Lập nghiệp từ đôi bàn tay thợ

HỒNG TUẤN – LAN GIAO

Với trình độ học vấn không cao, họ tìm con đường học nghề để trở thành một người thợ. Rồi chính trong nỗ lực tự vươn lên, không ít người đã trở thành những ông chủ, bà chủ.

1. Để trở thành một chủ tiệm sửa xe ô tô khá lớn tại Bình Tân (TPHCM) như hôm nay, anh Trần Việt Anh đã trải qua những tháng ngày học hỏi và hành nghề đầy vất vả. Sinh ra trong một gia đình nghèo, học hết lớp 9, Việt Anh cùng đám bạn từ quê lên Sài Gòn tìm việc. Do không có trình độ chuyên môn, tuổi đời lại quá trẻ nên không dễ xin việc giữa thành phố đô hội này, anh từng phải lang thang một thời gian, số tiền dành dụm mang theo cũng vơi dần. Rồi một ngày, thấy ở khu vực gần phòng trọ có treo bảng tìm người phụ sửa chữa xe ô tô, xe tải, anh lân la xin việc. Ban đầu, người chủ trông anh ốm yếu không muốn nhận nhưng sau đó thấy tội nghiệp nên ông gật đầu đồng ý. Những ngày mới vào nghề, khiêng vác bánh xe vô cùng khó khăn với Việt Anh vì cái nào cũng nặng. Cũng may, anh được ông chủ hướng dẫn từ những cái căn bản nhất về máy móc, cách sử dụng súng bắn ốc sao cho thành thục, đến những bước sửa chữa phức tạp hơn. Nhiều hôm phải học và làm cả vào buổi tối vì khách đến gara bất cứ lúc nào. Sau một năm cố gắng học tập, anh đã thạo nghề. Để trả ơn chủ, Việt Anh ở lại phụ việc thêm ba năm. Trong thời gian này, anh tích góp vốn bằng chính đồng lương của mình và khi thấy đủ điều kiện, tìm một địa điểm phù hợp mở cơ sở riêng. Những ngày đầu, cơ sở rất ít khách vì chưa có mối quen, nhưng chỉ sau vài năm, anh đã tự tin khẳng định mình. Trong bộ trang phục đầy dầu nhớt và nụ cười trên môi, anh khoe: “Thấm thoắt mà gara này đã mở được 10 năm rồi. Ở đây, tôi cũng đã đào tạo cho không ít thanh niên cùng chung số phận như mình ngày nào. Sau khi học xong, một phần về quê để mở cơ sở nếu gia đình có vốn, số còn lại vẫn bám trụ tại đây, vừa phụ làm vừa trau dồi thêm kinh nghiệm”. Cũng theo anh, đi lên bằng đôi bàn tay trắng không phải dễ dàng, nhất là khi không có trình độ học vấn cao. Chính vì một thời được ông chủ giúp cho vào học nghề trong hoàn cảnh khó khăn nên bây giờ, anh cũng sẵn sàng đón nhận và chỉ bảo hết mình cho thế hệ đàn em. “Không phải ai cũng bám trụ được với nghề này vì vất vả lắm, một phần nữa là làm ban đêm, khi có khách là phải thức dậy hì hục khiêng vác đủ thứ. Nhưng khi đã quen việc, tạo được cơ sở như hiện nay thì cũng vui lắm vì cuộc sống, ai cũng phải làm việc để mưu sinh, mà tìm được nghề phù hợp và thành công trong nghề là ổn rồi”, anh nói.

Anh Phạm Trường Minh say mê với công việc của mình

2. Cũng từng vất vả làm thuê, bị nhiều người chê cười, anh Phạm Trường Minh (quận 6, TPHCM) đã có lúc muốn bỏ phố đi lên vùng rừng núi lập nghiệp. Trong lúc đang loanh quanh tìm một công việc mới, anh nghe bạn bè mách bảo có một cơ sở tư nhân, chuyên sản xuất dép đang tuyển người, anh tìm đến xin vào làm. Ở đây, từ khâu thiết kế đến cho ra những đôi dép đều là quá trình thủ công, rất vất vả và mất khá nhiều thời gian. Mỗi ngày, anh Minh và những người thợ phải làm từ 12 - 14 tiếng đồng hồ, công việc luôn phải tiếp xúc với các chất dính, mùi nhựa tổng hợp, các hóa chất phụ liệu để tạo màu... Thời gian đầu mới làm quen với việc này, đôi tay anh hầu như bị đau buốt, có hôm cầm đũa ăn cơm cũng không được. Nhưng riết rồi quen, nghề dạy nghề, chẳng mấy chốc, anh Minh đã thành thạo mọi công đoạn. Anh chìa đôi tay và thổ lộ: “Nghề nào cũng phải trải qua một thời học việc vất vả, với nghề của mình, để có ngày hôm nay, tay tôi đã phải chai sần như thế này...”. Và “ngày hôm nay” của anh đó là trở thành chủ một cơ sở sản xuất giày dép. Cũng làm theo phần lớn cách được học hỏi từ người chủ trước, song khá hơn là giờ đây, anh mạnh dạn đầu tư mua máy móc, các trang thiết bị hiện đại để hạn chế dùng sức người mà sản phẩm làm ra lại đạt chất lượng, số lượng cũng tăng đáng kể. “Làm chủ là điều mà tôi không ngờ tới, tuy chỉ là một cơ sở nhỏ nhưng số lượng mà khách hàng cần tôi đều cung ứng đủ. Vào mùa cao điểm như Tết thì mới thuê người phụ, còn bình thường, tôi và vợ làm hết các công đoạn. Thu nhập hằng tháng cũng kha khá, thoải mái chi tiêu so với trước đây”, anh hồ hởi.

