Một cô vợ bị chồng bạo hành nhưng không thể dứt khoát ra đi. Nguyên nhân chính là vì đứa con gái duy nhất rất quấn ba. Nếu vợ chồng chia tay, kiểu gì nó cũng đòi ở với ba. Người vợ thừa biết chồng sẽ bỏ bê con cho ông bà nội. Bởi anh ta chỉ thích chơi với con khi có nhã hứng hoặc khi con thơm tho sạch sẽ, lúc cảm thấy phiền phức thì giao ngay con cho vợ.
Không muốn con còn quá nhỏ đã phải chịu thiệt thòi, cô đành ngậm đắng nuốt cay. Cô không hiểu sao con gái thích ba hơn mẹ cho đến khi đứa trẻ ngây ngô nói: “Mẹ toàn la và phạt con, ba thì lúc nào cũng vui vẻ chơi với con. Ba yêu con nhiều hơn mẹ!”. Nghe xong, cô thẫn thờ, chợt liên tưởng đến chuyện nuôi thú cưng của một người bạn. Bạn ấy từng than thở rằng mình đã khổ công chăm bẵm, chi tiền khám chữa bệnh và… hốt phân cho thú cưng, thế mà nó chỉ coi bạn ấy như con sen và thích quấn lấy chồng bạn - người chỉ cưng nựng, chơi đùa cùng nó khi rảnh rỗi.
Đứa con gái của cô và con thú cưng của bạn ấy có điểm chung: đều suy nghĩ đơn giản, không hiểu được sự nghiêm khắc, lao tâm khổ tứ của người nuôi nấng, dạy dỗ. Người chăm sóc chúng chu đáo nhất, chưa chắc chúng đã công nhận; người thỉnh thoảng nổi hứng chơi với chúng, chúng lại cảm thấy đó là “tình yêu đích thực”. Có lẽ khi con bé lớn hơn mới hiểu ra sự vô tâm của bố và nỗi niềm của mẹ, còn bây giờ…
***
Trong vở chèo “Quan Âm Thị Kính”, khi Thị Kính bị nhà chồng vu oan và đuổi đi, giữa đường nàng đã lặng lẽ đi tu, tránh để cha mẹ ruột thêm mất mặt. Trước lúc đi, nàng âm thầm hướng về nơi có quê hương, bái lạy nghiêm từ tôn kính. “Nghiêm từ” ở đây chỉ cha nghiêm khắc và mẹ hiền từ - mẫu hình thường thấy của gia đình thời xưa. Nếu cả cha lẫn mẹ đều quá cứng rắn và nghiêm khắc, con cái sẽ cảm thấy bản thân không được thừa nhận, có thể khiến chúng tự ti, rụt rè. Nếu hai đấng sinh thành đều quá mềm mỏng, nuông chiều thì con sẽ vô kỷ luật, ngang ngược, dễ sa vào thói hư tật xấu. Vì vậy, cần có đủ “nghiêm” và “từ” mới có thể dạy dỗ con trẻ nên người.
Cha mẹ cưng chiều con thái quá thường xuất phát từ hai nguyên nhân: Hoặc do bản tính dễ mềm lòng, thiếu cương quyết, hoặc không quan tâm sát sao đến việc giáo dục con, ưu tiên nhu cầu bản thân hơn là dành thời gian bên con.
Với người chồng bạo hành vợ ở câu chuyện trên, anh ta thuộc nguyên nhân thứ hai. Trong mắt anh, dường như con gái nhỏ chẳng khác gì thú cưng. Thỉnh thoảng rảnh rỗi, buồn chán thì chơi với con một lúc sẽ thấy vui, nhưng nếu phải chịu trách nhiệm ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh cho con thì anh sẽ chối đây đẩy hoặc làm qua loa. Lúc đứa trẻ còn bé, nó thích sự dễ dãi, vui vẻ của người cha vô tâm và xa lánh mẹ mình vì nghĩ mẹ dữ dằn. Sự nuông chiều ấy như viên đạn bọc đường, để lâu thì “đường” hết chỉ còn “đạn”, gây hại tới sự trưởng thành của trẻ.
Chăm sóc gia đình đòi hỏi lòng kiên nhẫn vô biên, vì những chuyện tưởng chừng vặt vãnh trong dạy dỗ con cái, lặp đi lặp lại sẽ trở thành gánh nặng. Tuy nhiên, trách nhiệm nặng nề ấy là điều tất yếu để có được một mái ấm bền vững. “Thời gian dành cho gia đình không phải vấn đề tiện hay không, mà là vấn đề của sự ưu tiên” (khuyết danh).
Ths-Bs Lan Hải
Bình luận