Những ngày đầu đi học của lớp mầm non, cả con trẻ lẫn phụ huynh đều khó tránh khỏi những xáo trộn ít nhiều. Làm sao giúp trẻ vượt qua nỗi sợ để hòa nhập với trường lớp?
Mới cho con vào lớp mầm được hai ngày từ hôm khai giảng, gia đình chị Trịnh Thị Trinh (Q.3, TPHCM) đã nháo nhào lên vì bà ngoại xót cháu, cha mẹ xót con. Chăm cháu từ khi còn sơ sinh, nên bà ngoại mạnh dạn đề nghị tự tay trông cháu như trước với lý do “chờ lớn tí nữa hãy cho đi học cũng chả việc gì”. Tuy nhiên, vì con đã đến tuổi vào lớp mầm, nên bà mẹ trẻ cũng muốn bé sớm quen với trường lớp, đi vào nề nếp, để bà ngoại còn về quê chăm ông và coi sóc vườn tược. Ấy vậy nhưng lúc bé con khóc ngặt nghẽo ôm chặt lấy mẹ khi được cô giáo đón vào lớp, chị Trinh lại xót, “con khóc, mẹ cũng khóc”.
Tương tự, chị Bùi Thoại Trúc (Q.Gò Vấp) cũng gởi con gái 28 tháng tuổi vào học một trường mầm non. Trong tuần đầu, bé khóc lóc từ lúc mới thức giấc buổi sáng với lời cửa miệng “con không đi học đâu”, đến lúc tới cổng trường, con lại nước mắt ngắn dài, gào to đòi mẹ khiến chị Trúc thật sự khó cầm lòng. Học được một tuần thì con bệnh nên phải cho nghỉ tuần kế tiếp. Vì bé quen thức ăn ở nhà, uống sữa thay nước, giờ ngủ không giống với giờ giấc trong trường nên những ngày đầu cũng khó hòa nhập với môi trường mới. Bấy nhiêu sự khiến người mẹ như cảm thấy bị căng thẳng đến nơi, nhưng vẫn phải cố gắng cùng con đến trường mỗi ngày. May thay, từ tuần thứ 2 trở đi, mọi việc trở nên nhẹ nhàng nhờ sự hỗ trợ hết mình của cô giáo. Chị Trúc cũng luôn thủ thỉ, động viên con.
Vậy có cách nào để các mẹ giúp con trẻ dễ thích nghi, giảm quấy khóc khi đến với lớp học đầu tiên? Từ kinh nghiệm của mình, chị Bùi Thúy Nga (Q.Bình Tân) cho biết, con trai chị đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới khi lần đầu đi học là cũng nhờ một số “bí kíp”. Mỗi ngày đến lớp, cô giáo khuyến khích bé đem theo “chú gấu ghiền” làm bạn, cho bé ăn những món ăn quen thuộc như ở nhà và thu hút bé bằng những trò chơi mới lạ, hấp dẫn. Một tuần sau đó, khi bé đã chơi với bạn, thích thú với trò chơi xếp hình, vẽ tranh, cô giáo đã đề nghị phụ huynh giúp con “cai” gấu và ăn theo thực đơn của lớp học như các bạn. Thế là đường đến trường của hai mẹ con chị Nga giờ là hình ảnh thật vui. Khi con thích đến lớp, mẹ cũng an tâm đi làm.
Nhiều giáo viên từ các trường mầm non cũng có những cách thức để giúp các trẻ dễ dàng làm quen với trường lớp. Như có những cô xây dựng niềm tin cho trẻ bằng cách tạo ấn tượng tốt ngay từ lần đầu trẻ đến lớp. Thay vì ôm ấp khiến trẻ bất ngờ và cảm thấy sợ hãi, cô nhẹ nhàng chào hỏi và làm quen với bé, hỏi tên hỏi tuổi để bé bớt cảm giác bỡ ngỡ, sợ sệt. Có cô sáng tạo nhiều góc chơi trong lớp với những đồ chơi hấp dẫn để tạo sự thích thú của trẻ; tập cho trẻ theo nề nếp mới từ các thói quen cũ, từ việc ăn uống, vệ sinh, ngủ nghỉ… Từng có kinh nghiệm nhiều năm trong việc dạy trẻ mầm non, nữ tu Nguyễn Thị Hồng Lan, dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang, chia sẻ: “Trong trường hợp bé chưa quen với giờ ngủ trưa của lớp, cô giáo có thể trò chuyện hoặc cho trẻ nằm bên cạnh để bé không cảm thấy lạc lõng. Mặt khác, giáo viên cần trao đổi với phụ huynh về nội quy của lớp, về thói quen sinh hoạt khi ở nhà cũng như sở thích, tình trạng sức khỏe của bé, để cùng phối hợp trong việc rèn luyện nề nếp cho con trẻ…”.
Cũng là người trải nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc trẻ, cô Nguyễn Thị Gái, giáo viên trường Mầm non Susu (Q.Bình Thạnh, TPHCM) lưu ý, trong những ngày đầu đi học, đa số các bé sẽ khóc vì nhớ nhà, nhớ ba mẹ. Để giúp trẻ vượt qua, các cô nên gần gũi chuyện trò, quan tâm sát sao mọi khung giờ, tránh tình trạng để bé ngồi một mình một góc, như thế sẽ dễ tủi thân. Các bé từ 4 - 6 tuổi thường có nhu cầu nói chuyện nên giáo viên hãy dành thời gian lắng nghe để hiểu trẻ hơn. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động vui chơi giúp bé gắn kết với bạn thật cần thiết, các trò chơi cần được thay đổi liên tục nhằm hấp dẫn trẻ. Những phần thưởng hoặc lời khen của cô cũng sẽ là động lực cho bé thích đến trường.
ĐÀM AN
Bình luận