Anh Trần Việt Anh cùng thợ đang tân trang lại chiếc xe cho khách

3. Chị Huỳnh Thúy (Q. Tân Bình, TPHCM), chủ một tiệm uốn cắt tóc trong một con hẻm nhỏ, nằm trong số những người trẻ ở quê lên phố học nghề và lập nghiệp. Ban đầu, Thúy xin vào một tiệm học làm móng rồi phụ việc ở đây. Sau một thời gian, thấy thu nhập không khá và muốn học thêm nghề tóc để công việc được mở mang hơn, chị đã chuyển đến một tiệm khác lớn và chuyên nghiệp hơn. Chỉ mấy tháng học việc, với niềm yêu thích, Thúy đã nắm bắt được tất cả những kỹ năng căn bản của nghề. Những tháng đi thực tập đã giúp cô thợ trẻ rèn tay nghề để thuần thục hơn. “Các học viên được thầy cho đi thực tập ở những mái ấm, nhà mở, các khu nhà trọ của công nhân. Chúng tôi cắt tóc miễn phí cho mọi người, thầy đứng cạnh bên để hướng dẫn, chỉ bảo thêm. Đây là giai đoạn quan trọng của quá trình học nghề vì có thực hành nhiều thì tay nghề mới khá”, Thúy kể. Sau gần một năm trau dồi, Thúy đã có thể làm thợ phụ cho tiệm với mức thu nhập đủ sống. Thời gian làm thợ phụ cũng chính là lúc chị được hành nghề, tích lũy kinh nghiệm và ấp ủ một cửa tiệm riêng cho mình. Khi đã đủ tự tin để đứng riêng, Thúy quyết định mở tiệm. Và dù là một tiệm nhỏ thôi nhưng cũng đủ để cô bạn trẻ tự hào vì đứng được trên đôi chân của mình. Mỗi ngày, Thúy làm không hết việc, một mình chị đảm đương từ chuyện làm móng cho đến uốn, cắt, duỗi, nhuộm tóc, gội đầu... và dự định sẽ phát triển thêm nghề trang điểm cô dâu trong tương lai gần. Với cô chủ trẻ này, để đứng vững được trong nghề, ngoài niềm yêu thích, còn cần chữ “nhẫn”, nói theo Thúy thì “không kiên nhẫn sẽ dễ bỏ cuộc lắm bởi phải làm hài lòng nhiều khách hàng, cũng gần như làm dâu trăm họ vậy. Nghề làm đẹp cho người khác, mà mỗi người lại có gu thẩm mỹ riêng nên trong quá trình hành nghề, mình cũng phải không ngừng tìm tòi và khám phá để khẳng định bản sắc riêng...”. Khác với chị Huỳnh Thúy, chị Vương Thị Lệ (quận Gò Vấp, TPHCM) phát triển riêng cho mình nghề làm móng. Phần lớn các tiệm uốn cắt tóc cho nữ kiêm luôn việc làm móng tay, móng chân, nhưng chị Lệ mạnh dạn tách riêng công việc này và biến nó trở thành chuyên nghiệp hơn. Không chỉ học nghề từ tiệm, chị còn tìm cách sáng tạo thêm qua việc học hỏi, cập nhật những ý tưởng, cách thức từ trên mạng, qua các clip hướng dẫn. Chị cho biết, ban đầu mới tập tành làm, “thành phẩm” tất nhiên chưa được đẹp, màu sắc pha cũng không đạt như ý. Chị thực tập trên chính mình và người thân quen, rút tỉa được nhiều kinh nghiệm. Giờ đây, người thợ trẻ này đã có thể vững vàng đứng tiệm. Khi khách có nhu cầu mời đến tận nhà làm, chị cũng sẵn sàng. “Mình phải có ý tưởng, sao cho có những bộ móng lạ mắt, vừa ý khách hàng. Ngoài cách pha màu sơn thì cách tạo hiệu ứng 3D cũng rất quan trọng. Bây giờ khách không chỉ đơn thuần sơn móng tay, móng chân mà còn yêu cầu vẽ, trang trí móng nên công việc không đơn giản mà đòi hỏi người thợ phải khéo léo, sáng tạo hơn” chị Lệ cho biết. Một tháng thu nhập của chị khoảng từ 6 - 7 triệu đồng, cũng đủ cho chị phụ với chồng nuôi hai con nhỏ.

