Sụt cân nếu như không phải do chủ ý (ví dụ như ăn kiêng để giảm béo, vận động nhiều...) thì thường nhiều người không quan tâm và hay chủ quan, vô tình đến khi phát hiện ra một căn bệnh nào đó mới giật mình. Thực ra, đây có thể là dấu hiệu của một bệnh nặng hay một bệnh nhẹ, thường gặp trên nền bệnh mạn tính. Đôi khi nhiễm siêu vi cũng có thể dẫn đến tình trạng sụt cân kèm theo chán ăn, mệt mỏi. Nếu một người khỏe mạnh, bỗng nhiên gầy đi thì đó là một dấu hiệu bất thường. Có rất nhiều nguyên nhân có thể đưa đến tình trạng này.
* Bệnh tuyến giáp trạng: ngoài sụt cân ra, còn có thể kèm theo một số triệu chứng như ra nhiều mồ hôi, cảm giác nóng bức, tim đập nhanh...
* Các bệnh lý nhiễm trùng như lao, ký sinh trùng, vi trùng, ngoài sụt cân, còn kèm theo sốt, mệt mỏi toàn thân, giảm sự thèm ăn...
* Ung thư: thường gây sụt cân từ từ, có thể đi kèm với chán ăn, sốt nhẹ, đau âm ỉ ở một vùng nào đó, mệt mỏi... tùy vào từng loại ung thư, vị trí, giai đoạn và các bệnh nền có sẵn của bệnh nhân mà tổng trạng hay cân nặng giảm nhiều hay ít.
* Bệnh lý dạ dày, ruột: Một số bệnh thuộc về hệ tiêu hóa có thể làm bệnh nhân sụt cân do tình trạng bất thường dẫn đến kém hấp thu các chất dinh dưỡng, mặc dù người bệnh vẫn ăn uống bình thường. Cũng có khi chính những bệnh này gây ra sự chán ăn (chẳng hạn như tiêu chảy, viêm tụy, viêm loét dạ dày...).
* Suy nhược cơ thể: kèm theo các dấu hiệu như mệt mỏi, chán ăn, bệnh nhân có thể nhịn ăn hoàn toàn, kém tập trung, khó ngủ, lo âu...
* Tiểu đường: có thể xuất hiện những triệu chứng như ăn nhiểu, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhanh.
* Dinh dưỡng: thường hay gặp ở trẻ em, ví dụ trẻ ham chơi, không ăn uống đúng giờ hay do ăn vặt nên tới bữa chính thì no, lâu dần đưa tới suy dinh dưỡng.
Tuy nhiên, không phải sụt cân nào cũng có thể chẩn đoán ra bệnh ngay, rất nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân và đòi hỏi bác sĩ phải hẹn tái khám nhiều lần, làm nhiều xét nghiệm cận lâm sàng cũng như thăm khám chi tiết mới phát hiện được.
BS. NGUYỄN NHẬT UY
(Bv Nhân Dân Gia Định)
Bình luận