Từ ngày 1.2.2016, cảnh sát giao thông Hà Nội bắt đầu xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông (theo nghị định 171/2013/NĐ-CP). Hầu hết các trường hợp rơi vào các lỗi như vượt qua dải phân cách, đi bộ sai phần đường quy định...
Theo số liệu thống kê của Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) trong năm 2015, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 1.696 vụ tai nạn giao thông, trong đó tai nạn liên quan đến người đi bộ là 112 vụ, tai nạn do người đi bộ gây ra là 33 vụ. Số liệu này cho thấy, đối tượng tham gia giao thông là người đi bộ cũng cần phải được lưu ý, nhắc nhở, xử phạt để giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc trên.
Hơn 20 năm về trước, xe cộ không nhiều, người đi bộ chưa xé rào, giẫm lên giải phân cách, trèo qua lan can như bây giờ. Có lẽ vì thế nên lâu nay, luật giao thông chưa quan tâm đến đối tượng này mà hầu như các xử phạt đều tập trung vào người sử dụng các phương tiện giao thông.
Xử phạt người đi bộ phạm luật giao thông là một nét mới, để người dân dù không tham gia lái xe mà chỉ đi bộ trên đường - biết tôn trọng trật tự an toàn giao thông hơn. Nhưng song song với đó, có ý kiến cho rằng cũng nên quan tâm đến phần đường dành cho người đi bộ, giải phóng lề đường thông thoáng để họ được đi đúng lối của mình. Trước khi xử phạt cũng nên có thời gian tuyên truyền bởi thực tế, như báo chí đăng tải, khi cảnh sát giao thông Hà Nội bắt đầu xử lý người đi bộ phạm luật, có nhiều người khi bị gọi lại đã ngơ ngác không hiểu mình mắc lỗi gì...
NGUYỄN VĂN VIỆN(Quận 3, TPHCM)
Bình luận