Câu đối của người Hoa

1.

Người Việt Nam gọi là câu đối thì người Hoa gọi là đối liên 對聯. Một phong tục cổ truyền của người Hoa gần với câu đối ngày xuân là đào phù 桃符. Đó là hai mảnh gỗ cây đào treo hai bên cửa nhà vào dịp Tết, một thanh ghi tên vị thần Thân Thư 神荼 (thường đọc là Thần Đồ), thanh kia ghi tên vị thần Uất Luật 鬱壘 (thường đọc là Uất Lũy). Người ta tin tưởng hai đào phù này sẽ trừ khử tà ma, giúp gia chủ tránh mọi tai họa trong năm mới.

Câu đối (đối liên) có nhiều loại:

bi liên 碑 聯 (câu đối khắc trên bia đá; bi là bia đá).

đình liên 亭聯 (câu đối treo ở nhà thủy tạ);

doanh liên 楹聯 (câu đối dán cột; doanh là cột nhà lớn ở tiền sảnh);

môn liên 門聯 (câu đối dán cửa);

thọ liên 壽聯 (câu đối mừng thọ);

xuân liên 春聯 (câu đối ngày Xuân).

Đối liên và Xuân liên rất phổ biến tại Trung Quốc và các quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa Hán như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng vấn đề tưởng chừng quá dễ giải đáp về “nguồn gốc của Xuân liên và đối liên” cho đến nay vẫn còn tồn nghi. Ít nhiều chứng cứ đã được trưng dẫn nhưng chưa làm hài lòng nhiều người.

Xuân liên tương truyền có rất trễ, khoảng đầu thế kỷ 10, chứng cứ là hai câu của Mạnh Sưởng 孟昶, vua của Hậu Thục (934-965) thời Ngũ Đại:

Tân niên nạp dư khánh / giai tiết hiệu trường xuân.

新 年 納 餘 慶 / 佳 節 號 長 春 .

(Năm mới đón nhận dư dật điều may mắn / Tiết khí tốt đẹp báo hiệu Xuân dài lâu.)

Thuyết này được đa số người Hoa chấp nhận.

Người ta cho rằng đối liên xuất hiện khoảng thế kỷ 6 với chứng cứ là hai câu dán cửa (môn liên) tỏ thái độ cao ngạo của Lưu Hiếu Xước 劉孝綽 đời Lương (502-557) thời Nam Bắc Triều:

Bế môn bãi khánh điếu / Cao ngọa tạ công khanh.

閉 門 罷 慶 吊 / 高 臥 謝 公 卿 .

(Đóng cửa ngăn người đến chia vui buồn / Nằm chỗ cao cảm tạ bậc công khanh.)

Nhưng có người bảo chính Khổng Dung 孔融 cuối đời Đông Hán (25-220) khi trấn nhậm ở Bắc Hải đã có câu đối dán ở sảnh đường:

Tọa thượng khách thường mãn / Tôn trung tửu bất không.

座 上 客 常 滿 / 樽 中 酒 不 空 .

(Khách trong nhà bao giờ cũng đông / Rượu trong ly lúc nào cũng đầy.)

Dựa trên những câu đối còn giữ được này, người ta phỏng chừng câu đối (đối liên) có khoảng hai ngàn năm lịch sử.

Ngày Tết, nhà người Hoa rực rỡ những câu đối đỏ thắm với chữ nhũ vàng óng ánh.Ảnh tài liệu.

2.

Thực sự chỉ có các đối liên ấy mới là chứng cứ duy nhất hay sao? Trong các thư tịch Tiên Tần, người ta có thể trích dẫn rất nhiều những câu có thể gọi là đối liên. Thí dụ:

Sâm si hạnh thái, tả hữu lưu chi / Yểu điệu thục nữ, ngụ mị cầu chi. (Thi Kinh, Quốc Phong, Quan Thư)

參 差 荇 菜 左 右 流 之 / 窈 窕 淑 女 寤 寐 求 之 .

(Bông súng so le, trôi quanh trái phải / Thục nữ yểu điệu, thức ngủ mong cầu.)

