Bị cuốn theo dòng chảy của xã hội hiện đại, người ta dần buông bỏ thói quen đọc sách mà thay vào đó là tập trung đến các thiết bị điện tử. Riêng đối với người Công giáo, mảng sách đạo có còn được quan tâm hay việc tìm đọc cũng dần bị lãng quên?
NGHĨ THÊM MỘT CÁCH TRUYỀN GIÁO
Lm Giacôbê Đỗ Huy Nghĩa (Quản thủ thư viện dòng Đaminh): Thư viện của nhà dòng có khoảng một trăm ngàn đầu sách viết bằng tiếng Việt và nhiều tiếng nước ngoài, chủ yếu là sách chuyên môn, học thuật dùng để nghiên cứu như triết học, thần học; ngoài ra là các mảng thưởng thức khác như văn học, giáo dục, khoa học… phục vụ các linh mục, tu sĩ và một số giáo dân có nhu cầu. Tương lai tu viện cũng mong muốn mở rộng ra cho đại chúng, nhằm khuyến khích mọi thành phần giáo hữu yêu thích sách có thể làm thẻ và mượn sách về đọc, đồng thời trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và giới thiệu sách cho mọi người. Bởi đây cũng là một cách truyền giáo của nhà dòng, hy vọng góp phần thúc đẩy văn hóa đọc sách đạo, nâng cao tri thức và đời sống đức tin cho người Công giáo.
SÁCH BÁN CHẬM
Bà Nguyễn Thị Nữ (Nhân viên nhà sách nhà thờ Đắc Lộ, TGP.TPHCM): Tôi thấy 2 năm trở lại, sách đạo bán chậm, như nhà sách Đắc Lộ hiện chỉ còn 50 đầu sách, số lượng giảm hẳn so với nhiều năm trước. Tôi dành thời gian tìm hiểu, đọc trước khi nhập sách về, chọn những sách có nội dung phổ biến với người đọc, chủ yếu là sách giáo lý cơ bản, sách suy niệm… Trước đây, khách hàng khá ổn định, đối tượng là người trung niên, người cao tuổi, nhưng gần đây khách hàng giảm vì một số đi định cư nước ngoài, ngoài ra người cao tuổi thị lực ngày càng kém khiến họ khó khăn trong việc đọc sách, còn giới trẻ đa số chọn đọc trên mạng internet. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông phát triển mạnh, mọi người dễ dàng tìm được những thông tin cần thiết mà không cần phải đến các nhà sách tìm nguồn nghiên cứu. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì việc bán sách đạo, vì những sách này giúp bổ sung kiến thức, rất cần thiết trong đời sống đức tin của mỗi người.
ÍT CÂY VIẾT SÁNG TÁC
Chị Nguyễn Yến Nhi (Gx Tây Ninh, GP Phú Cường): Tôi hiếm khi chủ động tìm đến nhà sách Công giáo để mua đọc, một phần vì từ trước đến nay không có thói quen đọc sách, thêm nữa vì con còn nhỏ, không có thì giờ nên càng ngại đọc. Một dịp tình cờ được người bạn tặng vài quyển sách đạo nên tôi dành ít phút rảnh hiếm hoi để đọc thử. Đây là những tuyển tập truyện ngắn của những tác giả trẻ, lời văn kể dung dị mà câu chuyện cũng xúc động nên rất dễ đọc. Đối với những người trẻ như tôi, thể loại sách này có lẽ sẽ thu hút, bởi nội dung không hề nặng nề khô cứng nhưng vẫn mang đậm tinh thần Công giáo, chuyển tải những thông điệp Tin Mừng. Thế nhưng, có vẻ như những cây viết sáng tác hiện nay vẫn còn ít nên các đầu sách này vẫn chưa phong phú lắm. Thật đáng tiếc!
CẢM HỨNG TỪ TRUYỆN TRANH KINH THÁNH
Anh Nguyễn Minh Thế (Gx Tân Việt, TGP.TPHCM): Tình cờ được mời cộng tác trong dự án vẽ sách giáo lý của TGP.TPHCM, vì vướng bận nhiều việc nên từ cuốn thứ 2 đến cuốn thứ 7, tôi chỉ tham gia vẽ bìa. Trước đó, tôi tham khảo nhiều đầu sách giáo lý của Pháp, Ý, Mỹ và Philippines, mỗi nước có cách trình bày và thể hiện từ hình ảnh đến bố cục rất thú vị. Sách truyện cho thiếu nhi ngày trước và bây giờ có sự khác biệt rõ rệt, cách trình bày văn bản kèm với hình ảnh không còn quá khuôn khổ, tạo cảm giác khô khan..., mà trái lại hình ảnh sinh động, bắt mắt và gần gũi với trẻ. Riêng tôi, làm trong ngành minh họa, đi bất cứ đâu cũng chỉ muốn được ngồi hàng giờ trong nhà sách để đắm mình vào thế giới sách thiếu nhi trong sáng từ nội dung đến lối minh họa. Sách truyện Kinh Thánh cho thiếu nhi trở nên phổ biến hơn với hình ảnh minh họa thể hiện tính cách, sự chuyển động của nhân vật, dù là hình ảnh tĩnh và sự hài hòa về màu sắc giúp người đọc dễ dàng tái hiện các chuỗi sự kiện. Tôi nghĩ phụ huynh nên tạo điều kiện cho trẻ em yêu thích đọc sách truyện Công giáo bằng hình ảnh sinh động. Những câu chuyện với nội dung ý nghĩa và giúp ích cho đời sống đạo là nền tảng phát triển nhân cách và giúp thế hệ trẻ có khả năng tư duy cao hơn.
PHÁT TRIỂN SÁCH ĐẠO ĐÚNG HƯỚNG
Chị Nguyễn Ngọc Phương Anh (Gx Thái Hòa, GP Xuân Lộc): Là một giáo lý viên, tôi cũng có tìm đọc sách Công giáo vì muốn tích lũy thêm cho mình những kiến thức về đạo để có thể hướng dẫn các em thiếu nhi một cách tốt nhất. Tôi cảm thấy sách đạo có đề tài phong phú và đa dạng ở mọi thể loại, những câu chuyện được trình bày một cách logic và sách thiếu nhi được minh họa thêm những hình ảnh sinh động để khuyến khích trẻ nhỏ đọc nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng, để tăng thêm sự nhận biết và quan tâm của các Kitô hữu với sách đạo thì việc lập tủ sách tại các nhà thờ cho mọi người có thể đến đọc là điều cần thiết. Thêm vào đó là tổ chức những buổi tọa đàm, giới thiệu sách Công giáo để hướng dẫn và hiểu sâu hơn nhu cầu của độc giả, từ đó phát triển sách đạo phù hợp với mong mỏi của các tín hữu.
Bình luận