Còn nhiều, rất nhiều những bạn trẻ đi lên từ xuất phát điểm là một người thợ. Ở các ngành nghề khác nhau nhưng họ có điểm chung là cùng nỗ lực, biết xác định hướng đi và luôn trau dồi, tích lũy kinh nghiệm với suy nghĩ không chỉ kiếm thu nhập cho cuộc mưu sinh mà còn vươn tới ước mơ được làm việc độc lập với cơ sở do chính mình tự tạo, xa hơn là có thể truyền dạy những kỹ năng mình có được cho thế hệ đi sau.

HỒNG TUẤN – LAN GIAO

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Bên hiên nhà ngụm một tách trà
Bên hiên nhà ngụm một tách trà
Cô em ở Phú Thọ vừa gởi cho gia đình tôi một gói lớn trà. Mẹ em có một quả đồi nho nhỏ trồng trà, đậu phộng, măng tre… này nọ. Cứ gần cuối năm, em thơm thảo tặng phương Nam chút lộc của đất trời.
Xa xứ, vẫn luôn giữ gìn tiếng Việt
Xa xứ, vẫn luôn giữ gìn tiếng Việt
Tôi vẫn nhớ rõ những ngày đầu gia đình nhỏ đặt chân đến xứ sở cờ hoa này. Mặc dù cũng đã chuẩn bị tâm lý và được sự hậu thuẫn của gia đình lớn, nhưng vợ chồng con cái chúng tôi cũng không tránh khỏi những lạc lõng ban...
Thời khắc đen tối trước bình minh
Thời khắc đen tối trước bình minh
Quan niệm của phương Tây về thời gian là dòng chảy một chiều, đã trôi qua là không trở lại. Thế nên triết gia Hy Lạp cổ Heraclitus mới có câu nói nổi tiếng: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”.
Bên hiên nhà ngụm một tách trà
Bên hiên nhà ngụm một tách trà
Cô em ở Phú Thọ vừa gởi cho gia đình tôi một gói lớn trà. Mẹ em có một quả đồi nho nhỏ trồng trà, đậu phộng, măng tre… này nọ. Cứ gần cuối năm, em thơm thảo tặng phương Nam chút lộc của đất trời.
Xa xứ, vẫn luôn giữ gìn tiếng Việt
Xa xứ, vẫn luôn giữ gìn tiếng Việt
Tôi vẫn nhớ rõ những ngày đầu gia đình nhỏ đặt chân đến xứ sở cờ hoa này. Mặc dù cũng đã chuẩn bị tâm lý và được sự hậu thuẫn của gia đình lớn, nhưng vợ chồng con cái chúng tôi cũng không tránh khỏi những lạc lõng ban...
Thời khắc đen tối trước bình minh
Thời khắc đen tối trước bình minh
Quan niệm của phương Tây về thời gian là dòng chảy một chiều, đã trôi qua là không trở lại. Thế nên triết gia Hy Lạp cổ Heraclitus mới có câu nói nổi tiếng: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”.
Bất hòa trong việc dạy con
Bất hòa trong việc dạy con
Mâu thuẫn trong cách dạy con là một trong những nguyên nhân dễ gây bất hòa giữa hai vợ chồng. Nói cho cùng, tất cả cũng xuất phát từ ý thức thương con, muốn cho con nên người, nhưng không phải ai cũng như ai khi dạy dỗ con. Nhiều...
Mau lớn, chậm trưởng thành
Mau lớn, chậm trưởng thành
Nhiều bạn nhỏ ngày nay không chỉ mau lớn về thể chất, mà còn rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin, hiểu rõ “quyền lợi” của mình, nhận thức được vị thế của bản thân trong gia đình.
Quan tâm:  Phải dạy con mới biết!
Quan tâm: Phải dạy con mới biết!
Chị đồng nghiệp than thở, trẻ con bây giờ sao vô tâm quá. Hình như chúng coi việc được cha mẹ phục vụ là đương nhiên, thậm chí muốn con uống sữa thì phải… năn nỉ, “nhờ” chúng mới xong.
Bún xào nghệ ấm lòng ngày chớm lạnh
Bún xào nghệ ấm lòng ngày chớm lạnh
Khỏe không con, bữa nay ít gọi cho mẹ thế? Con bị ho hai tuần nay không hết. Dạo này gần cuối năm công việc bận rộn quá mẹ ạ! Để mẹ lên thăm con một chuyến, mẹ làm món bún xào nghệ ăn vài bữa chắc sẽ đỡ ho…
Những kẻ lesor
Những kẻ lesor
Vào một số hội nhóm của phụ nữ trên mạng, sẽ bắt gặp vài từ khó hiểu như “incel”, “lesor” khi chị em kể xấu đàn ông. Trong tiếng Anh, incel là từ ghép của cụm từ “involuntary celibate” (độc thân không tự nguyện).
Mong con lan tỏa điều tích cực
Mong con lan tỏa điều tích cực
Tối nào cũng vậy, sau khi đánh răng rửa mặt, đọc kinh tạ ơn một ngày đã qua, thì tới tiết mục câu hỏi hoặc kể một câu chuyện để các con có giấc ngủ ngon. Mấy hôm nay, thời tiết giao mùa nên se lạnh làm nhiều người bị...