Nguyên giả, thiện chi trưởng dã; Hanh giả, gia chi hội dã / Lợi giả, nghĩa chi hòa dã; Trinh giả, sự chi cán dã. (Dịch Kinh, Văn Ngôn quẻ Càn)

元 者 善 之 長 也 ; 亨 者 嘉 之 會 也 / 利 者 義 之 和 也 ; 貞 者 事 之 幹 也 .

(Nguyên đứng đầu mọi điều thiện; Hanh hội hợp các điều tốt / Lợi hài hòa những điều nghĩa; Trinh cáng đáng các sự việc.)

Thậm ái tất đại phí / Đa tàng tất hậu vong. (Đạo Đức Kinh, chương 44)

甚 愛 必 甚 費 / 多 藏 必 厚 亡 .

(Yêu nhiều thì hao phí nhiều / Cất trữ nhiều thì mất nhiều.)

Học nhi bất tư tắc võng / Tư nhi bất học tắc đãi. (Luận Ngữ, Vi Chính)

學 而 不 思 則 罔 / 思 而 不 學 則 殆 .

(Học mà không suy nghĩ thì mờ tối / Suy nghĩ mà không học thì nguy hại.)

Những thí dụ tương tự như trên nhiều vô kể; cho nên, bảo đối liên có lịch sử hai, ba nghìn năm thì có thể chấp nhận.

Đối liên thực chất là hai câu đối ngẫu có ba tính chất:

a. Hai câu có số chữ như nhau.

b. Thanh bằng, thanh trắc của các chữ ở hai câu trái nhau và ngữ điệu quân chỉnh.

c. Ý tứ hai câu phải có liên hệ nhưng không trùng lặp.

Ý tứ hai câu có thể tương cận (gần nhau). Thí dụ:

Xứ xứ Xuân quang hảo / Gia gia hỷ khí nùng.

處 處 春 光 好 / 家 家 喜 氣 濃 .

(Nơi nơi ánh Xuân đẹp / Nhà nhà sắc vui đầy.)

Ý tứ hai câu có thể tương phản (trái nhau). Thí dụ:

Phô trương lãng phí khả sỉ / Cần kiệm tiết ước quang vinh.

鋪 張 浪 費 可 恥 / 勤 儉 節 約 光 榮 .

(Phô trương lãng phí đáng xấu hổ / Cần cù tiết kiệm mới vẻ vang.)

Ý tứ hai câu liên quan nhau; bỏ bớt một câu thì ý tứ không trọn vẹn. Thí dụ:

Bất nhập Vu Sơn hiệp / An kiến Thần Nữ phong.

不 入 巫 山 峽 / 安 見 神 女 峰 .

(Không vào kẽm Vu Sơn / Sao thấy ngọn Thần Nữ.)

Cô gái mua chữ đang chờ nhà thư pháp viết xong câu đối ngày xuân. Ảnh tài liệu.

3.

Trong các loại đối liên, ngoài Xuân liên là loại chuyên dùng cho ngày Xuân để mừng Xuân và chúc tụng, các loại khác như môn liên và doanh liên phục vụ những mục đích khác nhau như: biểu thái 表態 (bày tỏ thái độ), ngôn chí 言志 (nói lên chí hướng), xuyết cảnh 綴境 (điểm xuyết phong cảnh), điểm xuyết sinh hoạt 點綴生活, chúc tụng 祝誦, tự miễn 自勉 (tự khuyến khích mình cố gắng), lệ nhân 勵人 (khích lệ kẻ khác cố gắng), tán mỹ 讚 美 (khen đẹp), v.v...

Sau đây là một số đối liên và Xuân liên tiêu biểu của người Hoa ngày xưa:

Thắng địa sậu khai nhất thiên niên tiền, thanh sơn ngã thị Phật / Liên hoa cực đỉnh ngũ bách tái hậu, thuyết pháp khởi hà nhân. (Khuyết danh) (1)

勝 地 驟 開 一 千 年 前 青 山 我 是 佛 / 蓮 花 極 頂 五 百 載 後 說 法 起 何 人 .

(Đất đẹp chợt mở một ngàn năm trước, núi xanh ta là Phật / Hoa sen đỉnh núi năm trăm năm sau, kẻ thuyết pháp là ai?)

