Không lạ khi chuyện tăng lương của người lao động cùng lạm phát đều đặn, đã kéo theo sự tăng giá của dịch vụ, hàng hóa. Không ít người vẫn mong giá cả bình ổn sao cho đồng lương tăng thực sự có giá trị. Nhưng, trước khi giá các mặt hàng được kiểm soát hướng tới sự ổn định, mỗi cá nhân phải tự điều chỉnh việc chi tiêu để không bị “cháy túi”, hay thâm hụt ngân sách gia đình…
Đi chợ gần đây, chị Nguyễn Thị Lan (Q.Tân Bình, TPHCM) nhận ra giá cả hàng hóa tăng lên so với trước, như thịt heo tăng từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg; rau xanh tăng từ 3000 - 5000 đồng/mớ tùy loại. Mới hôm nào chị bán rau còn vui vẻ cho thêm đôi ba cọng hành lá vào bịch rau cho khách, nay muốn có hành, phải mua thêm vài ngàn. Một bạn trẻ đi chợ giúp mẹ, chưa cập nhật giá, trả tiền như trước đây khi mua hàng, liền nghe ngay câu nói từ chị tiểu thương: “Giá đó cũ rồi em à!”.
Là công nhân nhập cư ở một huyện ngoại thành Hà Nội, anh Nguyễn Nam cho biết, khi đi ăn sáng, anh thấy các quán bình dân cũng tăng giá nhẹ, trước ăn bát bún chỉ 30.000 đồng, nay lên 35.000/bát; bánh mì từ 15.000 đồng lên 17.000, có nơi 20.000 đồng/ổ.
Người nội trợ trong gia đình xem ra là người vất vả nhất, khi phải quán xuyến, tính toán sao cho mọi chi tiêu vẫn đảm bảo “như xưa”, trong tình hình mọi chi phí đã không còn “như xưa” và trong giới hạn thu nhập cho phép. Chị Thanh Hà (Q.Bình Tân, TPHCM) chia sẻ, gần đây lương của hai vợ chồng có tăng lên chút, nhưng khi đi chợ thì giá các mặt hàng thiết yếu cũng vọt lên nên chị vẫn phải tính toán sao cho bữa ăn gia đình vẫn đủ chất lượng mà không phải thâm vô các khoản chi khác. “Gia đình tôi tiết giảm tiêu dùng những thứ khác như bớt xài điện, cân nhắc trong việc mua sắm và mua những thứ thật cần thiết. Còn về việc ăn uống thì không thể dè xẻn quá, dễ ảnh hưởng sức khỏe, không đủ sức làm việc, học hành…”, người phụ nữ trung niên nói. Một số chị em nội trợ khác cũng cho thấy một thực tế tại gia đình mình, rằng để duy trì bữa ăn ngon cho cả nhà, vừa đủ chất, lại không quá tốn kém trong thời vật giá tăng, cũng là một bài toán. Có người, trước khi đi chợ phải nhắm trước sẽ mua gì, chọn sạp hàng nào bán rẻ hơn; mua hai, ba món cùng một chỗ để được bớt giá chút nào hay chút đó…
Giá cả tăng, một bộ phận những người lao động bình dân không nằm trong hệ thống được điều chỉnh “tăng lương” có vẻ lo lắng nhiều hơn. Họ phải nghĩ cách kiếm thêm thu nhập để đáp ứng những nhu cầu căn bản của gia đình. Những người giữ vai trò trụ cột kinh tế trong nhà như các ông chồng, không thể làm lơ hay vẫn chỉ đưa số tiền như trước cho vợ để lo các khoản chi tiêu chung. Nhiều gia đình khi phải chọn lựa, thường chọn cắt giảm những thú vui, giải trí. Như nhà anh Đinh Phú (Q. Bình Thạnh), nếu trước đây mỗi cuối tuần hay vào các khu vui chơi như Suối Tiên, Đầm Sen, công viên nước… hoặc đến các khu trung tâm thương mại “săn” hàng giảm giá, thì nay thường quây quần ở nhà xem phim trong ngày nghỉ. Dẫu không thú vị lắm nhưng họ xem đây là cách tiết kiệm chi tiêu cho gia đình, có thể chấp nhận được.
Giá cả tăng, đặt ra vấn đề về ý thức tiêu dùng với nhiều người; theo đó, một lối sống giản dị, mua sắm vì cần chứ không phải vì thích, “liệu cơm gắp mắm” là đáp án khả dĩ hiện nay cho bài toán chi tiêu gia đình.
GIA PHAN
Bình luận