Ðã xướng danh tôn giáo thì đều có biểu tượng (tức hình tượng tiêu biểu), dù Ða thần luận (Polytheism), hay Xuyên thần luận (Transtheism), Nhứt thần luận (Monotheism).
“Vô thần luận” (atheism), tức không có Thần, mới không dùng biểu tượng.
1.
Một vị mục sư Tin Lành cho tôi biết, có một vài hệ phái đòi tước bỏ luôn Thập giá (the Cross, tức thập giá trơn không chạm tượng đắp nổi) ra khỏi hội đường. Lý do, theo họ giải thích, sách Xuất hành (20, 3-5) “không được tôn thờ hình tượng” (vẽ hình tạc tượng). Có những Cơ Đốc nhân lấy làm bỡ ngỡ, cho rằng “Thập giá trơn (the Cross) đâu phải hình tượng”. Kỳ thực, ngay cả thập giá trơn cũng vẫn là “tượng”, là “hình” đó thôi! Thập giá trơn (the Cross) cũng vẫn “hình”, vẫn “tượng”, nhưng không sai trật chút nào so với lời dạy của Thiên Chúa.
Đọc sách Xuất hành (Exodus), ắt biết Thiên Chúa đã phán truyền cho tiên tri Môi-sê làm hòm bia, tạc hai bức tượng cherubim (thiên sứ có cánh) trên hòm bia, phán truyền tỉ mỉ cách tạc tượng ra sao. Bấy lâu nay, có những người chưa hiểu thấu đáo về trình thuật Xuất hành (20, 3-5), không đặt trình thuật này vào trong toàn bộ sách Xuất hành.
Con người, với tài năng nghệ thuật mà Chúa ban, được phép tạc tượng vẽ hình, nhưng không thờ phượng. Lời dạy của Thiên Chúa cần được hiểu là không tạc để thờ những bức tượng, mà đây trở thành biểu tượng (symbol) giúp hướng tâm trí lên Thiên Chúa, và chỉ thờ phượng Chúa mà thôi.
2.
Tiếng Việt chúng ta vẫn quen gọi tôn giáo là “Đạo”, tỉ như Thiên Chúa giáo <=> đạo Thiên Chúa, Phật giáo <=> đạo Phật, Hồi giáo <=> đạo Hồi... Nhưng ngược lại, khi gọi “đạo” thì không hẳn là tôn giáo. Tỉ như gọi “đạo Ông Bà” thì đây không phải tôn giáo (religion) mà thuộc về đạo lý, luân lý (morality).
Để phân định tôn giáo một cách cơ bản thì thật giản dị, không rắc rối gì cho lắm. Có các yếu tố để xem xét: đó là sự xác tín vào quyền lực siêu nhiên, vô biên, hoặc có người thành lập; có hệ thống kinh sách; có phẩm trật chức sắc và cơ sở thờ tự.
Như Công giáo có: (a) Đức Giêsu Kitô (Jesus Christ); (b) có kinh sách (như Tân Ước, Cựu Ước...), (c) có chức sắc, phẩm trật: Tu sĩ, Linh mục, Giám mục, Hồng y, Đức Giáo hoàng; có các nhà thờ (giáo đường) là nơi chốn thờ phượng.
Như Phật giáo có: (a) đức Phật Thích Ca Mâu Ni), (b) Pháp (có hệ thống kinh sách: tạng, luận...), (c) Tăng (với hệ thống sư sãi, có phẩm trật “Đại đức”, “Thượng tọa”, “Hòa thượng.), có các Chùa là nơi chốn tế tự.
Trong khi đó, “đạo Ông Bà” chẳng hạn, không có kinh bổn, không có chức sắc với tu phục riêng..., nên ở đây mang tính chất đạo lý, luân lý, chứ không trở thành tôn giáo.
Kế đến, ý niệm về “THẦN”. Các thuật từ “theism”, gốc là “Theos” trong tiếng Hy Lạp, được chuyển ngữ sang tiếng Anh “god”, “deity”... , sang chữ Hán 神, tiếng Việt là “thần”, “thần thánh”, “thần linh”...
Ý nghĩa phổ quát, bao trùm của “Theos” (“thần”) - đó là những quyền năng siêu nhiên, ban phước hay giáng họa cho nhân gian. Bởi vậy, liên quan đến quyền năng siêu nhiên nên cõi sống nơi trần gian này “không phải chết là hết”.
3.
ĐA THẦN LUẬN (Polytheism)
Nằm trong tôn giáo đa thần, có Ấn Độ giáo (Hinduism), Thần đạo (Shinto), Đạo giáo (Taoism, còn gọi là Lão giáo)... Minh định có nhiều thần, được định danh, có năng lực siêu nhiên (“thần lực”). Trong đa thần giáo, có hệ thống kinh sách riêng, hoặc/và giới chức sắc tôn giáo mặc trang phục đặc trưng, có đền thờ miếu mạo, và có biểu tượng đặc trưng (symbol).
