Giáo phận Hà Nội là một giáo phận lớn, là trung tâm đầu não của Giáo hội Công giáo phía Bắc, đây cũng là một trong số địa điểm tiếp nhận văn hóa Công giáo sớm nhất và cũng là giáo phận đầu tiên có báo chí Công giáo.
Nếu tính từ thời điểm xuất hiện tờ báo tiếng Việt đầu tiên tại Hà Nội (năm 1905 với tờ Đại Việt tân báo) thì lịch sử báo chí Hà Nội tính đến nay đã trên 100 năm. Hơn một thế kỷ tồn tại, báo chí là nguồn tư liệu phong phú, mang những sắc thái riêng. Trong dòng chảy chung của báo chí Hà Nội, mảng báo Công giáo có một lối đi riêng, thâm trầm, lặng lẽ, ít ồn ào và (có vẻ) ít được quan tâm (như các dòng báo chí khác), thậm chí có những tờ báo Công giáo khá tiêu biểu như Trung Hòa Nhật báo, Đức Bà hằng cứu giúp, Hành động, Hồn Công giáo đến nay vẫn là một khoảng trống chưa được nghiên cứu.
Báo chí Công giáo Hà Nội trước năm 1945 |
Vài nét về báo chí Công giáo Hà Nội trước 1945
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV đã nhận định: “Báo chí Công giáo ! Đó là một công cuộc thiết yếu đệ nhất, hãy hết sức bảo toàn lấy, và làm cho nó thịnh vượng lên. Hãy khuyến khích, tán trợ cho Báo chí Công giáo dầu phải thiệt rất nhiều cũng nên cam chịu” (Hành Động, số 1 năm 1940). Báo chí Công giáo Hà Nội (BCCGHN) cũng ra đời dựa trên lý do tôn giáo chính yếu như thế, khi Giáo hội địa phương nhận thức sâu sắc sức mạnh của báo chí trong truyền giáo, đã thành lập tại Hà Nội những tòa báo Công giáo Bắc kỳ đầu tiên.
Về vị thế, Hà Nội trong một thời gian dài luôn là bộ phận quan trọng nhất của địa phận Tây Đàng Ngoài rộng lớn, những thành tựu truyền giáo trên mảnh đất này không chỉ có ý nghĩa quyết định với các giáo phận Bắc kỳ mà còn với Việt Nam, bởi Hà Nội trong một chừng mực nào đó là một trung tâm đầu não của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Có thể nói trong những năm đầu của lịch sử báo chí Hà Nội, người Công giáo hoàn toàn có lợi thế bởi họ nắm trong tay kỹ thuật in ấn mới, hệ thống các nhà in hiện đại, họ có một đội ngũ những người làm báo “có nghề” và độc giả, đó là chưa kể đến lợi thế về chữ quốc ngữ. Chính vì vậy, BCCGHN vẫn luôn là dòng báo “sắc nét” nhất so với báo chí các tôn giáo khác. Dưới đây là hai tờ báo Công giáo tiêu biểu ở Hà Nội thời đó :
* TRUNG HÒA NHẬT BÁO
Trong suốt 22 năm tồn tại với 3091 số báo (số đầu in ngày 8.9.1923), tờ báo này là một nguồn tư liệu đồ sộ, có nhiều giá trị khi nghiên cứu lịch sử tôn giáo và tình hình Bắc kỳ đương thời. Ngay từ số đầu khi vừa xuất hiện, tờ báo đã thể hiện một lối làm báo chuyên nghiệp hơn cả so với các tờ báo cùng thời với các bài xã luận khá sâu sắc, hình ảnh minh họa đẹp mắt, thông tin thời sự cập nhật. Tờ báo đã nhanh chóng thu hút được một lượng độc giả đông đảo.
Về hình thức, tờ báo từ năm 1923 đã được in khổ lớn 44cm x 60 cm. Đến năm 1939 thì đổi sang khổ nhỏ, thường gồm 4 trang. Dù gọi là “nhật báo” nhưng báo ra vào thứ tư và thứ bảy hằng tuần. Trang số 1 thể hiện dòng chữ “TRUNG HÒA NHẬT BÁO” in đậm và sắc nét bằng cả tiếng Trung và tiếng Việt, ngay sau dưới tên báo là dòng chữ “Giữ đức ái nhân, noi theo chân lý…”. Tiêu ngữ này nêu tôn chỉ bất biến của tờ báo trong suốt thời gian tồn tại.
