nhau trước, hướng dẫn chúng cách xử sự hợp tình hợp lý. Mỗi khi có vấn đề, thay vì nạt nộ, tôi nghe chúng trình bày và giải thích trước rồi mới khuyên bảo. Chắc chắn lũ trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng khi người lớn chịu lắng nghe.
Đánh phạt con sẽ dễ làm trẻ nhớ, kèm với nỗi sợ đến rụt rè không dám thử lại sai lỗi đó. Giải thích và hướng dẫn vẫn giúp trẻ nhớ, lại đủ tự tin để thử lại và làm đúng cho những lần sau. Đánh phạt trẻ thì nhanh và thỏa mãn cơn tức giận của cha mẹ. Dạy dỗ và hướng dẫn con lại đòi hỏi lòng vị tha và kiên nhẫn của người lớn, nhưng theo thời gian, sẽ gặt được trái ngọt trái lành.
Nhật Hạ
Bình luận