Đại trượng phu bất thực thóa dư, thời bả hải đào thanh phế phủ / Sĩ quân tử khởi y ly hạ, cảm tương đài các chiếm sơn điên. (Lâm Tung 林嵩, đời Đường; doanh liên nói chí hướng)

大 丈 夫 不 食 唾 余,時 把 海 濤 清 肺 腑 / 士 君 子 豈 依 籬 下,敢 將 台 閣 佔 山 顛 .

(Bậc trượng phu không ăn cớ sao lại mắng ta, vậy thời lấy sóng biển rửa sạch lòng dạ / Kẻ sĩ quân tử há nương cậy giậu tre, hãy can đảm như lầu các chơ vơ đỉnh núi.)

Trúc ly sơ kiến phổ / Mao ốc lậu thông tinh. (Trần Bồng 陳蓬, đời Đường; doanh liên điểm xuyết sinh hoạt)

竹 籬 疏 見 浦 / 茅 屋 漏 通 星 .

(Giậu tre thưa thớt nhìn rõ cả bến sông / Mái tranh dột nát thấy sao giăng đầy trời.)

Tam thiên lý ngoại nhất điều thủy / Thập nhị thời trung lưỡng độ triều. (Khế Doanh 契盈, nhà sư thời Ngũ Đại; câu đối nơi nhà thủy tạ để điểm xuyết phong cảnh)

三 千 里 外 一 條 水 / 十 二 時 中 兩 度 潮 .

(Ngoài ba nghìn dặm một con sông / Mười hai giờ hai đợt thủy triều.)

Hà thời sinh thượng tướng / Minh nhật thị trung nguyên. (Ngụy Trọng Tiên 魏仲先, đời Tống; câu đối mừng thọ)

何 時 生 上 相 / 明 日 是 中 元 .

(Lúc nào sinh thượng tướng / Ngày mai rằm trung nguyên.)

Nhật nguyệt quang Thiên đức / Sơn hà tráng đế cư. (Triệu Mạnh Phủ 趙孟頫, họa sĩ đời Nguyên; câu đối chúc tụng ngày xuân)

日 月 光 天 德 / 山 河 壯 帝 居 .

(Mặt trời mặt trăng sáng rỡ đức Trời / Sông nước núi non làm đẹp cung vua.)

Quang y đông bích đồ thư phủ / Tâm tại Tây Hồ sơn thủy gian. (Dương Nguyên Thành 楊元誠, đời Nguyên; câu đối ngày xuân nói lên chí hướng)

光 依 東 壁 圖 書 府; 心 在 西 湖 山 水 間 .

(Ánh sáng dọi thư viện phía vách đông / Lòng đặt giữa cảnh non nước Tây Hồ.)

Song thủ phách khai sinh tử lộ / Nhất đao cát đoạn thị phi căn. (Chu Nguyên Chương 朱元璋, đời Minh, câu đối ngày xuân bày tỏ thái độ)

雙 手 劈 開 生 死 路 / 一 刀 割 斷 是 非 根 .

(Hai tay vẹt mở lối sinh tử / Một đao phăng đứt gốc thị phi.)

4.

Sau đây là một số Xuân liên hiện còn phổ thông đại chúng, nhưng không biết ai là tác giả:

Hoan độ Xuân tiết, nhất nguyên phục thủy / Hỷ nghinh tân niên, vạn tượng hồi Xuân.

歡 度 春 節 一 元 復 始 / 喜 迎 新 年 萬 象 回 春 .

(Vui đón tiết Xuân, ngày đầu năm trở lại / Mừng đón năm mới, vạn vật lại hồi Xuân.)

Diễm dương chiếu đại địa / Xuân sắc mãn nhân gian.

艷 陽 照 大 地 / 春 色 滿 人 間 .

(Ánh dương đẹp chiếu khắp đất nước / Sắc Xuân tươi tràn ngập nhân gian.)

Xuân hồi đại địa phong quang hảo / Phúc mãn nhân gian hỷ sự đa.

春 回 大 地 風 光 好 / 福 滿 人 間 喜 事 多 .

(Xuân về khắp chốn, cảnh sắc đẹp; hạnh phúc nhân gian, việc vui nhiều).

Phong hòa, nhật lệ, sơn mỹ, thủy mỹ, phong quang mỹ / Niên phong, vật phong, nhân tân, sự tân, thời đại tân.

風 和 日 麗 山 美 水 美 風 光 美 / 年 豐 物 豐 人 新 事 新 時 代 新 .