Công cuộc sáng tạo chữ Quốc ngữ của giáo sĩ Đắc Lô được trình bày khá rõ trên Trung Hoà nhật báo |
Báo có các mục chính như Xã luận, Việc thế giới, Tin Đông Pháp, Tôn giáo tân văn, Văn tuyển, Quảng cáo, Rao vặt… Trong đó, những bài viết giá trị nhất bàn đến những vấn đề lớn trong truyền giáo, lịch sử các ngày lễ trọng của đạo, thái độ với văn hóa, chính trị, giai cấp, phổ biến khoa học, chữ quốc ngữ, bình đẳng giới thường nằm ngay trong phần đầu tiên của trang 1, vì vậy trang này cũng là trang quan trọng nhất trong mỗi số báo.
Là một tờ báo được bảo hộ, ngay từ số đầu năm 1923, Trung Hòa nhật báo đã thể hiện rõ tôn chỉ, mục đích, những lĩnh vực quan tâm, phản ảnh : “Hễ điều gì cần cho quốc dân, không cứ là về tinh thần, về trí thức, về vật chất thì bản báo đều bàn đến cả. Bản báo sẽ bàn đến cả việc học vấn, việc giáo dục, việc canh nông, việc công nghệ, việc buôn bán, cùng việc vệ sinh, nói tóm lại là không kể việc gì, miễn là có thể mưu được hạnh phúc, tăng được trí thức, bổ được tinh thần cho dân tộc mình…”. Tất nhiên, ưu tiên số một vẫn là cổ võ đời sống đạo : Báo luôn đăng tải những bài viết tôn vinh Thiên Chúa, ca ngợi Đức Mẹ Maria, truyền bá thông tin về những ngày lễ trọng trong đạo; bên cạnh đó là những thông tin cập nhật về hoạt động của Giáo hội và đời sống giáo dân. Với văn hóa dân tộc, tờ báo giữ được thái độ “trung hòa”: “Ôi một nước được gọi là nước văn minh thì phải có cái cốt tử là nền đạo đức luân lý cho thật vững, phải giầu về những cái phong hóa tốt, cái lề thói hay; chớ không phải chỉ chuyên ở đâu cái khoa học mở mang, kinh tế rộng rãi, kỹ nghệ khôn khéo, buôn bán thịnh vượng mà đã là đủ đâu…” (Trung hòa nhật báo, số ra ngày 12.9.1923). Rõ ràng như chính lịch sử tư tưởng của dân tộc, báo chí phản ánh sâu sắc cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, cái truyền thống và cái hiện tại, cái được cho là “hủ tục lạc hậu” và “văn minh, khoa học”. Đã có một số lượng không nhỏ các bài viết như thế trên Trung Hòa nhật báo.
Với vai trò là một kênh hữu hiệu truyền bá văn minh phương Tây sâu rộng, tờ Trung Hòa nhật báo đã rất tích cực trong việc truyền bá chữ quốc ngữ, vận động tôn vinh người sáng lập ra chữ quốc ngữ, phổ biến những tri thức khoa học, vệ sinh phòng bệnh… vốn rất mới mẻ với người dân Annam khi đó. Đáng chú ý, tờ báo còn tỏ rõ quan điểm về giới khi hăng hái vận động phụ nữ đi học để nâng cao dân trí, đòi quyền bình đẳng của mình trong xã hội. Nói cách khác, Trung Hòa nhật báo ngoài vai trò truyền giáo đã làm công việc là cầu nối người Việt Nam với tri thức khoa học và văn minh phương Tây.
* HỒN CÔNG GIÁO
Hồn Công giáo là một tờ báo tương đối đặc biệt so với các tờ báo Công giáo thời bấy giờ. Câu tiêu ngữ “Tờ báo của người Công giáo đứng ngoài và đứng trên các đảng phái” đã định vị khá rõ ràng quan điểm chính trị của Hồn Công giáo. Nếu ở trang đầu của các tờ báo khác ta có thể dễ dàng tìm được thông tin về chủ bút, tòa soạn, chủ nhiệm của tờ báo thì ở Hồn Công giáo lại hoàn toàn không có. Lý do cho sự vắng bóng trên được trả lời ở số báo 03 ra ngày 30.12.1945, số báo chứa nhiều thông điệp mang tính tuyên ngôn của tờ báo. Trong số báo này, ở mục Hỏi - Đáp, khi được hỏi “Ai là chủ nhiệm và chủ bút của Hồn Công giáo”, tờ báo đã trả lời : “Bạn không cần biết họ là những ai, bao nhiêu tờ báo Công giáo khác với hàng chuỗi tên chủ nhiệm, chủ bút, quản lý, trị sự, giám đốc … đã làm được những việc gì hay chỉ đi theo phong trào: nào liên hiệp Pháp - Nam, nào Nhật - Việt thân thiện. Cái tên không cần, điều cần hơn hết là làm được việc…”.
