Những cái lý do…
Dạo quanh các siêu thị, trung tâm thương mại những ngày này, đã thấy nhiều chương trình khuyến mãi nhộn nhịp dịp cuối năm bắt đầu được các nhãn hàng triển khai. Không riêng gì cánh phụ nữ nói chung, mà cả giới trẻ cũng có thể sa vào những đợt giảm giá rầm rộ đầy chủ đích ấy. Từ đó, dễ dẫn tới việc “vung tay quá trán”, mua sắm vô tội vạ, mất kiểm soát. Tâm lý ham của rẻ, sợ mình bỏ lỡ “giá hời” sẽ dễ bước sang cảnh mua nhiều hơn nhu cầu của bản thân và gia đình. Kiểu “không mua thì tiếc lắm!” ấy thường kèm theo nhiều tiếng thở dài hối tiếc phía sau.
Thêm vào đó là suy nghĩ “mùa lễ hội đã tới, sao có thể thiếu đồ mới diện Giáng Sinh, đón tết tây, tết ta cho được”! Ngay cả những vật dụng trang trí, đồ gia dụng, nội thất cũng manh nha được thay mới. Khái niệm lỗi mốt, không hợp xu hướng, “đồ này quê rồi” càng khiến cho tâm lý tiêu dùng phát triển.
Người ta viện vào lý do “cả năm vất vả cày bừa, thưởng cho bản thân đi chứ”. Hoặc vĩ mô hơn, là có khuyến khích lưu thông dòng tiền thì xã hội và nền kinh tế mới phát triển được, để bao biện cho việc chi tiêu vô tội vạ.
Lựa chọn tiết kiệm
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều người chọn mua sắm có kiểm soát. Việc này không khó, quan trọng là đã sẵn sàng muốn thay đổi xu hướng tiêu dùng, chọn sống xanh, sống tối giản để nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn chưa? Thay vì thỏa thích lấp đầy giỏ hàng, họ liệt kê những thứ thật cần thiết, cân nhắc kỹ trước khi thanh toán.
“Khéo co thì ấm”, một số gia đình chấp nhận cũ người mới ta, sửa sang, thay đổi vài phụ kiện để có thể tận dụng các món đồ dùng đang sở hữu, thay vì bỏ phí. Quần áo, giày túi, hóa mỹ phẩm trong tủ còn nhiều, có thể tranh thủ xài hết chứ không sắm thêm. Chị Kim Ngân (quận 10, TPHCM) chia sẻ: Tôi thực hành tiết kiệm các khoản trang điểm, ăn diện, khi ngoài kia rất nhiều người còn thiếu thốn những thứ căn bản như cơm ăn áo mặc. Món nào xa xỉ, chưa thiết yếu, có thể bỏ qua.
Năm nay kinh tế khó khăn chung, và chúng ta sẽ cảm nhận được sự may mắn của mình nếu trong túi rủng rỉnh tiền, tiêu không phải nghĩ. Còn lại, rất nhiều người chật vật để mưu sinh hằng ngày, trang trải các khoản ăn học cho con cái. Từng cá nhân không có thu nhập tốt, doanh nghiệp cũng bộn bề áp lực lo toan, cứ nhìn sự cân đo chặt chẽ của người giữ tay hòm chìa khóa trong mỗi gia đình, sẽ rõ.
Trao đi nhiều hơn
Nếu để ý, nhiều người không khó để nhận ra, gần nhà mình có một nơi gọi là mái ấm, hay mỗi buổi đi làm sẽ ngang qua những người vô gia cư. Dù mảnh đất phương Nam không có mùa đông, nhưng vẫn đủ khiến cho người ta phải co ro khi đêm về sáng. Hay như, đâu đó ở vùng cao nguyên xa xôi, rất nhiều trẻ em và thậm chí cả người lớn, cũng chưa đủ no đủ ấm…
Mọi người đang góp phần làm Trái đất thêm trĩu nặng bởi rác thải từ việc sắm sửa theo mùa, hay những sự “lên đời” đầy đua chen mà chưa thật sự cần thiết. Một chút chia sẻ trong khả năng của mình để “mùa đông không lạnh”, và chi tiêu “vừa đủ dùng” sẽ giúp mỗi người trong chúng ta quản lý tốt chi tiêu của mình, nhất là trong thời điểm cuối năm này.
Hoàng My
Bình luận