Truyện ngụ ngôn “Dê đen và dê trắng” có lẽ nhiều người vẫn được nghe kể từ thời mẫu giáo, lớn lên hóa ra lại cảm thấy giàu ý nghĩa hơn ta tưởng. Trẻ con chỉ biết đây là câu chuyện về lòng dũng cảm, tự tin và cách ứng xử trong tình huống bị kẻ xấu đe dọa.
Trong truyện, có vẻ như dê đen và dê trắng cùng tuổi nhau, đều lâm vào tình huống giống nhau. Có điều, cách đối phó với con sói rất khác nhau: dê trắng run sợ, yếm thế, nói năng khúm núm; dê đen vô cùng gan dạ, cứng cỏi, tỏa ra khí thế lấn át cả sói dữ. Thật ra hai chú dê đều có lợi thế tương đồng, tiếc thay trái tim nhút nhát của dê trắng đã tự biến sừng và móng của nó thành thứ vô dụng; dê đen thì dùng “trái tim thép” để làm cặp sừng trở nên cứng như kim cương. Lòng dũng cảm của dê đen như lưỡi dao sắc bén, làm con sói phải nhụt chí rồi bỏ chạy.
Đúng như một bài hát Anime từng khẳng định: “Thứ hạ gục được con mồi không phải là kỹ năng hay vũ khí mà chính là ý chí chiến đấu kiên cường”.
*
Trong chiến tranh và cuộc sống, nhiều khi ta phải giả vờ yếm thế, yếu kém để kẻ địch coi thường và chủ quan. Từ đó, nhân sự trễ nãi của địch, thuận thế mà chống trả. Thời nhà Trần chống quân Mông Cổ, chiến thuật vờ thua chạy để nhử địch được các bậc tướng tài vận dụng nhiều lần, điển hình là trận chiến sông Bạch Đằng năm 1288. Tuy nhiên, cũng có trường hợp con người phải giống chú dê đen, dũng cảm dốc toàn lực uy hiếp, tấn công đối thủ mới có cơ may thoát nạn. Bởi khi hai đội quân giao chiến trong tử địa, bên nào dũng cảm hơn thì thắng, “không phải là một người khỏe, muôn người yếu, chỉ vì quyết chết và không quyết chết hai đằng khác xa nhau đó thôi” (binh pháp Tôn Tử). Danh tướng nhà Hán là “Binh Tiên” Hàn Tín đã vận dụng chiến thuật này trong trận Tỉnh Hình, còn gọi là trận Bối Thủy, khi ông dồn một vạn quân vào thế kẹt bên bờ sông, quân sĩ chỉ còn cách chiến hoặc chết nên ai cũng liều mạng xông pha. Cuối cùng, trận ấy phe Hàn Tín giành thắng lợi dù lực lượng ít hơn.
Giá trị của lòng can đảm, của “trái tim thép” và “đôi sừng kim cương” từ lâu đã được nhiều vĩ nhân đề cao. Nữ hoàng nổi tiếng nhất nước Nga, Catherine Đại đế hay Catherine II, từng nói: “Ta mong ngươi hãy can đảm, linh hồn anh dũng có thể cải thiện cả tai ương”.
Ths-Bs Lan Hải
Bình luận