Báo ra Chúa nhật hằng tuần, mỗi số chỉ gồm hai trang khổ 31cm x 49cm. Hiện tại các thư viện và Trung tâm lưu trữ ở Hà Nội chỉ giữ lại được 12 số báo. Từ nguồn tư liệu có được, qua tính toán, chúng tôi xác định số đầu của tờ báo ra khoảng tháng 12 năm 1945 và số cuối ra tháng 4 năm 1946. Chỉ với 12 tờ báo còn lại, Hồn Công giáo đã kịp định vị bản sắc của mình như một tờ báo mang đậm màu sắc chính trị, bàn tới các vấn đề vô thần - hữu thần, tư bản - vô sản, thái độ người Công giáo với xã hội, với người ngoài Công giáo... Tuy vậy, đây vẫn là nguồn tư liệu cần thiết khi nghiên cứu báo chí Công giáo nói riêng và lịch sử Công giáo Việt Nam nói chung.
Một số điểm nhấnnội dung
* Về đời sống tôn giáo
Giai đoạn trước 1945, Công giáo Việt Nam vẫn ở thời kỳ truyền giáo, xu hướng “Canh tân, nhập thế” còn yếu kém. Trong hoàn cảnh này, Giáo hội rất có ý thức sử dụng báo chí làm phương tiện truyền bá giáo lý, mở rộng ảnh hưởng của đạo. Trên báo chí Công giáo lúc đó có nhiều bài viết bàn kỹ về công việc làm báo Công giáo (mà ngày nay chúng ta gọi là Truyền thông Công giáo), với những bài viết đưa ra nhiều ý kiến, kinh nhiệm xác đáng: “Đã hay rằng việc truyền đạo là ở sự diễn giảng của các đấng linh mục thừa sai, nhưng đối với hiện thời, sự giảng đạo bằng báo chí đã rõ hẳn rằng rất có hiệu quả” (báo Nam Thanh, số 10 năm 1936) hay như báo Hành Động cũng khẳng định: “Trong những cách truyền giáo thời nay, có lẽ không cách truyền giáo nào hợp thời và đi sâu vào quần chúng bằng truyền giáo bằng báo chí” (Hành Động, số 8 năm 1940).
Do còn vào buổi sơ khai của chữ quốc ngữ, cộng với hoàn cảnh nhận thức của thời bấy giờ, nên để truyền giáo, các báo phần lớn dùng cách đơn giản và truyền thống là tập trung ca ngợi Thiên Chúa : “Đức Chúa giời là đấng cực lành, cực thánh và là đấng công bằng vô cùng. Người là đấng vô thủy vô chung, hằng có trước có sau vô cùng. Người là đấng thiêng liêng không có hình thể. Người ở khắp mọi nơi, trông thấy và thông tỏ mọi sự…” (báo Hy Vọng, số 19 năm 1939). Nhiều tờ báo Công giáo giai đoạn này ngoài đăng kinh sách còn giới thiệu lịch sử truyền giáo và thông tin đời sống Đạo của người Công giáo. Trên các báo có rất nhiều tin bài về sứ mệnh truyền đạo, những sự kiện lớn của Giáo hội như Đại hội Công giáo, lễ tấn phong Giám mục, lễ truyền chức linh mục...; những ngày lễ lớn của Đạo, lễ Quan thầy xứ đạo cũng được thường xuyên cập nhật, đưa tin bằng những tin bài, hình ảnh và tranh vẽ minh họa sống động, hấp dẫn. Một số báo như Đa Minh, Nam Thanh còn cung cấp cho người đọc những thông tin cụ thể về số giáo dân, linh mục, giám mục; danh sách những nhà thờ mới được xây dựng theo từng năm. Trên Trung Hòa nhật báo còn tìm thấy những tin bài ghi chép tỉ mỉ về công cuộc sáng tạo nên chữ quốc ngữ của giáo sĩ Đắc Lộ và những người tiên khởi. Đáng chú ý, bài báo còn cung cấp thông tin xác thực về những người Việt Nam đầu tiên cộng tác với A. de Rhodes để nói lên sự đóng góp không nhỏ của chính người Việt trong công cuộc tìm ra chữ viết cho dân tộc mình.
*Về giá trị văn hóa
Một trong những giá trị nổi bật của báo chí Công giáo Hà Nội là vai trò cầu nối giữa người Việt với văn minh Phương Tây, phê phán những hủ tục lạc hậu trong xã hội Việt Nam, góp phần cải tạo xã hội, hướng con người đến một cuộc sống văn minh hơn, khoa học hơn. Về mặt này, báo chí Công giáo có nhiều tiên bộ, thậm chí có những khía cạnh tiên tiến, đi trước thời đại.