Còn PHIẾM THẦN LUẬN (泛神論 Pantheism) ? “Phiếm” (泛) nghĩa là: rộng khắp, tất cả. Mọi vật đều có thể có “thần” hết trơn, tỉ như thần núi, thần sông, thần gió, gốc cây cổ thụ cũng có thần... Khác với Đa thần luận, ở phiếm thần không có một hệ thống kinh sách riêng, không có hệ thống chức sắc riêng, và không có biểu tượng.
PHẬT GIÁO: XUYÊN THẦN LUẬN (Transtheism)
Ý niệm về “Thần” (Theos) mang nghĩa là tin vào sự hiện hữu của quyền năng siêu nhiên. “Thần” có thể là Nhứt thần luận, như Kitô giáo tin nơi một Thiên Chúa duy nhứt; “Thần” cũng có thể là Đa thần luận như Ấn giáo (Hinduism), Thần đạo (Shinto)...
Trong ngôn ngữ nhà Phật, Phật tử không lạ gì với “thần thông” (神通), “thần lực” (神力), trong Phật giáo Đại thừa minh định sự hiện hữu của các vị Bồ tát (Bodhisattva) như Vajrapāṇi (Đại Thế Chí), Mañjuśrī (Văn Thù), Avalokiteśvara (Quán Thế Âm) có thần lực phò hộ chúng sanh. Thông qua (“xuyên”) các vị Bồ tát, cùng với sự tu tập bản thân, không minh nhiên đến với Quyền năng tối cao duy nhứt (“Nhứt thần luận”), mà đạt đến - theo ngôn ngữ nhà Phật - gọi là Nirvana (Niết Bàn). Diễn trình này được gọi là “Transtheism” (“Xuyên thần luận”).
NHỨT THẦN LUẬN (Monotheism)
Là xác tín chỉ có duy nhứt một Đấng Tự hữu và toàn năng. Thuộc về “Nhứt thần luận” có Do Thái giáo (Judaism), Thanh Chân giáo (Islam, lâu nay quen gọi “Hồi giáo”), Kitô giáo (Christianity). Nói cặn kẽ hơn nữa, Christianity là “Triunetheism”, “Tam vị NHỨT THÂN LUẬN” (Một Thiên Chúa ba ngôi vị).
4.
Biểu tượng đem lại sự nhận diện cho từng tôn giáo.
Thánh giá: là hình tượng được chọn làm tiêu biểu (biểu tượng) của Kitô giáo.
Chữ Sanskrit, ॐ , tức “Aum” (hoặc “Om”) là một âm thanh “thần lực”, được dùng làm hình tượng nhận diện Ấn Độ giáo (Hinduism).
Thần đạo (Shinto) của Nhựt Bổn chọn hình tượng là cổng Torii - đây dẫn vào nơi thờ phượng các thần (“kami”).
“Pháp luân” (“cỗ xe Pháp”) là hình tượng của Phật giáo.v.v…
Khắc ghi biểu tượng, bởi qua đó chứng kiến sức sống của tôn giáo. Hiện nay, Kitô giáo (Christianity) với 2.200 triệu (2,2 tỉ) tín đồ, thu hút 31,5% dân số toàn cầu, trở thành tôn giáo lớn nhứt. Thanh Chân giáo (Islam) có 1.600 triệu tín đồ (1,6 tỉ), thu hút 23,2% dân số toàn cầu. Ấn Độ giáo (Hinduism) có 1.000 triệu (1 tỉ) tín đồ, thu hút 15% dân số toàn cầu. Phật giáo (Buddhism) có 500 triệu tín đồ, thu hút 7,1% dân số toàn cầu. Các tôn giáo bản địa (Indigenous religions) có 400 triệu người, chiếm 5.9%. Một số tôn giáo khác: 58 triệu, chiếm 0.8%.
Tổng cộng 83,5% dân số toàn cầu đặt niềm tin về bản thể hiện hữu trong các tôn giáo. Trong khi đó, số người không theo tôn giáo nào (non-religious people) chiếm 16,5% dân số toàn cầu.
*
Trở lại câu chuyện nêu ở đầu bài, mới thấy rằng, việc hiểu Kinh Thánh một cách tường tận, thay vì “cắt xén, suy diễn”, sẽ giúp cho việc gìn giữ biểu tượng trở nên cần thiết. Thánh giá, và việc làm dấu Thánh giá trên trán, trên môi, trên ngực, giúp nuôi dưỡng Đức tin trực quan và sống động đến dường nào…
MATTHEW NGUYỄN
Bình luận