Nhiều bạn nhỏ ngày nay không chỉ mau lớn về thể chất, mà còn rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin, hiểu rõ “quyền lợi” của mình, nhận thức được vị thế của bản thân trong gia đình.
Chị Bảo Trân (quận Tân Bình) có con trai và cháu gái kêu bằng dì, đều học ở một trường quốc tế. Hai đứa trạc tuổi, chơi với nhau từ bé, cho tới bây giờ cũng chỉ hai đứa chơi với nhau. Được hấp thu từ nền giáo dục tân tiến, nhưng hai bạn nhỏ gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp, ấp úng khi diễn đạt ý của mình thành lời. Ngoài ăn ngủ và đi học, hai đứa trẻ chẳng hề phải nhúng tay chuyện gì, tất cả đã có người giúp việc lo hết.
Một bộ phận cha mẹ có thói quen bảo bọc con, dành cho trẻ mọi thứ, đúng kiểu đặt con ở vạch đích. Họ quan niệm con cái “sinh ra miệng ngậm thìa vàng” sẽ là bàn đạp, giúp con trẻ trở thành những “phiên bản” giỏi giang xuất sắc chẳng hạn. Những người trẻ này khi vào đời sẽ quen hưởng thụ, không ước mơ, chẳng mục đích, dễ nghiện “game” và sa lầy vào các chiêu trò trên mạng, “hệ miễn dịch” yếu kém trước các cám dỗ xấu. Nhiều bạn đã ở độ tuổi đôi mươi vẫn dành hầu hết thời gian trong ngày cho cái màn hình cảm ứng, thích bắt chước thần tượng, sành điệu không chịu thua chị kém em, và rất giỏi… tiêu tiền. Họ trưởng thành về thể xác, nhưng tâm hồn hay ý thức vẫn như một đứa trẻ, dửng dưng, thậm chí thiếu trách nhiệm trước nhịp sống quanh mình.
Đã có nhiều cảnh báo về sự ích kỷ, thờ ơ, vô tâm của một bộ phận giới trẻ. Xu hướng “sống bám, ỷ lại vào cha mẹ” không phải là hiếm gặp, nhất là ở các thành phố lớn. Không thể phủ nhận giới trẻ hiện nay với các thế mạnh về kiến thức, về ngoại ngữ, có tâm thế của một công dân toàn cầu. Họ không chỉ sở hữu ngoại hình nổi trội mà còn có các kỹ năng đáng nể. “Tụi nhỏ bây giờ giỏi quá, không chậm chạp mù công nghệ như thời chúng ta” là nhận xét dành cho thế hệ 9x, 2k. Nhưng đâu đó, vẫn tồn tại những “đứa trẻ mau lớn”, nhưng rất “ngại trưởng thành”!
Tại cơ quan nọ, một chương trình đào tạo đã lên hẳn nội dung “Đối phó với nhân sự trẻ hay đòi nghỉ việc đi chữa lành”. Những khái niệm như gen Z… lật bàn, khó thích nghi, dễ tự ái, hay tổn thương và phản ứng thái quá nơi công sở…, luôn khiến chủ doanh nghiệp phải lâm vào thế khó xử.
Lỗi thiếu sót đầu tiên là từ gia đình, nhưng một “sản phẩm chất lượng kém” cũng có thể nằm ở khâu đào tạo, nơi mà người ta nương theo sự dễ dãi sẵn có của xã hội ngày càng xem trọng vật chất nữa.
Hải Đăng
Bình luận