Những thói hư tật xấu của người Việt như thói cờ bạc, lười biếng, mê tín...; những hủ tục trong tang ma cưới xin, trong sinh hoạt... bị thẳng thắn lên án trên mặt báo. Bên cạnh đó là những bài viết phổ biến tri thức khoa học, lối ăn ở vệ sinh và những thông tin phong phú và hữu ích cho cuộc sống mới. Trên tờ Hy vọng số 31 có đoạn: “...Mỗi xã cố liệu được một giếng ăn nước theo vệ sinh cho cả dân nhờ. Giếng phải đào sâu ít nhất là 4,5 m thì mới được nước tốt, phải xây bằng đá, hay gạch và xi măng”... (...) “...Trâu bò, lợn, gà… phải làm xa nhà ở để đừng đống bẩn hôi thối”. Cũng trên tờ báo này, ở số báo 50 có đoạn phổ biến tri thức về nuôi dưỡng trẻ nhỏ: “Chị em đừng tránh nuôi con… Nếu không đủ tiền mua sữa bò, hãy nuôi con bằng hồ cháo…”. Những điều tưởng như nhỏ nhặt ấy tự bao đời không được chú ý bàn đến nhiều trong văn hóa, giáo dục truyền thống Việt Nam, nay được xem như một vấn đề cốt yếu, quan trọng, thường đặt trang trọng trên trang đầu của mỗi tờ báo. Nói chung, BCCGHN thời đầu đã góp phần quan trọng tạo nên sự chuyển biến trong đời sống người Việt, từ chỗ xa lạ trở nên gần gũi với các tri thức khoa học, tư duy lý tính, tư tưởng tự do, quyền con người, chủ nghĩa cá nhân của văn minh phương Tây.
Nếu trong xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX xuất hiện một xu hướng, một sự chuyển đổi mạnh mẽ của mô hình văn hóa Việt Nam thời cận đại (từ mô hình văn minh chữ vuông Trung Hoa qua mô hình văn hóa phương Tây, trước hết là văn hóa Pháp), mà một trong những vấn đề cốt yếu, bản chất nhất là tính hiện đại (modernité - modernity)..., thì báo chí chính là nơi thể hiện rõ nhất, đa chiều nhất xu thế này.
Một trong những vấn đề rất mới được đề cập đến khá nhiều trên BCCGHN giai đoạn này là vấn đề phụ nữ, bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ. Nhiều bài báo đã góp phần thức tỉnh chị em đấu tranh cho quyền của mình và tự tin đón nhận cái quyền ấy. Trên tờ Trung Hòa nhật báo số 115 ra ngày 27.9.1924, trong bài Mấy lời ngỏ cùng các bà nội trợ ta bây giờ có đoạn: “Đàn bà nước ta ít lâu nay về phương diện tinh thần đã sẵn nhờ được cái quyền chân chánh là tự do - bình đẳng vì đang cái lúc phong hội mở mang, thay cũ đổi mới, học đường khai thông tâm trí, hun đúc tài năng, lại đương thời quốc văn thịnh hành, sách báo nhiều thì nhờ đó mà biết được nhiều việc hay trên thế giới…”. Báo chí Công giáo cũng đi tiên phong trong việc cổ vũ phụ nữ Việt Nam đi học, chiếm lĩnh tri thức, nhờ vậy tự làm chủ và thay đổi vận mệnh của mình. Đây chính là một trong những điểm tiến bộ, đáng trân trọng..
Sự xuất hiện của báo chí Công giáo chữ quốc ngữ tại Hà Nội cũng góp phần không nhỏ thúc đẩy văn học chữ quốc ngữ phát triển, cho một thời kỳ đạt nhiều thành tựu nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Ngoài ra còn làm trỗi dậy và xuất hiện mạnh mẽ nền văn học mới bắt nguồn từ tư tưởng tự do, từ quan niệm mới về cái “tôi cá nhân” và sự tự ý thức về quyền con người. Văn học trên báo Công giáo trước 1945 như Trung Hòa, Đa Minh, Hành động, Văn Côi... vẫn luôn là một mảng được quan tâm và dành nhiều trang. Nhiều thể loại văn học mới đã thường xuyên xuất hiện như thơ mới, tiểu thuyết, truyện cười, kịch, văn học dịch... Hầu như tờ báo Công giáo nào ở Hà Nội khi đó cũng có mục văn uyển, mặc dầu chủ đạo của dòng văn học này vẫn là cảm hứng tôn giáo như Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria, các Thánh Tử đạo…
*
Tóm lại, việc ra đời và phát triển của báo chí Công giáo Hà Nội đã góp phần làm phong phú thêm cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội nói riêng và văn hóa Việt nói chung. Báo chí Công giáo là môi trường để tiếp thu, tiếp biến văn hóa phương Tây và giữ gìn có chọn lọc văn hóa dân tộc, là nguồn tư liệu giá trị trong nghiên cứu lịch sử Công giáo các tỉnh phía Bắc.
Dương Thị Thùy Linh
Bình luận