(Gió hòa, ngày đẹp, núi đẹp, sông đẹp, cảnh sắc đẹp / Năm giàu, vật nhiều, người mới, việc mới, thời đại mới.)

5.

Ngoài ra, truyền thống đối liên vẫn tiếp diễn với cuộc sống xã hội kinh tế – chính trị hiện nay:

Phá trừ thiên niên cựu tập / Thụ lập nhất đại tân phong.

破 除 千 年 舊 習 / 樹 立 一 代 新 風 .

(Phá bỏ thói xấu nghìn năm cũ / Vun trồng phong cách một đời mới.)

Chính trị an định thiên gia phúc / Kinh tế phồn vinh vạn hộ Xuân.

政 治 安 定 千 家 福 / 經 濟 繁 榮 萬 戶 春 .

(Chính trị an định là hạnh phúc cho ngàn nhà / Kinh tế phồn vinh là mùa Xuân cho muôn hộ.)

Tổ quốc cộng thiên địa đồng thọ / Giang sơn dữ nhật nguyệt tranh huy.

祖 國 共 天 地 同 壽 / 江 山 與 日 月 爭 輝 .

(Tổ quốc cùng bền vững ngang với trời với đất / Giang san sáng tươi đua tranh mặt trời mặt trăng.)

Chính sách lạc thực đông nam tây bắc phương phương hữu lợi / Sinh sản phát triển Xuân Hạ Thu Đông quý quý phát tài.

政 策 落 實 東 南 西 北 方 方 有 利 / 生 產 發 展 春 夏 秋 冬 季 季 發 財 .

(Chính sách thiết thực, khắp bốn phương đông tây nam bắc mỗi phương đều có lợi / Sản xuất phát triển, suốt bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông mùa nào cũng phát tài.)

Năng văn năng vũ bồi dục thiên vạn tân hình tri thức phần tử / Hựu hồng hựu chuyên tạo tựu nhất chi khoa học kỹ thuật đại quân.

能 文 能 武 培 育 千 萬 新 型 知 識 分 子 / 又 紅 又 專 造 就 一 枝 科 學 技 術 大 軍 .

(Rèn văn luyện võ bồi dưỡng muôn vạn phần tử tri thức mới / Vừa hồng vừa chuyên tạo thành đội quân khoa học kỹ thuật lớn.)

6.

Ngoài nét đẹp tư tưởng và ngôn ngữ, câu đối còn gắn liền với thư pháp, cũng là một bộ môn nghệ thuật cổ truyền độc đáo của người Hoa. Đó là nghệ thuật viết chữ Hán mỹ lệ chuyển tải linh hồn ngôn ngữ của đối liên. Cho nên cái đẹp của đối liên bao gồm cả nội dung và hình thức.

Người ta bắt đầu tìm hiểu về lịch sử câu đối Trung Quốc từ bao giờ? Có lẽ lâu lắm rồi, nhưng nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này là tác phẩm của một vị sư Nhật Bản: Hoằng Pháp Đại Sư 弘法大師 (774-835). Thuở sinh tiền, sư có pháp hiệu là Không Hải 空海, sau khi viên tịch mới có thụy hiệu là Hoằng Pháp 弘法. Năm ba mươi mốt tuổi, sư qua Trung Quốc, tu học tại Trường An, nhằm năm Trinh Nguyên thứ hai mươi (tức năm 804 Công Nguyên) đời vua Đường Đức Tông 唐德 宗. Sư học vấn cao thâm, lúc đầu dự định tu học hai mươi năm thì hồi quốc, nhưng chỉ trong năm năm là hoàn tất chương trình đã định và trở về Nhật Bản, lúc đó là năm Nguyên Hòa thứ tư (tức 809 Công Nguyên) đời vua Đường Hiến Tông 唐獻宗. Sư để lại một khối lượng trứ tác đồ sộ, nổi bật là Văn Kính Bí Phủ Luận 文鏡秘府論. Tác phẩm này là một chỉ nam tu từ về các tác phẩm văn học Trung Quốc kể từ Hán Ngụy đến Tùy Đường; trong đó có chương Luận Đối 論 對 luận bàn rất chi tiết về đối liên của Trung Quốc.

