Để đáp ứng nhu cầu đọc của các thành viên, không ít nhà đã lập riêng một tủ sách gia đình với đa dạng các thể loại.
Chị Nguyễn Thị Minh Châu (Q.3, TP.HCM) cho biết, sách trong tủ của gia đình hiện giờ chính là chút “vốn liếng” tích lũy từ thời còn đi học. “Hồi còn nhỏ tôi mê đọc nên mua được gì cũng giữ gìn cẩn thận lắm, vào cấp 3 rồi đại học, theo học văn chương nên cũng tiếp tục mua để dành nghiên cứu”, chị Châu cho biết. Chiếc tủ nhỏ của chị có khoảng 300 đầu sách. Tuy không lớn là bao nhưng số sách này lại chiếm không ít không gian trong căn phòng trọ chỉ khoảng 20 mét vuông của vợ chồng chị. Chị kể mấy lần dọn nhà thấy đồ đạc nhiều cũng ngán, định bán bớt sách đi vì chị đã đọc qua hết nhưng rồi lần nào cũng giữ lại bởi theo chị một quyển sách có thể đọc đi đọc lại nhiều lần và đây chính là nguồn tri thức tích cóp cho con cái sau này. Cũng với đam mê đọc sách, từ mấy cuốn văn cổ của ông ngoại để lại, anh Đoàn Thanh Tâm (Q.7, TP.HCM) dần gầy dựng nên không gian đọc riêng cho mình và gia đình. Đến khi có con cái, anh và vợ mua sách thiếu nhi, truyện tranh bổ sung vào kệ để cả nhà cùng đọc. Anh nói: “May mà vợ chồng tôi đều là ‘mọt’ nên có thể chia sẻ với nhau tủ sách này. Mỗi lần đọc mấy quyển sách cũ lại thấy thân thương vô cùng khi nghĩ đến quyển sách này ông mình cũng đọc không biết bao nhiêu lần và khoảng cách giữa hai thế hệ dường như rút ngắn lại”. Anh nói mỗi tối rảnh rỗi, cả nhà thường ngồi quây quần, mỗi người chọn cho mình một quyển phù hợp để đọc. Có khi vợ chồng anh và con gái cùng đọc chung một tập truyện cổ tích. “Đây có lẽ là bước đầu để tập dần cho con tôi có thói quen đọc”, anh Tâm bày tỏ.
![]() |
Nhiều nhà khác có con còn chưa biết đọc nhưng ba mẹ vẫn mua những tập truyện cổ tích Andersen, truyện cổ Grim... để đọc cho bé nghe. Trên thị trường sách hiện nay, truyện dành cho thiếu nhi hết sức đa dạng, từ nội dung đến hình thức nên cũng không quá khó để các bậc phụ huynh có thể tìm cho con mình một món ăn tinh thần phù hợp với lứa tuổi. Chị Kiều Nương (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vui vẻ: “Truyện cổ tích nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp chúng phân biệt được lẽ phải qua nhiều tình huống xảy ra với nhân vật. Khi kể cho bé, tôi cũng tỉ tê với con điều này điều kia. Tuy nhỏ nhưng có lẽ bé cũng chịu tác động phần nào. Rồi tôi sưu tầm một kệ nho nhỏ cho con. Sau này bé biết mặt chữ thì sẽ cho nó tự đọc”.
![]() |
Ở nhiều gia đình, con cái đang vào tuổi mới lớn, việc hướng dẫn đọc sao cho đúng cũng là một vấn đề gây đau đầu cho phụ huynh. Một số gia đình có tủ sách, cha mẹ quan tâm đến việc đọc của con nên đã trở thành người tư vấn nhiệt tình giúp con chọn sách phù hợp. Chị Nguyễn Thị Linh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tâm sự: “Lúc trước tôi cũng lo lắng bởi nhà có nhiều sách nên sợ con đọc nhầm quyển có nội dung tình cảm không đúng tuổi. Bởi vậy tôi thường chủ động hỏi han con, rồi giới thiệu cho nó sách đọc”. Để khuyến khích con làm bạn với sách, không ít phụ huynh còn dùng chiêu “đọc cùng” để có thể chia sẻ, bàn luận. Anh Trịnh Hoàng Phúc (Q5, TP.HCM) kể lại: “Lúc trước tôi mê trinh thám nhưng từ lúc con gái vào học cấp hai tôi mua cho cháu sách của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần rồi mấy tác phẩm nước ngoài như Ông già Khốt-ta-bít, Không gia đình, Túp lều bác Tôm... Thấy nó không chịu đọc, tôi đọc cùng luôn riết rồi nghiện hồi nào không hay. Giờ đi nhà sách, hai cha con có thể trao đổi với nhau rất nhiều để ‘tha’ về thêm bổ sung vào tủ sách gia đình”.
Trong thời đại công nghệ, người ta mê mải với các thiết bị điện tử hơn là thiết tha khám phá điều mới qua sách vở thì một tủ sách giấy truyền thống của các gia đình thật quý giá. Nhờ vào nó, mỗi thành viên có thể tích lũy thêm kiến thức và gắn kết hơn qua những giờ đọc sách cùng nhau.
Đỗ Yên
Bình luận