LÊ ANH MINH

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Nhớ quê
Nhớ quê
Sáng nay đi tập thể dục về ngang qua dãy nhà trọ, chị chợt xao xuyến khi nghe câu hát ru vẳng ra: “Gió đưa, gió đẩy về rẫy ăn còng - Về sông ăn cá, về giồng ăn dưa…”. Ðã từ lâu, chị chưa về thăm vùng sông nước...
Trong làn khói hương
Trong làn khói hương
Em bé theo chân mẹ thắp hương nơi nghĩa trang các linh mục thuộc dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc trong một buổi sáng rực nắng vàng. Bé gái nói lý do muốn phụ mẹ thắp nhang vì nghĩa trang có rất nhiều ngôi mộ…
Nhớ kinh cầu Ðức Bà
Nhớ kinh cầu Ðức Bà
Tuổi thơ tôi lớn lên trong một xóm lao động ở Gò Vấp, ngay sau lưng ngôi thánh đường cổ kính Hạnh Thông Tây, gọi là “xóm nhà thờ”, nhưng có chưa đến phân nửa số gia đình trong xóm theo đạo Công giáo.
Nhớ quê
Nhớ quê
Sáng nay đi tập thể dục về ngang qua dãy nhà trọ, chị chợt xao xuyến khi nghe câu hát ru vẳng ra: “Gió đưa, gió đẩy về rẫy ăn còng - Về sông ăn cá, về giồng ăn dưa…”. Ðã từ lâu, chị chưa về thăm vùng sông nước...
Trong làn khói hương
Trong làn khói hương
Em bé theo chân mẹ thắp hương nơi nghĩa trang các linh mục thuộc dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc trong một buổi sáng rực nắng vàng. Bé gái nói lý do muốn phụ mẹ thắp nhang vì nghĩa trang có rất nhiều ngôi mộ…
Nhớ kinh cầu Ðức Bà
Nhớ kinh cầu Ðức Bà
Tuổi thơ tôi lớn lên trong một xóm lao động ở Gò Vấp, ngay sau lưng ngôi thánh đường cổ kính Hạnh Thông Tây, gọi là “xóm nhà thờ”, nhưng có chưa đến phân nửa số gia đình trong xóm theo đạo Công giáo.
Âm thầm góc bên Mẹ
Âm thầm góc bên Mẹ
Ông Lý Văn Sang, một tân tòng hơn mười năm nay mỗi sáng đều đến một góc nhỏ có tượng Đức Mẹ ở bệnh viện Mắt TPHCM để quét dọn, tưới cây, chăm sóc.
Tiên trách kỷ,  hậu trách nhân
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
Ý nghĩa: Hãy trách mình trước, rồi trách người sau. Ai cũng có lỗi lầm, sai sót. Sao ta chỉ thấy lỗi của người khác rồi trách móc họ, đôi khi rất bất công, mà không chịu nhận ra lỗi của mình hoặc cố ý che giấu lỗi của mình.
Một thứ tiếng Việt sang trọng
Một thứ tiếng Việt sang trọng
Có người nói thứ tiếng Việt cẩu thả, túy hứng, dễ dãi đến mức phá vỡ cấu trúc ngôn ngữ, khó nghe khó hiểu. Họ không tôn trọng tiếng mẹ đẻ, hay không hiểu đúng tầm vóc của tiếng nói tác động ra sao đến người nghe, cũng như góp...
Nhớ bần!
Nhớ bần!
Nhiều người thường nói, Sài Gòn là nơi thu hút những đặc sản của cả nước, nhất là cây trái vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mùa nào thức nấy, muốn gì cứ ra chợ đều có cả. Vậy mà, có một thứ vẫn chưa thấy, đó là trái bần.
Tâm tư tháng 10
Tâm tư tháng 10
Trong Kinh Thánh, người nam và người nữ có những vai trò khác nhau trong hôn nhân và Hội Thánh. Thiên Chúa tạo ra chúng ta bình đẳng về mục đích, tình yêu.
Lời kinh, hơi thở cuộc đời
Lời kinh, hơi thở cuộc đời
Mỗi khi bước vào nhà thờ để gặp Chúa là thêm một lần Kitô hữu chạm những xúc cảm và suy nghĩ trong thâm sâu con người mình: Miệng thú nhận lỗi lầm, tay đấm ngực.